Thu hoạch lúa Hè Thu ở HTX Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy. |
Trong 10 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh thành lập thêm 2 HTX nông nghiệp mới, nâng địa phương có 192 HTX lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản thu hút trên 44.500 thành viên, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 2.200 lao động nông thôn.
Đáng chú ý, các HTX tích cực và chủ động liên kết với các doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, nông dân xã viên an tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ thâm canh, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trên lĩnh vực trồng trọt, liên kết bao tiêu sản phẩm theo mô hình chuỗi giá trị giữa các đơn vị kinh tế tập thể với doanh nghiệp quy mô diện tích mỗi vụ lên đến hàng ngàn ha, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân vừa giúp phát triển bền vững nghề trồng lúa. Phương thức liên kết chủ yếu theo các hình thức thỏa thuận như: đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật - thu mua lúa; đầu vụ hợp đồng tiêu thụ lúa theo giá thị trường hoặc giá cố định tùy theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và nông dân.
Huyện Gò Công Tây tiên phong trong việc nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trên cây lúa, nâng cao hiệu quả canh tác và nông dân hưởng lợi. Theo bà Lê Thị Thanh Minh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trong năm 2023, thông qua mạng lưới các HTX nông nghiệp trên địa bàn, nông dân huyện tham gia xây dựng 11 mô hình Cánh đồng lớn trên tổng diện tích trên 3.000 ha, chiếm gần 33% tổng diện tích canh tác của địa phương. Các doanh nghiệp tích cực tham gia mô hình liên kết sản xuất tại huyện Gò Công Tây như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vinh Hiển, Doanh nghiệp tư nhân Phước Thành, Doanh nghiệp tư nhân Bá Tước,...
Còn trong vụ Hè Thu 2023, các HTX sản xuất lúa gạo trong tỉnh như: HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh (huyện Cái Bè), HTX nông nghiệp Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy), HTX nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Thiên Hộ (huyện Cái Bè), HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới (huyện Cái Bè), HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy),… đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh xây dựng Cánh đồng lớn quy mô 2.500 ha.
Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Nam (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) cho biết, trong vụ Hè Thu 2023, HTX tiếp tục liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn ADC (thành phố Cần Thơ) trồng 100 ha lúa theo tiêu chí GlobalGAP, giống OM 5451. Hiện nay, bà con đã cơ bản thu hoạch toàn bộ diện tích an toàn trước khi lũ lụt tràn về với năng suất bình quân 70 tạ/ha. Giá lúa hàng hóa được doanh nghiệp bao tiêu trên 8.500 đồng/kg, cao hơn thị trường khoảng 500 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi.
Các HTX sản xuất rau an toàn trong vùng dự án Ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh như: HTX rau an toàn Gò Công (thị xã Gò Công), HTX rau an toàn Thạnh Hưng (huyện Gò Công Tây), HTX nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Phú Quới (huyện Gò Công Tây), HTX rau an toàn Bình Nghị (huyện Gò Công Đông),… nhiều năm nay đã liên kết với các siêu thị, bếp ăn tập thể, nhà hàng cung cấp rau an toàn, sản lượng từ 2 tấn - 3 tấn rau an toàn/HTX/ngày với 39 - 40 chủng loại rau theo yêu cầu đối tác. Còn tính chung trong 10 tháng qua, lượng rau an toàn các HTX cung ứng cho đối tác lên đến hàng ngàn tấn, nông dân rất phấn khởi và an tâm tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao.
Gần đây, các HTX chuyên canh trái cây trong tỉnh Tiền Giang cũng tích cực liên kết với các doanh nghiệp nhằm giải quyết đầu ra các loại trái cây đặc sản của tỉnh như: sầu riêng, mít, bưởi da xanh, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, thanh long ruột đỏ,… đáp ứng nhu cầu thị trường trong, ngoài nước.
Theo ông Võ Chí Thiện, Giám đốc HTX thanh long Mỹ Tịnh An, HTX thanh long Mỹ Tịnh An đã xây dựng vùng nguyên liệu hàng trăm ha thanh long ruột đỏ, liên kết với các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cung ứng nông sản và gia công đóng gói xuất khẩu theo yêu cầu sang nhiều nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới: Mỹ, Hà Lan, Đức, Italy, Bỉ, Nauy, Thụy Sĩ,… mỗi năm lên đến hàng ngàn tấn quả.
HTX cũng ký hợp đồng cam kết với các thành viên thu mua với giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg thanh long ở mọi thời điểm và cao hơn giá thị trường ít nhất 1.000 đồng/kg đối với sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay, địa phương triển khai nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, đặc biệt là khuyến khích phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: Chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho HTX nông nghiệp, Chính sách chi hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể, triển khai các Dự án hoặc Kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Trong năm 2023, tỉnh Tiền Giang đang triển khai 13 Dự án và 16 Kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua mạng lưới các HTX nông nghiệp - thủy sản trên địa bàn với tổng kinh phí thực hiện trên 107,4 tỷ đồng, trong đó nguồn hỗ trợ từ ngân sách trên 19,4 tỷ đồng.
Ghi nhận của Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang, doanh thu của mạng lưới các HTX nông nghiệp - thủy sản trên địa bàn từ đầu năm đến nay đạt trên 446 tỷ đồng, tăng 33,11% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 12,3 tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ năm trước.
Mộng Tuyết