Sign In

Kỷ niệm 55 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024) và 55 năm Ngày mất của Người (02/9/1969 - 02/9/2024): Thái Nguyên khắc ghi lời Bác dạy

07:02 23/08/2024
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất. Người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trước lúc đi xa, Người để lại cho muôn đời sau bản Di chúc thiêng liêng - Văn kiện lịch sử vô giá kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai.

Đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đó là lời hiệu triệu, lời hịch vang dậy núi sông. Những lời căn dặn của Người cũng chính là khẩu hiệu hành động cách mạng, là mục tiêu và định hướng, là quyết tâm phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên trong suốt 55 năm qua.

image 20240823180206 1
Di chúc Bác Hồ. Ảnh: Tư liệu

 

Bản Di chúc thiêng liêng


Năm 1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, vào lúc 9 giờ sáng ngày 10/5/1965 Bác bắt đầu viết bản Di chúc với tiêu đề “Tuyệt đối bí mật”. Bản Di chúc gồm ba trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các năm 1966, 1967, Bác không có những bản viết riêng. Năm 1968, Bác viết bổ sung thêm một số đoạn, gồm sáu trang viết tay. Trong đó, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói “về việc riêng” đã viết trong bản năm 1965 và viết thêm một số đoạn. Đó là những đoạn nói về các công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, như chỉnh đốn lại Đảng, quan tâm gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước.


Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay. Sau đó, trong các ngày từ 11 đến ngày 19/5/1969, Bác còn tiếp tục sửa chữa bản Di chúc của các năm 1965, 1968, 1969. Đúng 10 giờ ngày 19/5/1969, là kỷ niệm ngày sinh lần thứ 79 của Bác, Bác đọc lại lần cuối cùng tất cả các bản Di chúc đã viết trước đó, rồi xếp tất cả bỏ vào phong bì và cất đi…


 Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người tháng 9/1969, gồm 4 trang in khổ 14,5 cm x 22 cm. Ngày 19/8/1989, Bộ Chính trị ra Thông báo số 151-TB/TW về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Di chúc công bố chính thức năm 1969 bảo đảm trung thành với bản gốc của Người. Nội dung chủ yếu dựa theo bản Bác viết năm 1965, trong đó đoạn mở đầu là của bản viết năm 1969, đoạn về việc riêng là của bản viết năm 1968. Lúc đầu, vì những lý do nhất định, nên một số vấn đề trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa được công bố, như: Việc căn dặn của Người về hoả táng thi hài; việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi; miễn giảm thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp... Trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Người.


Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng phồn thịnh


Trong lịch sử đấu tranh cách mạng và kháng chiến của Nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã phát huy truyền thống của quê hương cách mạng “Thủ đô kháng chiến”, không ngại hy sinh, gian khổ, vượt qua mọi thử thách, gian nan, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của hậu phương đối với tiền tuyến “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, nghe theo tiếng gọi của Đảng, lớp lớp thế hệ thanh niên Thái Nguyên đã tình nguyện lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại tàn khốc bằng không quân của giặc Mỹ, quân dân Thái Nguyên với truyền thống cách mạng, vừa sản xuất vừa chiến đấu, đã bắn rơi 61 máy bay của giặc Mỹ, trong đó có 2 chiếc B52, 1 máy bay trinh sát điện tử EB66, góp phần cùng Nhân dân cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975.

Cùng với quân và dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên hết sức tự hào đã thực hiện trọn vẹn lời căn dặn trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn gian khổ mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.


 Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi đã mở ra kỷ nguyên mới của cách mạng Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực hiện hoài bão lớn nhất của Bác Hồ: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” và “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã tập trung lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế; các lĩnh vực văn hoá - xã hội được quan tâm; hệ thống chính trị được củng cố và kiện toàn; đời sống nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện…

image 20240823180206 2

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng bức tranh chân dung Bác Hồ cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thái Nguyên
nhân chuyến công tác tại tỉnh (ngày 10/01/2023)

 

Nếu như năm 1997, năm đầu tiên sau khi tái lập tỉnh, thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt hơn 200 tỷ đồng; thì đến năm 2023, thu ngân sách của tỉnh đã tăng 100 lần; luôn nằm trong tốp 18 tỉnh, thành phố thu ngân sách cao nhất cả nước. Đến nay, sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, đất nước và trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, song bức tranh kinh tế - xã hội của Thái Nguyên vẫn có nhiều điểm sáng rất tích cực. Tiêu biểu là, tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao so với bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản; luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về giá trị xuất khẩu. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, với GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt gần 113 triệu đồng, đứng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc… Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh luôn được quan tâm, chú trọng. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc; an ninh quốc phòng được giữ vững…

 

image 20240823180206 3
Quang cảnh trung tâm thành phố Thái Nguyên hôm nay

 

Có thể thấy, dù trong gian khổ kháng chiến, vất vả thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế - xã hội và đạt được những thành tựu vượt bậc ngày hôm nay; những lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu trong Di chúc vẫn khắc sâu trong tâm trí các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên; trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn, là động lực mạnh mẽ tạo sức mạnh đoàn kết, nỗ lực phấn đấu kiến tạo xây dựng Thái Nguyên ngày càng có nhiều đổi thay tích cực, thắp sáng địa danh An toàn khu - Thủ đô kháng chiến; từng bước vươn lên để hiện thực hóa khát vọng đưa Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta.

Thu Hương

 

Tag:

File đính kèm