Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 10 nghìn doanh nghiệp (DN), đảm bảo việc làm cho gần 230 nghìn lao động. Sự phát triển nhanh chóng của lực lượng công nhân, người lao động, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (DNNKVNN), đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên. Qua đó vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong các thành phần kinh tế, vừa đáp ứng yêu cầu giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thực hiện chủ trương này, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao về số lượng, chú trọng về chất lượng hoạt động của tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế NKVNN, đồng thời quan tâm chỉ đạo thành lập ngay tổ chức đảng đối với những DN có đủ điều kiện.
Hội nghị đã tiếp nhận 24 ý kiến đồng thuận với chủ trương, đường lối của Đảng về tăng cường công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các DN; mong muốn được quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ về các thủ tục thành lập tổ chức đảng tại các đơn vị đủ điều kiện; cũng như hướng dẫn về nghiệp vụ trong công tác đảng sau khi được thành lập.
Ngay sau Hội nghị, cấp ủy các cấp cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nhanh chóng "bắt tay" với DN để xúc tiến việc thành lập tổ chức đảng ở những DN đủ điều kiện.
Có thể nói, Hội nghị trực tuyến chuyên đề về công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng trong các DN là một "bước ngoặt" lớn, là sự chỉ đạo kịp thời mang tính định hướng sâu sắc của Tỉnh ủy Thái Nguyên trong công tác xây dựng tổ chức đảng trong DN, đặc biệt là DNNKVNN. Những vướng mắc, khó khăn được các DN, địa phương nêu ra tại Hội nghị đều được trả lời thấu đáo, gợi ý hướng giải quyết.
"Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm" - phương châm nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Thái Nguyên đối với công tác xây dựng tổ chức đảng trong DNNKVNN đã được cấp ủy các địa phương và DN trong toàn tỉnh quán triệt, bắt tay vào triển khai với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao nhất.
Trước đó, Thái Nguyên chỉ có 1 tổ chức đảng trong DN FDI là Chi bộ Công ty TNHH Mani Hà Nội, được thành lập năm 1997 (tiền thân là Chi bộ công ty liên doanh giữa Công ty Meinfa và Công ty Mani của Nhật Bản).
Dù số tổ chức đảng và đảng viên còn khiêm tốn, nhưng thời gian qua, nhiều tổ chức đảng trong DNNKVNN đã phát huy tốt vai trò của mình. Đơn cử như Chi bộ Công ty CP Đầu tư quốc tế THAGACO (xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ), từ chỗ chỉ có 9 đảng viên khi mới thành lập (năm 2021), đến nay tăng lên 24 đảng viên.
Đối với huyện Phú Bình, trong hai năm (2023-2024), trên địa bàn có 3 chi bộ trong DNNKVNN được thành lập. Đây được coi là những DN “mở đường”, tạo ra hiệu ứng tích cực trong việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong DNNKVNN trên địa bàn.
Một cách làm hay của Phú Bình nhằm "tiếp sức" cho các tổ chức đảng trong DNNKVNN mới thành lập là tăng cường cán bộ trong cấp ủy về tham gia sinh hoạt đảng để chỉ đạo, hướng dẫn và định hướng nội dung họp chuyên đề, thảo luận và ra nghị quyết.
Là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh, TP. Thái Nguyên hiện có 2.480 DN đang hoạt động, với trên 64.000 lao động. Cụ thể hóa Nghị quyết số 21 và tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy Thái Nguyên về công tác phát triển tổ chức đảng trong DNNKVNN, Đảng bộ TP. Thái Nguyên đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, mấu chốt là phải tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của chủ DN, đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền để chủ DN và mỗi đảng viên thấy rõ lợi ích thiết thực của việc thành lập tổ chức đảng.
Cùng với quan tâm thành lập tổ chức đảng trong DNNKVNN, hằng năm, Đảng bộ thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm điểm, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết và công tác tổ chức sinh hoạt đảng, phát triển Đảng ở những đơn vị này.
Cấp ủy, chính quyền thành phố cũng luôn chia sẻ, đồng hành, tăng cường đối thoại, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng sản xuất - kinh doanh; tổ chức bồi dưỡng chính trị cho cấp ủy, bí thư các chi, đảng bộ trong các DN…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở hầu hết DNNKVNN có tổ chức đảng, các chi, đảng bộ đã thực sự "chung vai" gánh vác để xây dựng DN phát triển. Như tại Đảng bộ Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, thông qua xây dựng các nghị quyết, Đảng ủy Công ty đã phát huy vai trò lãnh đạo hoạch định và thực hiện tốt kế hoạch sản xuất - kinh doanh; mở rộng thị trường…
Hầu hết nghị quyết của các chi, đảng bộ trong DNNKVNN đều có nội dung liên quan đến phát triển sản xuất - kinh doanh hoặc công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cải tiến kỹ thuật, các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo...
Chính bởi liên quan đến những lợi ích "sát sườn" của DN và người lao động, nên ngay khi bắt tay triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống, các chi, đảng bộ đã gặp nhiều thuận lợi.
Việc các nghị quyết nhanh chóng lan tỏa đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong tập thể DN, góp phần giúp DN vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh.
(Còn nữa)