Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai cho biết cho biết phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là yếu tố quan trọng, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây không chỉ là giải pháp để giải quyết những vấn đề trước mắt, mà còn là chiến lược dài hạn để bảo đảm sự phát triển bền vững cho nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, giúp Việt Nam giữ vững vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần đáng kể vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho các lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế.
Hiện nay, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 26% tổng số lao động trong cả nước. Trong khi đó, chưa đến 2% tổng số sinh viên nhập học hàng năm đăng ký học đại học các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; một số ngành nông nghiệp truyền thống có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký học. Nếu không có giải pháp đủ mạnh, quyết liệt, thực tiễn này tác động rất tiêu cực tới nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nguy cơ không đạt được mục tiêu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai phát biểu tại hội thảo
Theo PGS.TS Lê Anh Phương Giám đốc Đại học Huế, trong thời gian qua, Đại học Huế luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, của tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương. Chúng tôi tin tưởng và mong muốn rằng, trong thời gian tới, Đại học Huế sẽ tiếp tục nhận được sự ưu ái, quan tâm, tạo điều kiện và ủng hộ của các cơ quan ban ngành Trung ương và các địa phương để phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia, cũng như phát triển Trường Đại học Y - Dược thành Trường - Viện tiêu biểu của Việt Nam, có trình độ quốc tế và khu vực; phát triển Viện Công nghệ sinh học thành trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia tại miền Trung theo Quyết định số 523/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và phát triển Trường ĐHSP thành trường ĐHSP trọng điểm quốc gia. Từ đó tiếp tục khẳng định vị trí của mình về các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có uy tín trong khu vực và cả nước, đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp đột phá nhằm tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực nông, lâm nghiệp và thủy sản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thu Thủy trình bày tham luận tại hội thảo
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thu Thủy cho rằng, nguyên nhân việc tuyển sinh khó đối với các ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là chính sách đầu tư của Nhà nước dành cho các ngành này còn chưa đủ mạnh; thiếu hụt thông tin và định hướng nghề nghiệp rõ ràng; nhiều sinh viên và phụ huynh vẫn có quan niệm rằng các ngành này không mang lại thu nhập cao; việc tự chủ tài chính ở các trường đại học đào tạo khối ngành nông nghiệp có thể gây nhiều bất lợi cho tuyển sinh... Để thu hút người học, các trường cần xây dựng chính sách hỗ cho sinh viên có kết quả xét tuyển đầu vào xuất sắc hoặc giỏi; nâng cao chất lượng giáo dục, tạo cơ hội cho sinh viên tham gia hoạt động khởi nghiệp, tăng cường đào tạo giảng viên có trình độ cao; đồng thời đẩy mạnh liên kết các doanh nghiệp nhằm tăng cường kỹ năng thực tế và mở rộng cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Văn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã đưa ra một số giải pháp tăng số lượng và chất lượng đào tạo như chú trọng thu hút và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy; Tranh thủ mọi nguồn lực để cải thiện cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học; Đổi mới nội dung, chương trình và hình thức tổ chức đào tạo với phương châm “đào tạo những gì thực tiễn cần chứ không chỉ những gì nhà trường đang có”; Hợp tác chiến lược với doanh nghiệp trong xây dựng và tổ chức đào tạo, đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp; Tăng cường công tác quảng bá tuyển sinh để thu hút người học; Định hướng nhận thức của xã hội, hướng nghiệp ở các trường THPT về vai trò quan trọng của nông, lâm nghiệp; là trụ đỡ cho nền kinh tế ….Có các chính sách cụ thể để thực hiện Nghị quyết 19-NQ-TW và Quyết định 150 /QĐ-TTg ngày 28/01/2022 xác định nhu cầu nguồn nhân lực đảm bảo cho phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bền vững; xây dựng các đề án phát triển nguồn nhân lực khối ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Các đại biểu tham dự tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã có những trao đổi, thảo luận về công tác đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, tạo chuyển biến trong ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa nông sản và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho các lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế; số lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt tỷ lệ rất thấp, khoảng 4,6%; công tác đào tạo tổ chức chưa đồng đều, chưa bao phủ hết các vùng sản xuất trọng điểm; đội ngũ cán bộ quản lý có tầm tư duy chiến lược, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành có khả năng tham mưu, tư vấn chính sách mang tầm khu vực và quốc tế còn ít… Đây là nguyên nhân chính khiến cho năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp còn thấp; ảnh hưởng nghiêm trọng tới thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, một trọng những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.