Huyện A Lưới là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022. Đồng thời, là một trong 22 huyện nghèo toàn quốc được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.
Thông tin tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, từ khi được Chính phủ phê duyệt vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021-2025, huyện A Lưới được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh và các sở, ban, ngành quan tâm, lãnh chỉ đạo, tập trung nguồn lực của Trung ương, địa phương và huy động khác để đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, đặc biệt là về tạo việc làm, an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở và các mô hình sinh kế giúp cho người dân có điều kiện tạo việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, căn cứ kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững các năm 2022, 2023; sự lồng ghép có hiệu quả của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án liên quan khác, đến cuối năm 2023, huyện A Lưới đã rà roát các tiêu chí quy định tại Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg. Qua đánh giá hệ thống chỉ tiêu xác định, chấm điểm huyện nghèo, huyện A Lưới đảm bảo đủ điều kiện thoát khỏi tình trạng nghèo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, khẳng định Thừa Thiên Huế quyết tâm, nỗ lực thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định nhiệm vụ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện. Do vậy, tỉnh đang quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tiêu chí đặc thù, trong đó có mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2025 theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,0%-2,2% và huyện A Lưới thoát khỏi tình trạng huyện nghèo năm 2024.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại cuộc họp
Căn cứ điểm c, khoản 2, Điều 8 của Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg, quy định đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh có huyện nghèo giai đoạn 2021-2025: “Năm 2025, tổ chức rà soát, đánh giá đối với các huyện nghèo trên địa bàn, trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo trình tự, thủ tục quy định để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các huyện thoát nghèo”.
Căn cứ kết quả thực hiện Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025; Căn cứ điểm c, khoản 2, Điều 8 của Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg, các huyện thoát nghèo có điểm dưới 50 điểm.
Kết quả thẩm tra, đánh giá đến thời điểm cuối năm 2023, huyện A Lưới đạt 25 điểm. Vì vậy, huyện A Lưới đảm bảo điều kiện để lập hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, Quyết định công nhận huyện A Lưới thoát khỏi tình trạng huyện nghèo sớm trước 01 năm so với quy định.
Liên quan đến việc thực hiện mục tiêu tại Quyết định số 880/QĐ-TTg, kết quả giảm tỷ lệ nghèo đa chiều đạt vượt mục tiêu đề ra. Huyện A Lưới phấn đấu cuối năm 2024 giảm còn 3.681 hộ (giảm 5.526 hộ so với đầu kỳ), tương ứng mức giảm 60,2% cuối năm 2024, đạt mục tiêu đề ra. Đến năm 2025, thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện phấn đấu tăng 1,8 lần so với năm 2020. Ngoài ra, đánh giá mức tăng thu nhập bình quân của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện A Lưới năm 2020 so với năm 2023 cũng đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cho biết so với các tiêu chuẩn, tiêu chí, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị hội đồng thẩm định công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024, sớm 1 năm so với quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg để đủ điều kiện trình cấp có thẩm quyền công nhận tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tiêu chí đặc thù.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, sau khi huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện thoát nghèo năm 2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục chỉ đạo UBND huyện A Lưới thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo tính bền vững sau khi được công nhận huyện thoát nghèo.
Các thành viên hội đồng thẩm định trao đổi tại cuộc họp
Tại hội nghị, các thành viên hội đồng thẩm định đánh giá cao nỗ lực Thừa Thiên Huế nói chung và của huyện A Lưới nói riêng trong công tác giảm nghèo bền vững. Các thành viên cũng đề nghị tỉnh cùng một số cơ quan liên quan làm rõ thêm một số nội dung về thu nhập, tỉ lệ giảm nghèo, các mô hình sinh kế bền vững, bố trí về nguồn lực giảm nghèo…
Giải trình các ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, ngoài nguồn lực của 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Nghị quyết 20 để bố trí thêm nguồn lực cho công tác giảm nghèo ở A Lưới. Ngoài ra, tỉnh cũng định hướng các nguồn lực khác, quyết tâm hỗ trợ cho huyện A Lưới xoá nhà tạm, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tạo sinh kế, đảm bảo an sinh xã hội để thoát nghèo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng chia sẻ về các nội dung liên quan đến các giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, tại A Lưới đã và đang triển khai nhiều đề án, mô hình kinh tế để tạo sinh kế cho người dân như, đề án trồng cây dược liệu, mô hình du lịch cộng đồng, chăn nuôi bò…
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu kết luận cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá cao hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, huyện A Lưới tiếp thu ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định. Ngoài ra, sớm có các giải pháp giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân. Ngoài việc đầu tư về hạ tầng, sinh kế và việc làm của người dân huyện A Lưới cần được chú trọng. Với 9/9 phiếu đồng ý tại cuộc họp, chúng tôi sẽ sớm trình hồ sơ để Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, cùng đoàn công tác khảo sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giàm nghèo bền vững tại huyện A Lưới