Sign In

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp

17:54 08/04/2023
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TU, ngày 21/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp.

 

Tại hội nghị, đại biểu thống nhất kết quả đạt được qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 26, đồng thời có nhiều ý kiến tham luận, thảo luận phản ánh những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của HĐND, của Thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp trong thời gian tới.

 

Đồng chí Kiên Quân cho biết: qua thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và trên cơ sở các quy định của pháp luật, để đảm bảo thực hiện tốt việc quyết định các vấn đề quan trọng tại địa phương, thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các ban HĐND tỉnh chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết (NQ) trình tại kỳ họp HĐND tỉnh.

 Việc thẩm tra của các ban HĐND tỉnh được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Trước khi trình kỳ họp, Đảng đoàn HĐND tỉnh thông qua và xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với các nội dung trình kỳ họp nhằm đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thực hiện chủ trương đó, trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh phân công các ban HĐND tỉnh thẩm tra theo lĩnh vực phụ trách để trình tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến. Báo cáo thẩm tra luôn đối chiếu quy định của pháp luật và trên cơ sở tình hình thực tế của tỉnh, thể hiện rõ tính phản biện, làm rõ vấn đề để việc xem xét thuận lợi, đúng quy định. Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 26, Thường trực HĐND tỉnh phân công các ban HĐND tỉnh thẩm tra 186 báo cáo và 303 dự thảo NQ trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh.

Để hoạt động thẩm tra các báo cáo, dự thảo NQ trình kỳ họp HĐND tỉnh ngày càng đạt chất lượng, hiệu quả, Thường trực HĐND tỉnh đề xuất thời gian tới tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND, vai trò chỉ đạo, điều hành của Thường trực HĐND đối với hoạt động thẩm tra của các ban HĐND, nhằm tạo cơ sở cho việc quyết định ban hành NQ bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tế tại địa phương.

Các ban HĐND tỉnh chủ động nắm chắc nội dung dự thảo NQ, nghiên cứu các vấn đề, ý kiến của các ngành liên quan, nhất là vấn đề liên quan nhiều đến việc sử dụng nguồn lực của địa phương. Đối chiếu, cập nhật văn bản luật và các chính sách do Trung ương ban hành, tăng cường khảo sát thực tế, tiếp xúc cử tri, nắm bắt thông tin phục vụ công tác thẩm tra. Lưu ý trong công tác thẩm tra cần xem xét việc đánh giá tác động và dự báo tác động khi ban hành các NQ. Thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, của chuyên gia, nhà khoa học, người dân đối với những nội dung có liên quan. Nội dung báo cáo thẩm tra phải đánh giá khách quan, chính xác, thẳng thắn, thể hiện rõ chính kiến của ban, mạnh dạn nêu ra các luồng ý kiến trái chiều, khi cần thiết có thể giải trình nếu có đại biểu thắc mắc xung quanh nội dung NQ trước khi đại biểu biểu quyết.

UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động chuẩn bị tốt các nội dung trình kỳ họp, đảm bảo chất lượng, chặt chẽ, đúng quy định của Trung ương, tình hình thực tế của tỉnh, gửi về Thường trực HĐND tỉnh đúng thời gian để phục vụ công tác thẩm tra của các ban HĐND.

Đại biểu HĐND tỉnh là ủy viên của các ban cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, trong đó, có hoạt động thẩm tra của các ban; thường xuyên cập nhật, nghiên cứu, nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Tỉnh ủy, NQ của HĐND và các tài liệu, văn bản có liên quan để tham gia thẩm tra. Đồng thời, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, tạo điều kiện để đại biểu HĐND đang công tác tại đơn vị mình thực hiện tốt trách nhiệm, quyền hạn của đại biểu theo luật định.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Triết cho biết: Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh xác định, PBXH là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Xác định được tầm quan trọng của công tác này, để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động PBXH, MTTQ Việt Nam tỉnh tập trung lựa chọn phản biện các lĩnh vực, nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Huy động sức mạnh khối đại đoàn kết, trong hội nghị PBXH không những mời các thành viên của Hội đồng tư vấn của Mặt trận mà còn mời rộng đến các đại biểu nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh tham dự, góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao, đa số các ý kiến đóng góp đều được cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình đúng theo quy trình PBXH.

Từ năm 2017 - 2022, UBMTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức trên 150 cuộc hội nghị PBXH và góp ý trên 950 dự thảo văn bản do các sở, ban ngành, địa phương gửi lấy ý kiến bao gồm các dự thảo luật, NQ, chỉ thị, quyết định, đề án của chính quyền có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam; quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân hoặc về việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Riêng khối HĐND, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức 14 cuộc hội nghị PBXH, trong đó, có PBXH các dự thảo NQ của HĐND tỉnh, như: chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, lao động theo hợp đồng 68; quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025; quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh và tham gia đóng góp ý kiến trên 490 dự thảo văn bản.

Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác PBXH thời gian tới, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đề xuất tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về quy chế giám sát và PBXH để thống nhất về nhận thức trong các cấp, các ngành, nhất là quyết liệt quán triệt và triển khai thực hiện kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Có như vậy, công tác PBXH của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội mới đạt hiệu quả, phát huy được dân chủ, tập hợp được nhiều ý kiến của Nhân dân trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Cùng với đó, cần bố trí, lựa chọn những cán bộ có chuyên môn sâu, có năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, có tư duy độc lập và năng lực tổng hợp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc. Thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Có cơ chế, chính sách hợp lý hơn đối với việc thu hút đội ngũ chuyên gia, trí thức, nhà khoa học tham gia PBXH.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội với cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan soạn thảo văn bản trong việc cung cấp thông tin, đảm bảo để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng PBXH. Đồng thời, cơ quan soạn thảo văn bản có trách nhiệm thông báo việc tiếp thu hay không tiếp thu các ý kiến phản biện đến MTTQ theo quy định.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Phương cho biết: quán triệt Chỉ thị số 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Huyện ủy Tiểu Cần kịp thời quán triệt trong nội bộ Đảng và xây dựng công văn gửi đến từng đảng bộ, chi bộ, HĐND huyện, xã, các ngành có liên quan quán triệt thực hiện. Qua quán triệt, cán bộ, đảng viên và từng đại biểu HĐND nhận thức được vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn huyện, nhất là trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại hiểu HĐND 2 cấp (tỉnh và huyện).

Trước và sau các kỳ họp thường lệ, Thường trực Huyện ủy Tiểu Cần chỉ đạo HĐND huyện phối hợp với tổ đại biểu HĐND tỉnh, UBMTTQ huyện và các xã, thị trấn lựa chọn những vấn đề cử tri còn bức xúc trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của cấp trên và của địa phương để tổ chức tiếp xúc cử tri.

05 năm qua, phối hợp với tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức 54 cuộc tiếp xúc với trên 5.300 lượt cử tri, đóng góp 650 ý kiến, kiến nghị, giải trình tại nơi tiếp xúc 380 ý kiến, tiếp thu ghi nhận 270 kiến nghị; tổ chức 429 cuộc cho đại biểu HĐND huyện tiếp xúc trên 29.817 lượt cử tri, có hơn 3.000 ý kiến, kiến nghị, giải trình tại chỗ 2.799 ý kiến; tiếp thu, ghi nhận 212 ý kiến, trong đó, có 28 ý kiến thuộc thẩm quyền của tỉnh, đã phối hợp tổ đại biểu HĐND tỉnh chuyển về tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giải quyết. Qua theo dõi, hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được giải quyết, còn một số ý kiến liên quan đến chế độ chính sách cũng đã có lộ trình và xin ý kiến Trung ương chờ giải quyết.

Bên cạnh đó, Thường trực Huyện ủy Tiểu Cần chỉ đạo HĐND huyện tổ chức giám sát và báo cáo định kỳ với Thường trực Huyện ủy việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri. Qua giám sát, nhìn chung, các kiến nghị của cử tri đều được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết kịp thời.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp trong thời gian tới, nhất là trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, Thường trực Huyện ủy Tiểu Cần đề xuất tiếp tục quán triệt sâu sắc vai trò quan trọng của việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn của huyện theo tinh thần Chỉ thị số 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đề nghị Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục tổ chức hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố, trong đó, chú trọng nội dung chuyên đề về nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, nhằm trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay trong hoạt động tiếp xúc cử tri.

Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình tiếp xúc cử tri, ưu tiên tổ chức tiếp xúc cử tri ở những địa bàn có nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm, có ảnh hưởng lớn đến đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Định kỳ tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri theo từng lĩnh vực, từ đó, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tăng cường hơn nữa việc theo dõi giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, kịp thời phản ánh kiến nghị cơ quan giải quyết chậm hoặc báo cáo cấp ủy cho ý kiến chỉ đạo, đồng thời, xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng hàng năm.

Bài, ảnh: KIM LOAN

Tag:

File đính kèm