Sign In

Tọa đàm trực tuyến: Tiếp tục khẳng định sự quan tâm đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

16:31 01/10/2024
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV năm 2024 sẽ được tổ chức vào tháng 10/2024. Để hiểu rõ hơn về những kết quả nổi bật trong công tác dân tộc của tỉnh nhiệm kỳ qua và nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ tới, trước thềm Đại hội, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Tiếp tục khẳng định sự quan tâm đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

MC Kim Oanh và các vị khách mời

MC Kim Oanh: Thưa quý vị và các bạn! Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV năm 2024 sẽ được tổ chức vào tháng 10/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, nhằm tổng kết, đánh giá công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc của cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh trong nhiệm kỳ 2019 - 2024; tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi (MN). Đại hội cũng sẽ ghi nhận công lao đóng góp lớn lao của đồng bào các DTTS trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc; đồng thời thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030. Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng và hội nhập bền vững”, Đại hội lần này cũng sẽ đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong nhiệm kỳ tới.

Để hiểu rõ hơn về những kết quả nổi bật trong công tác dân tộc của tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ qua và nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ tới, trước thềm Đại hội, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Tiếp tục khẳng định sự quan tâm đối với vùng đồng bào DTTS&MN. Chương trình có sự tham gia của 2 vị khách mời. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên và ông Ngô Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ.

Trước khi bắt đầu phần trao đổi, xin mời quý vị theo dõi Clip ngắn chúng tôi vừa thực hiện.

MC Kim Oanh: Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho ông Phan Đức Cường. Thưa ông, Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ III, giai đoạn 2019 - 2024 đã đặt ra bao nhiêu mục tiêu? Đến thời điểm này, kết quả thực hiện các mục tiêu như thế nào?

Ông Phan Đức Cường: Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ III đề ra 4 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2024 đối với vùng DTTS&MN như sau: Thứ nhất, phấn đấu giảm nhanh các xã đặc biệt khó khăn; giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo hàng năm, tăng số hộ giàu. Đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào DTTS&MN. Tập trung xây dựng các tuyến đường đến trung tâm thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa; cơ bản các hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và được tiếp cận sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường, lớp học từ mầm non đến trung học phổ thông, có cơ sở vật chất trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia. Thứ ba, nâng số lượng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; sử dụng có hiệu quả hệ thống thông tin và truyền thông. Thứ tư, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững và tăng cường quốc phòng, an ninh, ổn định trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc, miền núi. Đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý cán bộ người DTTS các cấp theo quy định của Trung ương.

Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên

Thực hiện các mục tiêu trên, giai đoạn 2019 - 2024 các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền của Thái Nguyên quan tâm thực hiện có hiệu quả. Một trong những chính sách nổi bật được triển khai là Chương trình 135 tiếp tục được thực hiện trong năm 2019, năm 2020 với tổng tinh phí thực hiện đã đạt trên 556 tỷ đồng. Chương trình đã thực hiện 482 dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; nhân rộng 66 mô hình giảm nghèo; đầu tư xây dựng 414 công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt; duy tu bảo dưỡng 190 công trình; tổ chức 117 lớp lớp tập huấn với gần 11.000 học viên tham gia tập huấn về công tác dân tộc và chính sách dân tộc...  

Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN với 34 mục tiêu thực hiện được xác định với các chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện 10 dự án thành phần đã tác động trực tiếp, toàn diện đến đời sống xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh. Thực hiện Chương trình này, tỉnh Thái Nguyên đã huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2024 đạt trên 630 tỷ đồng. Các đơn vị, địa phương đã thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 6.300 hộ; đầu tư xây dựng 29 công trình nước sinh hoạt tập trung; 724 hộ được vay vốn hỗ trợ làm nhà ở; xây dựng 3 dự án ổn định dân cư tập trung; đầu tư xây dựng 268 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu và duy tu, bảo dưỡng trên 110 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ những năm trước. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục lồng ghép nhiều chương trình, dự án và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS&MN. Đến nay, đã có 100% các xã và trên 99% xóm thuộc vùng DTTS&MN của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 96% hộ gia đình vùng DTTS&MN được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng DTTS&MN có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh ở những nơi cần thiết; 100% xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố, trong đó trên 90% trạm y tế xã có bác sĩ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS&MN giảm 5,1%; đã giảm được 8 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.

MC Kim Oanh:Là một huyện miền núi có 32 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm 54,4% dân số toàn huyện. Trong những năm qua, công tác dân tộc được địa phương quan tâm như thế nào và đạt kết quả ra sao thưa ông Ngô Xuân Huy?

Ông Ngô Xuân Huy: Trong những năm qua công tác dân tộc trên địa bàn huyện Đồng Hỷ được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đồng bộ các chương trình, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các chương trình mục tiêu đầu tư cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được triển khai đầy đủ, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.

Ông Ngô Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ

Kết quả, sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư tại Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III và 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Hỷ lần thứ XXV, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện phát triển ổn định, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được củng cố và giữ vững. Công tác quản lý Nhà nước về dân tộc và các chính sách dân tộc được tăng cường. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng và nhiều chương trình, chính sách trọng tâm, trọng điểm khác được quan tâm triển khai đồng bộ, đặc biệt ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đông đồng bào DTTS sinh sống...

Đến nay, toàn huyện có 11/12 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã Văn Lăng đạt 17/19 tiêu chí xã NTM. Thực hiện huy động các nguồn lực xây dựng NTM với số kinh phí trên 668,577 tỷ đồng, Nhân dân tham gia hiến trên 22 ha đất các loại để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn. Toàn huyện, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% xóm có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% xóm, bản có điện lưới quốc gia; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ số hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 96,18%. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được nâng cao. Theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có 2.450 hộ nghèo người DTTS, chiếm tỷ lệ 19,4%. Trong 2 năm (2022, 2023), trên địa bàn huyện giảm 998 hộ nghèo đa chiều là người DTTS, vượt kế hoạch đề ra.

MC Kim Oanh: Những kết quả ấn tượng trong công tác dân tộc của tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Đồng Hỷ nói riêng trong nhiệm kỳ 2019 - 2024 là minh chứng rõ nét cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh và các địa phương đối với công tác dân tộc. Vậy những kết quả này đã có tác động như nào đến đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn thưa ông Phan Đức Cường?

Ông Phan Đức Cường: Những kết quả triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp diện mạo vùng đồng bào DTTS& MN có bước phát triển khá toàn diện; thúc đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, cơ sở vật chất của trường lớp học, trạm y tế được quan tâm đầu tư, công tác chăm sóc y tế, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Qua đó, giúp đồng bào các DTTS phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN ngày càng khởi sắc, góp phần quan trọng cùng cả tỉnh hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên giàu đẹp.

MC Kim Oanh: Ngoài những kết quả tích cực, chắc chắn trong nhiệm kỳ qua, công tác dân tộc cũng có không ít khó khăn, hạn chế cần phải thẳng thắn nhìn nhận để rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tiếp theo. Đối với huyện Đồng Hỷ những khó khăn, hạn chế đó là gì thưa ông Huy?

Ông Ngô Xuân Huy: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ qua, công tác dân tộc trên địa bàn huyện Đồng Hỷ còn gặp một số khó khăn, hạn chế cụ thể như: Công tác phối hợp giữa các đơn vị trong thực hiện tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện có lúc chưa chặt chẽ, thường xuyên; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào DTTS còn cao; kinh tế ở một số vùng đồng bào DTTS còn khó khăn, ứng dụng các tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều; mở rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả còn hạn chế, chưa bền vững. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được nâng lên song vẫn còn nhiều khó khăn, một số tuyến đường giao thông đã xuống cấp, nhỏ hẹp, đi lại khó khăn, không đảm bảo an toàn. Việc huy động vốn của Nhân dân vào việc đóng góp, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội còn hạn chế.

MC Kim Oanh: Nhìn lại kết quả sau cả một nhiệm kỳ nỗ lực, chúng ta rất phấn khởi, tự hào về những thành tựu đạt được, đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTT&MN. Tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Từ những kết quả trong nhiệm kỳ qua, những kinh nghiệm gì sẽ được rút ra để chuẩn bị tốt hơn cho nhiệm kỳ tới, thưa ông Phan Đức Cường?

Ông Phan Đức Cường: Từ những kết quả trong nhiệm kỳ qua, những bài học kinh nghiệm được rút ra đó là:

Thứ nhất: Xác định công tác tuyên truyền, vận động là việc làm thường xuyên, kiên trì và lâu dài trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương vùng đồng bào DTTS phải chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp phong tục, tập quán và trình độ nhận thức của người dân để đồng bào DTTS được nghe, được hiểu, được thực hiện và chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời có trách nhiệm thực hiện đúng và thụ hưởng một cách có hiệu quả các chính sách dân tộc đã triển khai. Cán bộ phải thường xuyên lắng nghe, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của đồng bào các DTTS, phát huy thật tốt vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền vận động ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Thứ hai: Xây dựng đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện các chương trình, dự án có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức; sâu sát với cơ sở, tận tụy với công việc; gần gũi với Nhân dân là yếu tố căn bản quyết định sự thành công của các chính sách dân tộc khi triển khai thực hiện trên vùng đồng bào các DTTS&MN của tỉnh. Do đó, phải thường xuyên quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ từ cấp huyện, cấp xã đến cấp thôn bản và thực hiện đồng bộ toàn diện từ khâu học tập, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện thực tiễn của vùng miền và yếu tố dân cư của khu vực người DTTS định cư.

Thứ ba: Phát huy thật tốt sự tham gia của người dân trong thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn, huy động nội lực từ trong Nhân dân, từ trong cộng đồng các dân tộc, thôn, xã đến huyện; xem nội lực là yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả phát triển bền vững. Sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước để chăm lo giải quyết các vấn đề cấp thiết, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS; đồng thời với việc khai thác những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, các chương trình, dự án để giúp đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống.

Thứ tư: Công khai, minh bạch trong thực hiện chính sách dân tộc, phát huy dân chủ cơ sở, thực hiện tốt công tác dân vận, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể xã hội trong kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình, dự án, chính sách thực hiện trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Thứ năm: Thường xuyên rà soát các chính sách để báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp trong quá trình sử dụng các nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS&MN. Lựa chọn nội dung, lĩnh vực mang tính đặc thù của vùng DTTS gắn với các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các mô hình phát triển gắn với cộng đồng người DTTS&MN, nhằm tạo sự đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

Tiếp tục cập nhật…


thainguyen.gov.vn

Tag:

File đính kèm