Công tác ngoại giao kinh tế đã được thể chế hóa, hệ thống hoá một cách bài bản; và có được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương. Kết quả cụ thể này đã góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu theo tinh thần “3 rõ” kết quả rõ, sản phẩm rõ, đóng góp rõ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ (Ảnh: Báo Nhân Dân).
Chiều tối 20/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025.
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các hiệp hội và doanh nghiệp (DN).
Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hoá - Ninh Bình, Hiệp hội DN tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hoá.
Theo Bộ Ngoại giao, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, từng bước trở thành nhiệm vụ cơ bản, trung tâm, đóng góp tích cực vào các kết quả phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Quan hệ đối ngoại và hợp tác kinh tế được mở rộng. Ngoại giao kinh tế đóng góp trực tiếp vào các kết quả tích cực của kinh tế đối ngoại và hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế; đồng thời tích cực hỗ trợ xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới, mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và DN.
Đại biểu dự hội nghị tại các điểm cầu (Ảnh chụp màn hình).
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, DN trong nước và DN Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hợp tác kinh tế trở thành nội dung thiết yếu trong gần 60 hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo chủ chốt năm 2024, mang lại các kết quả cụ thể với hơn 170 thoả thuận hợp tác được ký kết; góp phần làm mới các động lực truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, nhất là khu vực Đông Bắc Á, Mỹ, Ấn Độ. Các đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp tục duy trì tỷ trọng cao trong tổng thể hợp tác kinh tế đối ngoại của ta; lượng khách du lịch Ấn Độ tăng trưởng mạnh mẽ, 9 tháng đầu năm đã tăng 300% so với trước dịch). |
Đại diện các tập đoàn, DN Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong hợp tác quốc tế, phát triển thị trường ra nước ngoài cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tận dụng cơ hội; những thành quả kết nối, chinh phục thị trường nhằm lan toả trí tuệ Việt Nam trên toàn cầu; đồng thời kiến nghị các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ các DN trong nước xuất khẩu hàng hoá nông sản thế mạnh ra các thị trường tiềm năng.
Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan phát biểu tại hội nghị trực tuyến (Ảnh chụp màn hình).
Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ, một số hạn chế, tồn tại trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế như: Tham mưu chưa theo kịp diễn biến; sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa kịp thời; tính kết nối trong quảng bá, triển khai công tác ngoại giao kinh tế chưa cao; hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược chưa xứng tầm với khuôn khổ quan hệ; chưa có các cơ chế ưu đãi đặc thù để nắm bắt, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ những xu thế mới của thế giới và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trong một số lĩnh vực quan trọng như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, công nghiệp hàng không.
Các đại biểu cũng đề xuất tiếp tục thúc đẩy triển khai quyết liệt các cam kết, thoả thuận quốc tế đã có; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những phát biểu, góp ý sát thực tế, thể hiện trí tuệ, tầm nhìn trong quá trình lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ ngoại giao kinh tế của các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Báo Nhân Dân).
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, kết quả ngoại giao kinh tế năm 2024 được khẳng định bằng những kết quả cụ thể, thực chất và hiệu quả hơn, có “cân đo đong đếm” được. Nhiều DN đã mạnh mẽ vươn mình và phát triển vững vàng tại nhiều thương trường quốc tế; đặc biệt là trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, du lịch, hàng không.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ một số hạn chế trong ngoại giao kinh tế còn tồn tại, điển hình như việc đánh giá về thị trường, đối tác chưa rõ ràng và kịp thời; chưa xác định được các trọng điểm, trọng tâm; việc linh hoạt thích ứng chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trước bối cảnh diễn biến thị trường. Cùng với đó, các hoạt động quảng bá, phát triển thị trường, thương hiệu vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Thủ tướng khẳng định, ngoại giao kinh tế là một động lực quan trọng và cần luôn được làm mới; đặc biệt là các động lực chính như xuất khẩu, thu hút đầu tư. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần bám sát điều kiện thực tế để triển khai hiệu quả; đặc biệt là cần thúc đẩy ký kết và tập trung tháo gỡ các khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư và xuất khẩu.
Thủ tướng cũng yêu cầu, trong quan hệ ngoại giao kinh tế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, DN; thực sự sâu sát, trách nhiệm; hướng tới sự hợp tác chân thành, bền vững, tin cậy và tạo lòng tin với các đối tác, hướng tới các mục tiêu tăng trưởng bứt phá trong năm 2025.
Toàn tỉnh hiện có 304 DN xuất khẩu đến 68 thị trường với 55 chủng loại hàng hóa. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu dần được cải thiện theo hướng chế biến sâu, gia tăng giá trị. Tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh năm nay đạt gần 6,3 tỷ USD, bằng 104,9% kế hoạch. Hoạt động xuất khẩu đang tiếp tục là động lực cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: may mặc, giầy dép, dăm gỗ, thủy sản, xi măng, thép, thuốc lá... có kim ngạch xuất khẩu cao so với cùng kỳ. Giá trị nhập khẩu hàng hoá năm 2024 đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 120,3% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: dầu thô, nguyên, phụ liệu hàng may mặc, nguyên, phụ liệu giầy dép. Trong thu hút đầu tư, toàn tỉnh thu hút được 18 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn 422,9 triệu USD. Luỹ kế đến nay, Thanh Hoá có 173 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 15,02 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước. Trong năm 2024, toàn tỉnh ước đón được 719.600 lượt khách quốc tế tăng 16,7% so với cùng kỳ. |
Minh Hằng