Ngày 12/11, Huyện ủy Cẩm Thủy phối hợp với Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt tổ chức Hội thảo xác định địa điểm nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên huyện Cẩm Thủy và Hội thảo thông qua bản thảo lần 1 cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Thủy, giai đoạn 1946-2025”.
Tham dự hội thảo có các đồng chí Tỉnh ủy viên: Bùi Thị Mười, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lê Văn Trung, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cẩm Thủy; lãnh đạo Viện Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Việt; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử; lãnh đạo ban, ngành liên quan.
Các đại biểu theo dõi phóng sự “Nhân chứng lịch sử của Đảng bộ và Nhân dân huyện Cẩm Thủy”.
Theo các tài liệu có liên quan, xác định ngày 20/2/1946 Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở huyện Cẩm Thủy được thành lập tại Trụ sở Việt Minh huyện (huyện đường cũ), từ chi bộ đầu tiên đã gây dựng phong trào cách mạng trong toàn huyện và phát triển thành Đảng bộ huyện sau này. Tuy nhiên vị trí huyện đường vẫn chưa khai thác được tài liệu chính thống để xác định nơi thành lập chi bộ đầu tiên.
Đồng chí Bùi Thị Mười, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Tại hội thảo, các báo cáo tham luận của các đại biểu đều nhất trí lấy vị trí Công sở thị trấn Phong Sơn hiện nay là địa điểm huyện đường, nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Cẩm Thủy. Các tham luận đều được các tác giả nghiên cứu công phu, nghiêm túc, trình bày làm rõ các nội dung liên quan trên cơ sở phân tích chặt chẽ, thấu đáo, có sự liên kết mở rộng và sự tham khảo nhiều tư liệu tạo thành hệ thống có tính hàn lâm. Trong đó có những sử liệu hình thành các tổng, phủ, châu trên địa bàn miền núi xứ Thanh thời Pháp thuộc, những thông tin về hoạt động hình thành tổ chức Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng ở Thanh Hóa.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy Lê Trọng Thân tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Đối với bản dự thảo lần 1 cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Thủy, giai đoạn 1946-2025”, các đại biểu đã được nghe đại diện Ban chỉ đạo tái bản lịch sử Đảng bộ huyện trình bày về quá trình sưu tầm, biên soạn; những điều chỉnh lớn so với cuốn sách lịch sử đảng bộ của huyện Cẩm Thủy (1946-2010) được xuất bản năm 2010; tổng hợp các ý kiến tham gia đóng góp trực tiếp vào kết cấu và nội dung của bản thảo.
Các ý kiến tham gia thảo luận đều tập trung nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tái bản và bổ sung cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Thủy. Đây là tài liệu ghi lại những sự kiện lịch sử một cách khách quan, toàn diện của Đảng bộ và Nhân dân huyện, có giá trị rất lớn trong việc tuyên truyền và giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Tại hội thảo, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về kết cấu, nội dung cuốn sách như: Tên gọi các đề mục, ngôn ngữ diễn đạt, chỉnh sửa lại đơn vị hành chính của huyện sau sáp nhập, chỉnh sửa tên địa danh, nhân vật và sự kiện, bổ sung các nội dung chưa được đề cập hoặc viết sơ sài...
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cẩm Thủy Lê Văn Trung phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu bế mạc các hội thảo, đồng chí Lê Văn Trung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cẩm Thủy cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho rằng đây là những ý kiến hết sức trách nhiệm, sâu sắc. Hai hội thảo đã đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện, nêu cao lòng tự hào, niềm tin đối với Đảng, phát huy truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa của Đảng bộ và Nhân dân huyện Cẩm Thủy, tạo động lực mới, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp, phát triển bền vững. Đồng chí yêu cầu Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ban chỉ đạo tái bản lịch sử Đảng bộ huyện tích cực thu thập thêm thông tin để bổ sung, làm rõ thêm nội dung cuốn sách. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu để cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Thủy, giai đoạn 1946-2025” đầy đủ, chính xác, khoa học.
Anh Tuân