Tham gia phát biểu góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh đã có nhiều nội dung góp ý quan trọng.
Theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn, sau gần 15 năm triển khai thi hành, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, độ bao phủ BHYT chiếm tỷ lệ ngày càng cao, chất lượng dịch vụ y tế ngày càng đáp ứng nhu cầu của người tham gia BHYT, quyền, lợi ích giữa người tham gia BHYT với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từng bước được hài hòa, đặc biệt là người tham gia BHYT không phải chi trả nhiều tiền khi khám bệnh, chữa bệnh, đây là trục động lực chính góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện phát sinh nhiều vấn đề bất cập, hạn chế ảnh hưởng đến chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về chính sách BHYT như trong Tờ trình Chính phủ đã nêu như: Đối tượng tham gia BHYT; phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; quản lý, sử dụng Quỹ BHYT; phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, trách nhiệm các bên liên quan thực hiện chính sách BHYT; chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về BHYT, các chế tài còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ và hiệu lực thực thi pháp luật...
Do vậy, việc sửa đổi Luật BHYT lần này, phải giải quyết được các bất cập hạn chế đã nêu, để hướng đến mục tiêu là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người tham gia BHYT trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa người tham gia BHYT với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu… có như vậy mới khuyến khích tăng tỷ lệ che phủ BHYT toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Góp ý trực tiếp cho Dự thảo luật, ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ quan tâm các nội dung:
Một là, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho 02 nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên và người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên tối thiểu 50% mức đóng để giảm bớt khó khăn cho 02 nhóm đối tượng này.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn phân tích thêm, hiện nay Đảng, Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người dân, đặc biệt là đã bổ sung thêm nhiều đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng hoặc hỗ trợ mức đóng vào trong dự thảo Luật. Nhưng thực tế tình hình hiện nay, ngoài các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo… thì 02 nhóm đối tượng nêu trên cần tiếp tục được quan tâm, mặc dù đối tượng này đang được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, còn lại 70% phải tự đóng, với mức đóng từng năm được quy định bằng 4,5% mức lương cơ sở. Tuy nhiên, khi mức lương cơ sở tăng thêm 30% (từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng kể từ ngày 01/7/2024) giá trị thẻ BHYT cũng tăng thêm 30%, đồng nghĩa với việc người tham gia BHYT phải tự chi thêm 30% so với trước đây, tương đương với việc chi tiền mua 884.000 đồng/thẻ/năm, thay vì trước đây chỉ 680.000 đồng/thẻ/năm. Việc tăng lương cơ sở là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhưng 02 nhóm đối tượng này không trực tiếp được hưởng lợi từ chính sách tăng lương, ngược lại họ phải chi thêm tiền để mua BHYT, làm cho họ gặp khó khăn hơn khi tham gia BHYT, do vậy cần phải được xem xét quan tâm đúng mức.
Hai là, Quốc hội cần xem xét có ý kiến để Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế bổ sung “Vaccin phòng ngừa bệnh dại” vào danh mục thuộc BHYT trong phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, nêu tại khoản 14, Điều 1 của Dự thảo Luật… sửa đổi, bổ sung Điều 21 của Luật BHYT.
Vì thực tế hiện nay, bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm và cũng là bệnh thường gặp nhất là ở các vùng nông thôn, nếu không được tiêm vaccin phòng ngừa kịp thời sẽ nguy kịch đến sức khỏe và tính mạng con người. Do vậy, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Sửa đổi bổ sung số điều của Luật BHYT cần phải bổ sung “Vaccin phòng ngừa bệnh dại” vào danh mục thuộc BHYT, để người tham gia BHYT được chi trả chi phí tiêm vaccin phòng ngừa bệnh dại, vì đây là nhu cầu chính đáng và thiết yếu của người tham gia BHYT.
Ba là, cần phải Luật hóa “quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh”, quy định tại khoản 22, Điều 1 của Dự thảo Luật,… sửa đổi Điều 31 của Luật BHYT.
Hiện nay, nhiều cử tri và Nhân dân đang rất quan tâm và than phiền về “tình trạng thiếu vật tư y tế tại một số bệnh viện, nhiều trường hợp bệnh nhân phẫu thuật, người nhà phải tự mua thêm vật tư theo chỉ định”. Nội dung này cũng đã được nêu ra tại Báo cáo số 918, ngày 16/10/2024 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, khi tình trạng này vẫn còn xảy ra, thì quyền lợi của các bệnh nhân BHYT chưa được bảo đảm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám bệnh, điều trị bệnh cho người dân.
Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BYT, ngày 18/10/2024 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh, cơ bản giải quyết được vấn đề cử tri quan tâm, nhưng đây là nội dung có liên quan đến chủ trương, chính sách BHYT của Đảng, Nhà nước, là nội dung rất quan trọng, liên quan nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT, đồng thời cũng là yếu tố cốt lõi của Dự án Luật này, nên cần phải được Luật hóa để đảm bảo tính ổn định lâu dài của cơ chế chính sách này, thay vì chỉ quy định bằng thông tư.
Bốn là, đồng tình với nội dung quy định “phân bổ số lượng thẻ BHYT” nêu tai “khoản 17, Điều 1 của dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung Điều 26 của Luật BHYT”.
Cụ thể tại khoản 3 Điều 26 luật BHYT, quy định đăng ký và khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, trong đó đã bổ sung nội dung “Sở Y tế xác định danh sách cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh phân bổ số lượng thẻ BHYT cân đối, phù hợp với quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ thẻ BHYT, nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và thực tế tại địa phương…”.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, việc bổ sung nội dung nêu trên vào dự thảo sửa đổi lần này là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn phát sinh hiện nay. Việc sửa đổi quy định này, sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh được tình trạng “bắt tay” giữa cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu với tổ chức Bảo hiểm xã hội và Sở Y tế của các địa phương; đồng thời cũng hạn chế tối đa cơ chế “xin - cho” hoặc tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, đại biểu Tuấn cũng đề nghị quá trình xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ thẻ BHYT, thì Bộ Y tế cần quan tâm đến tiêu chí “quy mô giường bệnh, trang thiết bị, vật tư, nhân lực và khả năng thực hiện các danh mục kỹ thuật” để vừa bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT khi khám, chữa bệnh, nhưng cũng vừa tạo sự công bằng giữa các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu tại các địa phương.
Năm là, đồng tình rất cao việc nâng mức tạm ứng chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho cơ sở có đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu từ mức 80% như quy định hiện hành, lên mức 90% theo quy định tại khoản 23, điều 1 của Dự thảo Luật… sửa dổi bổ sung khoản 1, khoản 2, Điều 32 của Luật BHYT.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn phát biểu tại buổi thảo luận tổ.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, nội dung sửa đổi bổ sung lần này sẽ đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của các cơ sở có đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hiện nay, góp phần tháo gỡ khó khăn về việc tạm ứng kinh phí và việc quyết toán chi phí, khám bệnh, chữa bệnh BHYT… đặc biệt là sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu khi họ đang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.
Tuy nhiên, ĐBQH Trần Quốc Tuấn cũng đề nghị Luật cũng cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam và BHXH cấp tỉnh trong trường hợp “chậm thanh toán” cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các cơ sở này.
Báo Trà Vinh Online