Sign In

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật

16:43 29/11/2024
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, sáng ngày 29/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua các dự án: Luật Địa chất và khoáng sản và Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình dự phiên họp.

Theo đó, có 446/448 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Địa chất và khoáng sản. Dự thảo Luật được thông qua gồm 12 chương, 111 điều  quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Với 448/450 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,53% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Luật gồm 8 chương, 55 điều quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện hoạt động và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật; hồ sơ dự án Luật; quan điểm xây dựng Luật; phạm vi sửa đổi, bổ sung; việc bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát; bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát; bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri; bổ sung tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, nhóm vấn đề chất vấn, vấn đề được giải trình trong dự thảo Luật; hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội; giải pháp bảo đảm thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát cùng các nội dung khác đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp…

Đề nghị lựa chọn phương án 1 về bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát, trong dự thảo là: Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Đại biểu cho rằng, việc bổ sung nguyên tắc này để thể hiện mối quan hệ giữa hoạt động giám sát với việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương là rất cần thiết và cần phải coi đây là một nguyên tắc mang tính độc lập.

Về quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo, đại biểu đánh giá việc chuyển thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận một số báo cáo từ kỳ họp cuối năm sang kỳ họp giữa năm sẽ giúp điều hòa hợp lý, giảm tải khối lượng công việc rất lớn của Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm; đồng thời tạo thuận lợi để Chính phủ, bộ, ngành trong quá trình thống kê, xây dựng báo cáo tổng hợp đầy đủ tình hình, số liệu trong 1 năm, làm cơ sở cho việc đánh giá toàn diện kết quả công tác trong năm của cơ quan chịu sự giám sát, khắc phục tình trạng các cơ quan phải lấy số liệu nhiều lần phục vụ xây dựng báo cáo trình Quốc hội, gây lãng phí nguồn lực.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.


Tác giả: Theo Baothaibinh.com.vn

Tag:

File đính kèm