Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu trong giờ học. |
Chính vì vậy, bên cạnh việc hoàn thành chương trình học, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã "bắt tay" vào ôn tập cho học sinh lớp 12.
Theo thầy Võ Hoài Nhân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho), có hai vấn đề học sinh cần phải lưu ý. Thứ nhất, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay hướng đến đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh sau các năm học, do đó đề thi sẽ có điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ, đề thi năm nay với các môn theo hình thức trắc nghiệm. Ngoài trắc nghiệm 4 lựa chọn, chỉ chọn 1 phương án đúng như mọi năm thì có thêm 2 dạng trắc nghiệm khác: Chọn đúng/sai và chọn câu trả lời ngắn. Trong đó, hình thức chọn câu trả lời ngắn đòi hỏi thí sinh phải tính toán, suy luận để làm sao ra được con số để điền vào. Đây chính là điểm mới để đánh giá năng lực người học.
Vấn đề thứ hai là đề thi được xây dựng theo 3 mức độ: biết, hiểu và vận dụng. Nếu chỉ biết và hiểu thì mới chỉ đạt được khoảng 70% số điểm bài thi. Nếu có thêm khả năng vận dụng, thì thí sinh có thể đạt được thêm 30% số điểm - mức điểm có thể đạt được đồng thời mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Hai vấn đề trên đòi hỏi học sinh cũng như các nhà trường phải có chiến lược ôn thi cho phù hợp.
Thầy Võ Hoài Nhân Trung chia sẻ: "Muốn làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT, việc nắm chắc Chương trình GDPT năm 2018 sẽ là một lợi thế lớn. Dù có nhiều bộ sách giáo khoa nhưng Bộ GD-ĐT xây dựng đề thi dựa vào chương trình học, chủ yếu lớp 12. Cùng với đó, những vấn đề gì được học, các em cũng nên nghiền ngẫm, vận dụng như thế nào trong cuộc sống, đó cũng là mục tiêu đề thi sẽ hướng đến".
Thầy Ngô Tùng Hiếu, giáo viên môn Toán tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết, thời điểm này, vừa thực hiện chương trình, giáo viên sẽ hệ thống lại kiến thức nền tảng cho học sinh, giúp các em kiểm tra và bổ sung những phần còn thiếu. Đối với những học sinh có định hướng thi vào các khối ngành tự nhiên, bên cạnh việc củng cố kiến thức cơ bản, giáo viên còn lồng ghép các bài toán nâng cao để các em rèn luyện. Trong quá trình ôn tập, học sinh sẽ được hướng dẫn các phương pháp và kỹ năng giúp giải nhanh bài toán trắc nghiệm, tối ưu thời gian làm bài.
Môn Ngữ văn là một môn thi đặc thù với hình thức tự luận, yêu cầu học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn biết vận dụng vào thực tiễn. Thầy Phan Tấn Ngọc, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) cho biết, đề thi năm nay vẫn bao gồm hai phần chính: đọc hiểu và làm văn. Tuy nhiên, nội dung ngữ liệu dự kiến sẽ được lấy từ nguồn ngoài sách giáo khoa. Điều này đòi hỏi học sinh không chỉ có kiến thức nền tảng mà còn phải biết vận dụng trải nghiệm thực tế cũng như nắm vững kỹ năng làm bài.
Ngoài những kiến thức được học trên lớp, học sinh cần chủ động cập nhật tình hình thời sự trong đời sống hàng ngày bằng cách đọc sách, báo, theo dõi tin tức trên tivi… Những thông tin thu thập được sẽ giúp các em làm bài sinh động, phong phú hơn, từ đó có cơ hội đạt điểm cao.
Nhiều giáo viên dạy lớp 12 cho rằng, trong quá trình ôn thi, ngoài sự hướng dẫn tận tình từ thầy cô, quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực và quyết tâm của học sinh. Ở giai đoạn này, các em có thể rèn luyện các đề thi mẫu, đề thi thử thi của các trường khác để rèn luyện kỹ năng làm bài, nâng cao khả năng kiểm soát thời gian. Bên cạnh đó, việc ôn tập cần được phân bổ hợp lý giữa kiến thức trong sách giáo khoa và kiến thức thực tiễn để đảm bảo sự cân bằng và vận dụng hiệu quả.
Bên cạnh đó, hiện nay, các trường THPT đã tăng cường công tác phối hợp với phụ huynh trong việc học tập của học sinh, theo dõi các hoạt động nền nếp để kịp thời có những giải pháp thực hiện phù hợp. Cô Cao Châu Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở - THPT Đoàn Trần Nghiệp, huyện Gò Công Tây chia sẻ: "Bên cạnh công tác học tập, ôn thi, nhà trường cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo tư tưởng, tình cảm của học sinh, đặc biệt là đối với học sinh có học lực yếu kém, với quyết tâm không để bất cứ học sinh khối lớp 12 nào phải bị bỏ lại phía sau. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên nên động viên học sinh có học lực khá, giỏi hỗ trợ các bạn có học lực yếu kém hơn, qua đó vừa củng cố kiến thức, vừa giúp các bạn tiến bộ, tự tin bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới".
Theo thầy Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, các trường THPT đang tiến hành hoàn thành chương trình học kỳ II năm học 2024 - 2025. Bên cạnh giảng dạy, các trường THPT đã có những bước đầu chủ động trong công tác ôn thi tốt nghiệp THPT. Với học sinh có học lực khá giỏi, các trường cần tăng cường giải pháp ôn tập cho học sinh vận dụng tốt những kiến thức, kỹ năng để hoàn thành các bài thi. Còn với học sinh trung bình, yếu sẽ có giải pháp chủ yếu giúp các em lấy lại kiến thức nền tảng, có thể vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng sắp tới. |
Đỗ Phi