Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Thái Thụy kiểm tra tại cảng cá Tân Sơn.
Theo báo sơ bộ thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn huyện Thái Thụy đến 7 giờ sáng ngày 8/9, chưa có thiệt hại về người và tàu thuyền. Tuy nhiên có 35.000m2 mái tôn nhà xưởng, trang trại, công trình công cộng, trường học, nhà tạm của nhân dân bị tốc; nhiều biển quảng cáo, đèn đường trang trí,… bị hư hỏng; 1 cổng chào kết cấu thép của xã bị đổ, gẫy; hệ thống loa truyền thanh, nhiều xã bị hư hỏng. Đặc biệt, toàn bộ đường dây trung thế 22kV và 35kV từ trạm biến áp 110kV Thái Thụy và Thái Hưng bị sự cố gây mất điện toàn bộ phụ tải trên địa bàn huyện (trừ Khu công nghiệp Liên Hà Thái); 17 trạm biến áp bị sự cố nổ sứ; trên 450 cột điện bị siêu, đổ, gẫy. Hiện đơn vị điện lực đang khẩn trương khắc phục để cấp điện trở lại phục vụ sản xuất, dân sinh.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Thái Thụy kiểm tra tại thị trấn Diêm Điền.
Đối với sản xuất nông nghiệp, diện tích lúa bị ảnh hưởng và đổ ngã trên 7.000ha, trong đó trên 5.000ha thiệt hại trên 70% và trên 2.000ha thiệt hại từ 30 - 50%; rau màu các loại chưa thu hoạch có 305ha bị hư hỏng; trên 10.000 con gia cầm bị thiệt hại; diện tích nuôi thủy sản bị ngập, lụt, thiệt hại trên 1.500ha, trong đó nước lợ 1.000ha, nước ngọt 500ha. Ngoài ra, khoảng 27.500 cây lâu năm, cây bóng mát, cây ăn quả… bị gẫy, đổ, bật gốc. Tổng kinh phí thiệt hại do bão số 3 ước tính trên 350 tỷ đồng.
Ngay tối ngày 7/9, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang, các đơn vị chức năng của huyện, các xã, thị trấn khẩn trương huy động nhân lực thu dọn cành cây, cột điện gẫy, đổ; hệ thống cáp quang, dây điện, dây truyền thanh, dây viễn thông bị đứt để giải tỏa giao thông, tránh ách tắc, gây tai nạn giao thông; phối hợp với điện lực, viễn thông dựng, thay thế cột bị đổ, gẫy để khẩn trương cấp điện trở lại và đảm bảo thông tin được thông suốt. Đến 22 giờ cùng ngày, tất cả các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ trên địa bàn huyện đã thông suốt.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Thái Thụy kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại xã Dương Hồng Thủy.
Trực tiếp nắm tình hình, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra tại cảng cá Tân Sơn và một số cánh đồng trên địa bàn huyện Thái Thụy, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh nhấn mạnh: Thái Thụy là địa bàn trọng điểm của tỉnh khi bão số 3 đổ bộ, mặc dù đã chủ động, khẩn trương và quyết liệt triển khai các giải pháp ứng phó với bão theo đúng chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, tuy nhiên hậu quả do bão số 3 gây ra rất lớn.
Khoảng 7.000ha lúa mùa trên địa bàn huyện Thái Thụy bị ảnh hưởng do bão số 3.
Để nhanh chóng ổn định đời sống người dân, khôi phục các hoạt động sản xuất, đồng chí đề nghị huyện thực hiện nghiêm Công điện số 07/CĐ-UBND của UBND tỉnh về việc tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra và các công văn chỉ đạo đã ban hành. Khẩn trương khôi phục hệ thống điện, viễn thông, thông tin liên lạc bị ảnh hưởng trên địa bàn huyện bảo đảm thông suốt, ưu tiên cho các trụ sở hành chính, cơ quan, đơn vị phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của các cấp và đời sống dân sinh. Tiếp tục rà soát, huy động lực lượng ra quân xử lý cây gẫy đổ, vật chướng trên các tuyến đường, bảo đảm giao thông thông suốt.
Theo báo cáo sơ bộ, Thái Thụy chưa có thiệt hại về người và phương tiện tàu thuyền do bão số 3.
Phân công cán bộ, phụ trách địa bàn kiểm tra, đôn đốc việc khắc phục hậu quả sau bão ở các địa phương, đơn vị, lưu ý khắc phục ngay những hậu quả sau bão liên quan đến các yếu tố về môi trường. Sớm kiểm tra, hỗ trợ khôi phục tình hình hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là trong Khu Kinh tế Thái Bình, bảo đảm các doanh nghiệp hoạt động trở lại ngay.
Cùng với đó, quan tâm khắc phục hậu quả sau bão đối với khối trường học, cơ sở y tế để các em học sinh đi học bình thường ngay từ ngày 9/9 và bảo đảm tốt hoạt động khám chữa bệnh.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đặc biệt lưu ý huyện Thái Thụy cần phải tập trung cao cho công tác tiêu úng, bảo vệ lúa mùa và hoa màu, sẵn sàng các phương án tối ưu trong tiêu úng, ngập do mưa lớn do hoàn lưu sau bão; tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại đối với ngành nông nghiệp cũng như có giải pháp sản xuất nông nghiệp vụ tới để bù đắp các thiệt hại sau bão số 3.
Đồng chí yêu cầu huyện phải khẩn trương thực hiện ngay các công việc khắc phục hậu quả sau bão với mục tiêu hoạt động của người dân, doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động bình thường.