Cùng với ông Nguyễn Văn Cát ở huyện Tân Châu, ông Trịnh Thế Khoa ở huyện Dương Minh Châu là một trong hai người hiện sinh sống ở Tây Ninh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong khi ông Cát tham gia phục vụ chiến đấu trong vai trò dân công hoả tuyến, ông Trịnh Thế Khoa lại là bộ đội chính quy trực tiếp tham gia chiến dịch.
Năm nay 98 tuổi, nhưng ông Trịnh Thế Khoa còn khoẻ, minh mẫn, răng còn đều, mắt còn tinh, tai còn thính và đặc biệt, trí nhớ của ông rất tốt. Trận Điện Biên Phủ cách nay đã bảy mươi năm. Những người có mặt trong sự kiện lịch sử đó, hiện nay không còn nhiều. Vì thế, có thể xem ông Trịnh Thế Khoa là một nhân vật đặc biệt, một nhân chứng lịch sử.
Cựu chiến sĩ Điện Biên, cụ Trịnh Thế Khoa, 98 tuổi.
Chứng kiến sự hi sinh của anh hùng Tô Vĩnh Diện
Sinh năm 1926 tại tỉnh Hải Dương, trước khi nhập ngũ, ông Trịnh Thế Khoa làm bảo vệ cho ông Phan Hiền, lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Yên (nay là thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Trong thời gian này, ông Khoa đã cứu mạng sống vị Bí thư Tỉnh uỷ. Sau này, khi ông Khoa vào sinh sống ở Tây Ninh, những năm 80, vị Bí thư Tỉnh uỷ đã lặn lội vào miền Nam tìm gặp ân nhân, người cận vệ trung thành của mình.
Trở lại chuyện người cựu chiến binh già Trịnh Thế Khoa, sau thời gian công tác ở Quảng Yên và một số nơi khác, ông Khoa gia nhập quân đội. “Đêm hôm đó, tôi không nhớ chính xác đêm nào, hai bác cháu tôi bơi qua một con sông để về sống ở vùng tản cư, làm trong bộ phận thông tin. Sau đó, thấy tôi có sức khoẻ tốt, một anh bạn đề nghị tôi tham gia quân đội, tôi đồng ý”- ông Khoa kể lại.
Ông kể tiếp, sau thời gian huấn luyện, đơn vị của ông chính thức vào trận. “Đêm hôm đó, đơn vị của tôi lên đến đèo Pha Đin, một cơn mưa to bất thần ập đến. Đất đá sạt lở. Một tảng đá rất lớn từ phía trên núi lăn xuống khiến một số anh em hy sinh khi chưa kịp vào trận”- ông nhớ lại. Nhiệm vụ đầu tiên đánh dấu sự tham gia của ông Khoa trong trận chiến Điện Biên Phủ là kéo pháo vào trận địa.
Theo lời kể, chính ông là một trong những người chứng kiến sự hy sinh của anh hùng Tô Vĩnh Diện. “Lúc đó, trung đội của tôi đang kéo pháo, bất ngờ cuộn dây tời dùng để kéo pháo bị đứt do trúng đạn của quân Pháp. Khẩu pháo trượt từ từ xuống phía dưới triền dốc. Anh Tô Vĩnh Diện bất thần lấy thân mình chèn vào càng khẩu pháo. Hành động của anh Diện khiến bánh xe của khẩu pháo xoay ngang rồi dừng lại, không rơi xuống vực nữa. Anh Tô Vĩnh Diện hy sinh nhưng khẩu pháo được cứu”.
Khi anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh, ông đang kéo (khẩu pháo đó) ở phía trên, cách anh Tô Vĩnh Diện vài chục mét. Sau khi anh Tô Vĩnh Diện hy sinh, đơn vị cử một số người ở lại chôn cất, những người còn lại tiếp tục kéo pháo vào trận địa. “Chúng tôi kéo pháo ban đêm, sáng hôm sau vào đến địa điểm bố trí và nguỵ trang giấu khẩu pháo, chờ thời khắc khai hoả. Nhưng ngay sau đó, đơn vị được lệnh kéo pháo ra để bố trí lại. Riêng tôi không tham gia kéo pháo ra, tôi được giữ lại để học cách chế tạo bộc phá. Chính công việc này khiến sau đó tôi được bốc thăm đánh cứ điểm đồi Him Lam. Tôi được chỉ huy phân công đặt quả bộc phá vào hàng rào thứ năm của cứ điểm quân sự này. Trận đánh đó, phía ta hy sinh rất nhiều”- ông Trịnh Thế Khoa nhớ lại sự việc cách đây đúng 70 năm.
Sau trận đánh ở đồi Him Lam, cụ tham gia trận nào nữa không? “Có chứ, chúng tôi đánh nhiều lắm, không thể nhớ hết. Chính trung đội của tôi là đơn vị vào tận hầm của tướng Christian de Castries để bắt ông ta”.
Sau khi quân Pháp đầu hàng, chúng tôi nhận được lệnh áp giải tù binh. Đội quân tù binh phải đi bộ rất xa mới ra đến địa điểm có xe ô tô đưa về Hà Nội. Cấp trên yêu cầu chúng tôi ra lệnh cho toàn bộ tù binh phải cởi hết giày, vì không có giày, tù binh không dám bỏ trốn vào rừng. Tôi còn nhớ một chiến sĩ tên là Thụ, quê tỉnh Thanh Hoá, mới 16 -17 tuổi nhưng bắn súng rất giỏi.
Người này lệnh cho Christian de Castries phải cởi giày nhưng ông ta không tuân lệnh. Anh Thụ bèn cúi người xuống tháo dây buộc giày của viên tướng bại trận thì bất ngờ ông ta… xách chiến sĩ Thụ quẳng ra xa. Bực tức, anh Thụ đề nghị Chỉ huy đơn vị yêu cầu viên tướng chỉ huy Điện Biên Phủ đứng im. Sau đó, viên tướng được yêu cầu tháo cái mũ đang đội trên đầu và dùng tay đưa lên cao, chiến sĩ Thụ đứng cách viên tướng hàng chục mét và bắn trúng vị trí gắn ngôi sao trên mũ. Kể từ đó, trên đường áp giải tù binh, mỗi khi thấy anh Thụ, ông ta lại chắp tay vái, bày tỏ thán phục về tài bắn súng ngắn của quân Việt Minh.
Cụ Khoa vừa ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ (ảnh do gia đình cung cấp).
98 tuổi “mặc quần áo nâu đạp xe đi họp”
Sau ngày 7.5.1954, ông Khoa cùng đoàn quân về Hà Nội, chuẩn bị làm lễ duyệt binh, mừng chiến thắng Điện Biên, tiếp quản thủ đô. “Đây là lần đầu tiên tôi gặp Bác Hồ. Tôi nhớ hôm đó đang tập điều lệnh, đội hình đội ngũ, bất ngờ Bác đến ngay trước mặt tôi và hỏi: “Cháu đứng như thế đã đúng tư thế “nghỉ” trước khi “nghiêm” chưa?”. Tôi trả lời: “Thưa Bác, cháu đã đứng đúng như hướng dẫn”. Bác vui vẻ cười và nói: “Thế Bác lạc hậu hơn cháu rồi””.
Ông kể tiếp, trong thời gian tập dượt chuẩn bị cho duyệt binh ở Hà Nội, đơn vị của ông và cá nhân ông được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Tôi nhớ lúc đó anh em trong đơn vị thường trêu đùa những người con trai của Đại tướng. Đại tướng rất thân thiện, ông nói với chúng tôi “các chú đừng trêu cháu”. Nhắc đến Đại tướng, ông Khoa nói, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự. Nếu không thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, không biết điều gì sẽ xảy ra nhưng chắc chắn, bộ đội mình hy sinh rất nhiều, nếu không muốn nói rằng thất bại.
Sau đó, theo lời ông Khoa, phần lớn những chiến sĩ tham gia Điện Biên được giải ngũ về tham gia lao động, sản xuất, công tác ở địa phương. “Tôi nhớ lúc đó, khi xuất ngũ, tài sản tôi mang về nhà chỉ có một bộ quần áo mặc trên người, một bộ trong còn lại gói trong hành lý. Nhà nước hỗ trợ cho mỗi chiến sĩ Điện Biên sáu tháng gạo, theo tiêu chuẩn. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông Khoa, lúc bấy giờ tuổi cũng đã lớn tuổi nên không tái ngũ. Ông tham gia công tác tại địa phương cho đến ngày đất nước thống nhất. Sau đó, ông vào Tây Ninh, sống tại huyện Dương Minh Châu cho đến nay.
Bảy mươi năm đã trôi qua kể từ ngày tham gia trận Điện Biên Phủ, cụ mới đi Hà Nội dự lễ kỷ niệm về, cụ có điều gì nhắn gửi đến thế hệ hôm nay không? “Thật lòng tôi không nghĩ gì nhiều nhưng hôm nay gặp các anh, các anh hỏi tôi mới nói. Khi tham gia đánh thực dân Pháp, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình góp sức đuổi giặc Pháp để giành lại đất nước. Hết giặc rồi về cầm cuốc cầm cày, súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa. Tôi không đòi hỏi gì về việc Nhà nước trả công lao cả” - ông Khoa nói.
Ông cho biết thêm, điều ông hạnh phúc nhất, trong 9 người con của hai ông bà, ngoài một người mất từ nhỏ, tất cả đều trưởng thành, không điều tiếng gì. Chia tay phóng viên, người cựu chiến sĩ Điện Biên gần 100 tuổi đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ, cụ vừa làm xong. Trích vài câu:
“Chín mươi tám năm tuổi đời
Bảy mươi mốt năm tuổi Đảng
Năm mươi hai năm làm cho cách mạng
Khoa vẫn chưa quên cái cuốc, cái cày
Vẫn mưa nắng chai cộm bàn tay
Giấc ngủ, bữa ăn thường đạm bạc
Mặc quần áo nâu đạp xe đi họp
Uống nước chè xanh, nằm chõng xã cho…”.
Câu “uống nước chè xanh, nằm chõng xã cho”, ông Khoa giải thích, cách nay đã lâu, UBND xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu tặng ông một cái giường để nằm nghỉ. Còn câu, “mặc quần áo nâu đạp xe đi họp”, ý tác giả nói, mỗi khi đến kỳ họp chi bộ, ông vẫn đạp xe đến nơi họp, tham gia sinh hoạt Đảng ở địa phương.
Gần 100 tuổi, sự kiện lịch sử xảy ra cách nay hàng chục năm. Những gì cụ Trịnh Thế Khoa nhớ lại chưa hẳn chính xác hoàn toàn… xin thể tất cho, không nên và không thể đòi hỏi nhiều hơn! Cụ là cựu chiến sĩ Điện Biên hiếm hoi còn lại kể cho thế hệ hôm nay câu chuyện thời khắc “đêm lịch sử Điện Biên sáng rực, trên đất nước như huân chương trên ngực”, 70 năm về trước.
Việt Đông - Đại Dương