Sign In

Vận dụng tư tưởng của Ph.Ăngghen về con đường “phát triển rút ngắn” - trong kỷ nguyên vươn mình ở Việt Nam

16:34 28/11/2024

Ngày 28/11/2024, những người cộng sản và công nhân thế giới kỷ niệm lần thứ 204 năm ngày sinh của Ph. Ăngghen - lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, người bạn chí tình, chí nghĩa của C.Mác. Tuy có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp của C.Mác, nhưng ông chỉ khiêm nhường coi mình là “cây vĩ cầm thứ hai, bên cạnh Mác”.

Vận dụng tư tưởng của Ph.Ăngghen về con đường “phát triển rút ngắn” - trong kỷ nguyên vươn mình ở Việt Nam

Bổ sung, làm rõ lý luận về con đường “phát triển rút ngắn”

Ph.Ăngghen đã để lại rất nhiều tư tưởng lý luận có giá trị, một trong những đóng góp đặc sắc của Ph.Ăngghen cho chủ nghĩa Mác và phong trào cách mạng thế giới đó là bổ sung, làm rõ lý luận về con đường “phát triển rút ngắn” đối với các nước lạc hậu đi lên CNXH.

Theo quan điểm của C.Mác, quá độ được hiểu là quá độ từ chủ nghĩa tư bản đã đạt tới trình độ phát triển cao sang CNCS, là “sự quá độ” thẳng trực tiếp, không qua bất kỳ khâu trung gian nào. Tuy nhiên đến những năm 1877 do hoàn cảnh thế giới có nhiều đổi thay, C.Mác đã đưa ra dự đoán rằng ở các quốc gia tư bản phát triển thì thế và lực của giai cấp tư sản cầm quyền rất mạnh nên cách mạng vô sản khó nổ ra thành công vì vậy rất có thể cách mạng vô sản “sẽ nổ ra ở tứ chi trước lúc lan tới tim của cơ thể tư sản”, và nước Nga sẽ là nơi diễn ra cách mạng vô sản đầu tiên.

Trên cơ sở luận cứ của C.Mác, Ph.Ăngghen đã bổ sung thêm nhận định cách mạng vô sản không chỉ nổ ra ở các quốc gia TBCN phát triển - nơi chuẩn bị những tiền đề vật chất chín muồi cho sự ra đời chủ nghĩa cộng sản - mà còn có thể nổ ra ở những quốc gia lạc hậu, chậm phát triển. Đó là con đường “phát triển rút ngắn”, mà sau này V.I.Lênin nêu thành khả năng “không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” để tiến lên CNXH đối với các nước, các dân tộc chậm phát triển.

Con đường “phát triển rút ngắn” có thể diễn ra ở những nước đang trong giai đoạn phát triển tiền TBCN hoặc chưa từng trải qua con đường phát triển TBCN đã được Ph.Ăngghen (cùng với C.Mác) bổ sung khi nghiên cứu về tình hình nước Nga lúc đó. Ph.Ăngghen đặc biệt nhấn mạnh những điều kiện, nguyên tắc chi phối khả năng quá độ này. “Một điều kiện tất yếu để làm được việc đó là tấm gương và sự ủng hộ tích cực của phương Tây... khi nào những nước lạc hậu qua tấm gương ấy mà biết được rằng, việc đó đã được tiến hành như thế nào”... thì những nước lạc hậu ấy mới có thể bước vào con đường phát triển rút ngắn như vậy”. Điều này có nghĩa là, để thực hiện quá độ lên CNXH không qua CNTB thì mỗi quốc gia dân tộc cần nhận thức rằng, không thể không tính đến những điều kiện đảm bảo, đó là có sự ủng hộ tích cực, nêu gương của các nước phát triển nhất; là CNTB đã bị đánh bại ngay tại quê hương của nó, tức là cách mạng vô sản thắng lợi ở Tây Âu, ở đó đã tiến hành xây dựng thành công CNXH.

Đây là nét độc đáo trong tư duy biện chứng của Ph.Ăngghen thể hiện ở sự nhận thức về tính thống nhất phổ biến giữa cái tất yếu và cái có thể trong vận động của toàn bộ thế giới khách quan. Phép biện chứng duy vật mácxít từng vạch rõ, tiến trình lịch sử nhân loại tất yếu phát triển từ thấp đến cao, và do đó xã hội CSCN với tính cách một xã hội cao hơn, tốt đẹp hơn xã hội tư bản, tất yếu sẽ thay thế xã hội tư bản. Đây là quy luật của lịch sử, là quá trình lịch sử tự nhiên trong sự vận động của xã hội loài người. Nhưng do những điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị, truyền thống văn hóa khác nhau mà dân tộc này hay dân tộc khác có thể bỏ qua một hoặc một số bước phát triển nào đó trong những bước đi chung mà nhân loại phải trải qua. Loài người đi tới xã hội cộng sản là cái tất yếu, còn mỗi nước, mỗi dân tộc đi bằng cách nào, vào thời điểm nào lại tùy thuộc vào các yếu tố khách quan và nhân tố chủ quan cụ thể.

Có thể “rút ngắn” để đi lên CNXH đối với các nước lạc hậu, chậm phát triển, nhưng Ph.Ăngghen đã nhìn thấy trong thời kỳ quá độ ở những nước này đầy rẫy những khó khăn, kẻ thù và những lực lượng chống đối giai cấp công nhân và chính đảng cách mạng của nó có thể liên kết lại xung quanh khẩu hiệu “nền dân chủ thuần túy” để chống phá công cuộc xây dựng xã hội mới. Do vậy, Ph.Ăngghen yêu cầu các chính đảng cách mạng ở những nước này phải thiết lập một chính quyền nhà nước mạnh nhằm đập tan sự chống đối của các thế lực đối lập và thực hiện công cuộc cải tạo xã hội về phương diện kinh tế - xã hội. Đồng thời, họ phải nắm được những vị trí then chốt trong nền kinh tế và dựa vào sự ủng hộ của quảng đại quần chúng nhân dân lao động để khắc phục những khó khăn và sửa chữa những sai lầm có thể nảy sinh trong thời kỳ quá độ.

Nhằm khắc phục những nhận thức mơ hồ về CNXH và thời kỳ quá độ vẫn còn khá phổ biến trong phong trào công nhân quốc tế thời kỳ này, Ph.Ăngghen đã nói rõ quan niệm của ông về sự khác nhau căn bản giữa CNXH và CNTB là ở chỗ CNTB dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất; còn chế độ cộng sản dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất - cái mà “chỉ nhờ có nó mới thực hiện được việc giải phóng giai cấp công nhân, và cùng với nó, thực hiện được việc giải phóng tất cả những thành viên xã hội”. Tính ưu việt lớn nhất của CNXH là, cùng với việc thiết lập chế độ công hữu ấy, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, mọi thành quả của văn hóa, khoa học sẽ mang lại lợi ích cho toàn thể xã hội và cho mỗi người. Ông khẳng định một cách chắc chắn rằng, sau thời kỳ quá độ là một “chế độ xã hội mới trong đó sẽ không còn những sự phân biệt giai cấp như hiện nay nữa, và trong đó... những phương tiện để sinh sống, để hưởng thụ những niềm vui của cuộc đời, để có được học vấn, và để biểu hiện tất cả mọi năng lực thể chất và tinh thần của mình, sẽ được giao cho tất cả mọi thành viên trong xã hội sử dụng ngày càng đầy đủ, nhờ sử dụng có kế hoạch và phát triển hơn nữa những lực lượng sản xuất to lớn hiện đã có sẵn, bằng chế độ lao động bắt buộc như nhau đối với mọi người”.

Như vậy, theo quan điểm của Ph.Ăngghen, để xây dựng thành công CNXH không thể không tiếp thu những thành quả kinh tế - xã hội do giai cấp tư sản tạo ra, bởi đó là điều kiện, tiền đề vật chất để “tạo lập chế độ xã hội mới, cũng như sinh ra những con người... mà chỉ có họ mới đủ sức mạnh và ý chí để xây dựng xã hội mới tốt đẹp hơn”. Điều này có nghĩa là, con người có thể chủ động “rút ngắn” và làm dịu bớt “những cơn đau đẻ” nhưng vẫn tuân thủ quá trình phát triển lịch sử - tự nhiên.

Vận dụng tư tưởng của Ph.Ăngghen vào cách mạng Việt Nam

Tư duy biện chứng mang tầm vóc vạch dòng thời đại này vẫn nóng hổi ý nghĩa lý luận và tính thời sự cấp bách đối với các đảng cộng sản, công nhân quốc tế, trong đó có Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

Vận dụng tư tưởng của Ph.Ăngghen, Đảng ta đã lựa chọn “con đường đi lên của nước ta là quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”. “Đây là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp và do vậy, tất yếu phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế - xã hội có tính chất quá độ”. Con đường đó phù hợp với tính tất yếu của lịch sử, với quy luật và xu thế phát triển của thời đại và với bối cảnh lịch sử - cụ thể ở nước ta hiện nay.

Thực tiễn 94 năm thành lập Đảng, 79 năm thành lập nước và gần 40 năm qua thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, cho phép đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên thứ ba - kỷ nguyên phồn vinh, hạnh phúc.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tổng Bí thư nhấn mạnh có ba cơ sở để định vị mục tiêu đưa đất nước nước vào Kỷ nguyên mới: Theo đó, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được đảm bảo.

Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực. Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mực tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước.

Sự biến chuyển có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi mới, đồng thời cũng có nhiều thách thức to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số đem đến cơ hội mà những quốc gia đang phát triển, chậm phát triển có thể nắm bắt để đi trước đón đầu, phát triển vượt bậc.

“Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh".

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã trao đổi về “7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Cụ thể, cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; tinh gọn tổ chức bộ máy; chuyển đổi số; chống lãng phí; đội ngũ cán bộ đủ năng lực và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa mà Cương lĩnh của Đảng đã xác định (dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng Cộng sản lãnh đạo). Tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới (kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới, hạ tầng chiến lược về giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất. Và đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.

Có thể khẳng định, việc Đảng ta lựa chọn con đường đi lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN là tất yếu đối với cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như lời hiệu triệu, thúc giục tinh thần hành động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để thực hiện khát vọng xây dựng nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vì vậy, trong quá trình vận dụng những tư tưởng của Ph.Ăngghen nói riêng, học thuyết Mác - Lênin nói chung vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, chúng ta cần khắc ghi chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nắm lấy tinh thần và phương pháp để ứng xử với con người và công việc cho đúng. Đồng thời, đấu tranh chống các luận điểm thù địch xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, quan điểm, tư tưởng của Ph.Ăngghen nói riêng nhằm góp phần bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

ThS. Nguyễn Thị Phương

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Bài viết có sử dụng tư liệu sách C.Mác, Ph.Ăngghen; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI; Báo Pháp luật: Tổng Bí thư nói về 7 định hướng trong kỷ nguyên mới, bứt phá của dân tộc, đăng ngày 05/11/2024.

Tag:

File đính kèm