Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Vũ Văn Của, hội viên nông dân xã Thái Thượng (Thái Thụy) cho hiệu quả kinh tế cao.
Thay đổi hướng đến thành công
Từ những lá chiếu cói truyền thống của làng nghề An Vũ (Quỳnh Phụ), anh Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Chiếu cói Thân Vui đã phát triển thành nhiều sản phẩm tiện ích, độc đáo, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong năm 2023, anh đã nghiên cứu, kết hợp chiếu cói với tinh dầu hương thảo của anh Nguyễn Văn Thắng, hội viên nông dân xã Quỳnh Hồng để làm ra sản phẩm chiếu cói dành cho trẻ nhỏ. Không chỉ sản xuất chiếu cói, anh Quý còn mở rộng sản xuất các sản phẩm như tranh treo tường, ví, dép... từ sợi cói theo đơn hàng. Anh cho biết: Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm cạnh tranh với chiếu cói truyền thống. Nếu doanh nghiệp không thay đổi tư duy, cách làm chắc chắn không thể chiếm lĩnh được thị trường. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mỗi năm chúng tôi sẽ nghiên cứu, đưa ra thị trường một sản phẩm mới với những tính năng độc đáo, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất. 3 năm gần đây, tôi đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để nâng cấp máy móc. Mỗi năm Công ty đạt doanh thu từ 8 - 10 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi 1 tỷ đồng.
Không chỉ tập trung phát triển sản phẩm, anh Quý còn chú trọng xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đưa chiếu cói lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Là người phụ trách hoạt động kinh doanh online của Công ty, anh Nguyễn Văn Tuân không chỉ sáng tạo trong cách giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm mà còn hướng đến quảng bá hình ảnh, văn hóa làng nghề. Anh cho biết: Hiện nay, người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm truyền thống, thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe. Công ty TNHH Chiếu cói Thân Vui là doanh nghiệp sản xuất chiếu cói đầu tiên tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Thời gian đầu triển khai gặp khá nhiều khó khăn nhưng hiện tại doanh thu đã tăng hơn 30% so với trước. Thông qua bán hàng trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, chúng tôi đã có những đơn hàng từ nước ngoài với số lượng lớn.
Trước đây, khi nhiều hộ vẫn đang nuôi tôm theo phương thức quảng canh thì anh Vũ Văn Của, hội viên nông dân xã Thái Thượng (Thái Thụy) đã mạnh dạn đầu tư chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Theo anh Của, nếu không đổi mới trong tư duy, cách làm, nông dân sẽ khó thành công trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Anh chia sẻ: Gia đình tôi đang duy trì mô hình 30ha nuôi tôm công nghệ cao với 15.000m2 nuôi giống tôm thẻ chân trắng; 2.000m2 nuôi tôm sú và hệ thống xử lý nước; kết hợp kinh nghiệm và học hỏi thêm từ các mô hình lớn ở các tỉnh khác để ứng dụng vào mô hình của gia đình. Tôi chú trọng bảo đảm vệ sinh môi trường nước, thường xuyên kiểm tra dịch bệnh để bảo đảm tôm luôn khỏe mạnh. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mỗi năm tôi thu được 3 vụ tôm, sau khi trừ chi phí thu lãi 300 - 500 triệu đồng/vụ.
Không dừng lại ở đó, anh Của tiếp tục nhập giống tôm sú ở Ninh Thuận về nuôi theo hướng công nghệ cao. “Mặc dù là người đầu tiên thực hiện nhưng sau 6 tháng tôi thu hoạch được hơn 1,5 tấn, bán giá cao hơn nhiều so với tôm thẻ chân trắng, cho doanh thu 600 triệu đồng” - anh Của cho biết thêm.
Xây dựng thế hệ nông dân thời đại mới
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Việc xây dựng lực lượng nông dân tiên tiến, trình độ, sáng tạo, trách nhiệm được xem là một trong những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Thời gian qua, hội viên nông dân các cấp đã phát huy trí tuệ, sáng tạo và mạnh dạn đầu tư, làm chủ khoa học kỹ thuật, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.
Để tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận khoa học kỹ thuật, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt, giai đoạn 2018 - 2023, Hội Nông dân tỉnh chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho hơn 1 triệu lượt hội viên. Các cấp hội hướng dẫn thành lập 102 mô hình kinh tế tập thể; hỗ trợ xây dựng 112 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, mở ra cơ hội liên kết sản xuất chuỗi, nâng cao giá trị nông sản, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Cùng với đó, các cấp hội duy trì hiệu quả nguồn quỹ hỗ trợ nông dân; tín chấp với các ngân hàng hơn 3.500 tỷ đồng cho hơn 70.900 lượt hội viên vay phát triển sản xuất; hỗ trợ nông dân hơn 9.500 tấn phân bón trả chậm trị giá hơn 137 tỷ đồng.
Hướng đến xây dựng thế hệ nông dân thời đại mới, Hội Nông dân tỉnh sẽ chỉ đạo các tổ chức thành viên tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông nghiệp nhằm nâng cao trình độ sản xuất, tăng năng suất lao động và tăng thu nhập cho hội viên; hỗ trợ hội viên tiếp cận và ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; tiếp tục tuyên truyền đẩy mạnh quá trình liên kết, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao, góp phần tích cực phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Nông dân quảng bá, kinh doanh sản phẩm chiếu cói thông qua các nền mảng xã hội và sàn thương mại điện tử.