Theo Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh, Ca Huế trên sông Hương là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người dân Cố đô Huế. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của ca Huế đã được tỉnh triển khai, bước đầu đã thu được những kết quả quan trọng. Ca Huế đang từng bước khẳng định giá trị trong đời sống văn hóa nghệ thuật và trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh.
Tuy nhiên, để trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc của Huế, đáp ứng thị hiếu của người thưởng thức cũng như thị trường du lịch thì nghệ thuật Ca Huế và Ca Huế trên sông Hương đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức từ hình thức tổ chức, chất lượng nghệ thuật, phong cách biểu diễn, công tác quản lý dịch vụ, đảm bảo an toàn trên sông, quảng bá sản phẩm...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình kiểm tra công tác tổ chức, biểu diễn Ca Huế trên sông Hương tại Bến Toà Khâm
Hiện nay, có 85 thuyền đang kinh doanh hoạt động phục vụ biểu diễn Ca Huế và du thuyền trên sông Hương tại Bến Tòa Khâm. Hoạt động biểu diễn Ca Huế trên địa bàn tỉnh từ 8 giờ đến 24 giờ. Địa điểm bán vé nghe Ca Huế bố trí tập trung tại Bến Toà Khâm.
Trên cơ sở Quyết định 61/UBND/2021 về Quản lý hoạt động vận tải khách Du lịch bằng đường thủy nội địa và Quyết định số 21/UBND về việc ban hành Quy chế quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn Ca Huế trên địa bàn tỉnh vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 13/05/2024, Đoàn đã tiến hành kiểm tra một số nội dung như lắp đặt Camera giám sát biểu diễn ca Huế tại các thuyền; hoạt động bán vé, đón và trả khách cùng các hệ thống bến bãi, công trình phụ trợ hiện đang xuống cấp…
Kiểm tra công tác bán vé tại Bến Toà Khâm
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các giải pháp tiến hành rà soát, kiểm tra, thực hiện tốt việc xây dựng môi trường du lịch một cách tốt nhất, trong đó biểu diễn ca Huế là một trong những nội dung quan trọng. Thực tế trong thời gian qua công tác tổ chức các dịch vụ ca Huế vẫn còn một số tồn tại nên đã yêu cầu đổi mới quy chế. Cụ thể, yêu cầu một số đơn vị quản lý nhà nước, các đội liên ngành… có biện pháp chấn chỉnh, xây dựng các quy trình, tổ chức hiệu quả biểu diễn ca Huế. Đặc biệt yêu cầu các đơn vị tổ chức dịch vụ ca Huế, các chủ thuyền chấp hành một số quy định liên quan.
Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị các thuyền phải lắp camera, các đơn vị tổ chức sự kiện phải đăng ký, việc tổ chức bán vé cũng như các hoạt động dịch vụ một cách quy chuẩn. Đồng thời tuân thủ quy định về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ, phao cứu sinh, áo phao, các điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan trước và trong quá trình vận chuyển khách tham gia chương trình biểu diễn Ca Huế trên sông Hương. Các cơ quan, đơn vị cần phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để báo cáo UBND tỉnh kịp thời và khẳng định tỉnh sẽ chỉ đạo, theo dõi một cách sát sao hoạt động này. Tổ liên ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động ca Huế và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị địa phương cùng các ban ngành liên quan khẩn trương có các giải pháp để từng bước đưa hoạt động tổ chức và biểu diễn ca Huế trên sông Hương vào khuôn khổ, nề nếp, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của địa phương nói riêng, đồng thời chấn chỉnh môi trường du lịch, trật tự đô thị nói chung trước thềm tuần lễ Festival Huế 2024.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các chủ thuyền chấp hành nghiêm các quy chế quản lý hoạt động
Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Quyết định số 21/2024/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn Ca Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13 tháng 5 năm 2024. Trong đó, quy định kỹ về hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương. Cụ thể như phải đảm bảo có ít nhất 7 diễn viên, nhạc công khi biểu diễn trên thuyền nhỏ (thuyền đơn) với lượng khách dưới 15 người và ít nhất 8 diễn viên, nhạc công khi biểu diễn trên thuyền lớn (thuyền đôi) với lượng khách 15 người trở lên, các loại thuyền du lịch khác; có ít nhất 3 trong 4 loại nhạc cụ: đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt. Ngoài ra có thể có nhạc cụ như đàn bầu, sáo, phách và các loại nhạc cụ khác phù hợp với chương trình biểu diễn.
Điểm đón và trả khách nghe biểu diễn Ca Huế trên sông Hương tại Bến Tòa Khâm và các bến được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo đúng quy định. Phạm vi neo đậu thuyền khi biểu diễn ca Huế trên sông Hương từ cầu Trường Tiền đến cầu Dã Viên; vị trí neo đậu khi biểu diễn đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các thuyền là 50m. Các thuyền du lịch có hoạt động tổ chức biểu diễn Ca Huế phải lắp đặt từ 2 đến 3 camera giám sát tại khu vực biểu diễn (dữ liệu lưu trữ tối thiểu 7 ngày) được kết nối với hệ thống thông tin của cơ quan quản lý khi tham gia hoạt động biểu diễn…
Hiện có 85 thuyền đang kinh doanh hoạt động phục vụ biểu diễn Ca Huế và du thuyền trên sông Hương tại Bến Tòa Khâm
Một số hình ảnh tại buổi kiểm tra: