Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ vĩ đại muôn vàn kính yêu của Đảng, nhân dân ta, Người có một tình yêu bao la với nhân dân Việt Nam đó là động lực thôi thúc Người đi khắp năm châu bốn biển, hoạt động không mệt mỏi để tìm con đường cứu nước, cứu dân. Tình cảm của Bác dành cho Thái Nguyên từ rất sớm. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (năm 1925), Người đã lên án chế độ thống trị hà khắc của Nhà nước bảo hộ Pháp và bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc đối với nỗi thống khổ của nhân dân các dân tộc cũng như thân phận tủi nhục của những người lính bản xứ trong quân đội Pháp ở Thái Nguyên.
Cuối năm 1938, Người rời Liên Xô đi Trung Quốc để tìm cách về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Đầu năm 1940, Người đến Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) và đến tháng 8/1940, trở lại Quế Lâm cùng một số cán bộ, chuẩn bị điều kiện và chờ cơ hội trở về Tổ quốc. Tại đây, với tầm nhìn chiến lược, Người đã nhận định: “…từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Điều ấy, chứng tỏ ngay từ khi còn ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có sự quan tâm đặc biệt đến phong trào cách mạng ở Thái Nguyên, thấy rõ chiến lược của vùng đất Thái Nguyên.Khoảng 21 giờ ngày 22/8/1945 Người từ Tân Trào về đến thị xã Thái Nguyên. Dù rất mệt vì mới trải qua trận ốm nặng, lại vượt một quãng đường dài, nhưng ngay tối hôm đó, Người vẫn gặp gỡ các đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh để nắm tình hình địa phương và căn dặn những việc cần làm đối với một chính quyền cách mạng còn non trẻ. Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Người cùng Trung ương Đảng, Chính phủ,…rời Thủ đô chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc. Ngày 20/5/1947, Người đến ở và làm việc tại đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc) và ở đó đến ngày 11/10/1947. Đầu năm 1951 đến đầu năm 1954, Người đã 3 lần trực tiếp đi kiểm tra cầu, đường; thăm hỏi cán bộ, dân công, thanh niên xung phong làm nhiệm vụ sửa chữa cầu, đường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ngày 26, 27/11/1951, Người đến thăm và nói chuyện với đại biểu các ngành, đoàn thể, chính quyền của huyện và các xã trên địa bàn để thảo luận về chính sách thuế nông nghiệp, tăng gia sản xuất, sửa chữa cầu đường và huy động dân công phục vụ chiến trường tại Hội nghị Huyện ủy Phú Lương, Định Hóa. Từ ngày 30/4 đến ngày 06/5/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Đại hội Chiến sỹ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất tại xã Hợp thành, huyện Phú Lương. Ngày 09/9/1952, hôm ấy, trời mưa to, nước lũ ở các suối dâng cao, Người quyết tâm khắc phục khó khăn đến ATK Thái Nguyên thăm Hội nghị giao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia Chiến dịch Tây Bắc. Người nói với cán bộ “Bất kỳ việc gì, to hay nhỏ, mình có quyết tâm thì làm được”. Tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, ngày 06/12/1953, Người đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954…Mặc dù bộn bề công việc đại sứ của quốc gia, quốc tế, nhưng Người luôn dành cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc, đúng như Người viết gửi đồng bào tỉnh Thái Nguyên từ năm 1946: “Tuy hiện nay tôi ở Hà Nội, xa cách với đồng bào, nhưng không bao giờ tôi quên đồng bào…người tôi tuy xa cách nhưng lòng tôi luôn gần anh em”. Cũng từ tháng 12/1954 đến ngày 01/01/1964,Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 7 lần trực tiếp lên thăm hỏi, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Những ngày Bác sống và lãnh đạo kháng chiến ở Thái Nguyên từ tháng 5/1945 đến tháng 10/1954 đã để lại bao kỷ niệm; đã dành cho Đảng bộ và nhân dân vùng chiến khu những tình cảm đặc biệt…Bác đã viết hàng chục bức thư gửi cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Bức thư nào của Bác cũng chứa chan tình đời, tình người, rất ân cần, đằm thắm, thiết tha. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác đã dành tình cảm và luôn quan tâm dìu dắt, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên phát huy tinh thần yêu nước. Bác đánh giá cao vai trò của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, một trong những cái nôi của cách mạng Việt nam. Những tình cảm đó của Bác đã thấm sâu vào mỗi con tim, khối óc của cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.Khắc ghi những tình cảm và lời dạy của Người, trong những năm qua Thái Nguyên nhận thức sâu sắc về việc triển khai học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, cơ bản, lâu dài, gắn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ban hành như: Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 27/3/20003; Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 07/11/2006; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện học tập và làm theo Bác đến cấp ủy, tổ chức các cơ sở sở Đảng từ tỉnh đến cơ sở đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cũng như các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, đặc biệt là gắn việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Bám sát chuyên đề toàn khoá và các văn bản hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã cụ thể hoá chuyên đề toàn khóa thành chuyên đề từng năm phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương làm tài liệu sinh hoạt cho các chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Thái Nguyên thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Đồng thời, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kịp thời lựa chọn, giới thiệu với Trung ương 01 mô hình, 01 cá nhân để xây dựng phim ngắn, phim tài liệu biểu dương các điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024; 10 điển hình là các mô hình, tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tham gia Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm 2024 do Trung ương tổ chức; 01 mô hình hiệu quả, 01 điển hình tiêu biểu tham gia Chương trình Giao lưu các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp khu vực và Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” năm 2024; 01 tập thể, 02 cá nhân đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 01 tập thể, 02 cá nhân đề nghị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen. Để tích cực lan tỏa sâu rộng tới đông đảo cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã triển khai, Cuộc thi tìm hiểu “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên học tập và làm theo Bác” thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, Nhân dân, người nước ngoài trong và ngoài tỉnh tham gia viết bài dự thi. Căn cứ kết quả chấm các bài dự thi, Ban Tổ chức Cuộc thi đã quyết định trao 01 giải Nhất, 03 giải Nhì, 05 giải Ba và 10 giải Khuyến khích cho các tác giả có bài dự thi đạt chất lượng cao. Đồng thời quyết định tặng giấy chứng nhận cho 41 tác giả, nhóm tác giả có bài dự thi được vào vòng chung khảo Cuộc thi; tặng giấy khen cho 4 tập thể và 4 tác giả, nhóm tác giả có thành tích trong triển khai và tham gia Cuộc thi. Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trao giải Khuyến khích cho các tác giả
đoạt giải Cuộc thitìm hiểu “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên học tập và làm theo Bác”
Với sự lãnh đạo thường xuyên, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực; góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.Ghi nhớ lời dạy của Bác xây dựng Thái Nguyên trở nên một tỉnh giàu có và phồn thịnh, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân luôn cố gắng, nỗ lực ra sức thi đua lập nhiều thành tích để trong thời gian tới Thái Nguyên là tiền đề vững chắc để tục phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có và khát vọng hướng tới mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Để Thái Nguyên xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời gian tới thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên luôn phát huy cao độ ý thức, trách nhiệm, tinh thần cống hiến, lao động sáng tạo, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tiếp tục phát triển sự nghiệp cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, xây dựng tỉnh Thái Nguyên “trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như Bác Hồ hằng mong muốn./. Nguyễn Thị Hoa
Tag:
File đính kèm