Sign In

Hướng đến mục tiêu Từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai

21:42 28/09/2024
Sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 26 tỉnh, thành phố. Dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Với sự lãnh đạo sát sao, chủ động của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, phản ứng kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp tại hiện trường của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào trong nước và cả đồng bào ta ở nước ngoài… đã hạn chế tối đa thiệt hại và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra. Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã đóng góp nguồn lực hỗ trợ người dân từng bước ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Tại Thái Nguyên, trước diễn biến của bão số 3 và mưa lũ sau bão, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo kịp thời, sát với tình tình thực tế công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã bám sát diễn biến tình hình mưa lũ, chủ động triển khai phương án ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”; ngay khi lũ rút, công tác khắc phục thiệt hại được triển khai đồng bộ, kịp thời, nhanh chóng ổn định đời sống của người dân và các hoạt động trở lại bình thường. Đặc biệt, mưa lũ không làm ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp tại Thái Nguyên do việc quy hoạch và dự báo được thực hiện khoa học.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên 

Tuy có những kết quả nổi bật trong triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả bão và mưa lũ sau bão, song thiệt hại do bão, lũ quét, sạt lở đất vẫn còn rất lớn và vẫn còn những khó khăn, tồn tại như: Các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt... còn hạn chế, chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế. Việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể; người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão đã đổ bộ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó. Chưa có bản đồ nguy cơ sạt lở đất lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, sắp xếp dân cư, công tác chỉ đạo ứng phó…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Tập trung phân tích những kết quả đạt được và những khó khăn, tồn tại, các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận và đưa ra những bài học kinh nghiệm, nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung trong thời gian tới để hướng đến mục tiêu "Từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu" trước thiên tai.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện và 6 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ. Thủ tướng kêu gọi phát huy tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai"; những nơi không bị ảnh hưởng như miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam làm bù lại cho những nơi tại miền Bắc bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao hơn; tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2024, năm 2025 và của cả nhiệm kỳ. 

Thủ tướng nhấn mạnh: Với các gia đình bị mất nhà cửa, phải xây dựng lại, các địa phương, bộ, ngành liên quan phải hoàn thành xong chậm nhất vào 31/12/2024 với vách cứng, nền cứng, mái cứng. Hoàn thành khắc phục cơ sở trường học, bệnh viện, trạm xá trong tháng 10/2024, trong quá trình thực hiện nếu thiếu cơ chế, chính sách thì đề xuất Chính phủ xem xét, giải quyết. Rà soát, thực hiện đầy đủ các chính sách với các đối tượng bị tác động. Cùng với đó, rà soát, sơ kết, đề xuất thi đua khen thưởng với những người hy sinh, những tập thể, cá nhân làm tốt, các điển hình tiên tiến, chậm nhất trong tháng 10/2024; xử lý những tập thể, cá nhân làm không tốt, không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí vi phạm pháp luật.

 

Phương Thảo - Thành Chung
thainguyen.gov.vn

Tag:

File đính kèm