Mục đích xuất bản “Cuốn sách”
Nhằm hệ thống hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng đường lối đối ngoại, ngoại giao; giúp các ban, bộ, ngành, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, chính quyền địa phương; các cơ quan làm công tác đối ngoại, ngoại giao, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ chủ trương, đường lối đối ngoại, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp xuất bản cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.
Nội dung cốt lõi của “Cuốn sách”
Cuốn sách tuyển chọn các bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ mới.
Cuốn sách có 778 trang (luôn bìa); nội dung cuốn sách gồm 03 phần:
Gồm bài viết tổng quan và 07 bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hội nghị ngoại giao, hội nghị đối ngoại toàn quốc. Trong đó:
- Bài viết tổng quan “Kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam” là điểm nhấn nổi bật của phần này cũng như cả cuốn sách, đã tổng kết toàn diện, sâu sắc và khái quát hóa lý luận và thực tiễn đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và chỉ ra những nhiệm vụ chủ yếu của công tác đối ngoại Việt Nam trong thời gian tới; khẳng định “Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa tư tưởng của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một nền ngoại giao độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”: vững ở gốc, chắc ở thân, uyển chuyển ở cành, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”.
- Các bài viết, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư trong phần này thể hiện tư duy chiến lược của người đứng đầu Đảng ta về đường lối, chính sách đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, nhấn mạnh: vai trò tiên phong của công tác đối ngoại; đối ngoại là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước; sự gắn kết chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; chủ động, sáng tạo, tích cực hội nhập quốc tế và triển khai đồng bộ, toàn diện, hoạt động đối ngoại, ngoại giao; quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”!...
Gồm 78 bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hoạt động và diễn đàn ngoại giao song phương, đa phương, thể hiện một cách cụ thể, sâu sắc và sinh động sự đóng góp to lớn, quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư trên nhiều cương vị khác nhau trước đây và với cương vị là lãnh đạo cao nhất của Đảng ta hiện nay trong việc xây dựng và phát triển đường lối đối ngoại của Việt Nam; đồng thời, khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, toàn diện, xuyên suốt của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đối với công tác đối ngoại trên cả ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Phần này bao gồm 02 nội dung lớn:
I. Tạo dựng và củng cố quan hệ đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa với các nước trên thế giới và khu vực, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển. Trong đó:
Đối với việc đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương, các bài nói, bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện sự đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Qua đó, Tổng Bí thư khẳng định cần tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và bạn bè truyền thống, tăng cường tin cậy, phát huy điểm đồng, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các tranh chấp và thúc đẩy hòa bình, hợp tác cùng phát triển nhằm củng cố vững chắc cục diện đối ngoại ổn định, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Tổng Bí thư khẳng định để giữ gìn một khu vực hòa bình, ổn định, đoàn kết và thống nhất trên cơ sở luật pháp quốc tế, cần định vị chỗ đứng, tiếp tục phát huy vai trò và giá trị cốt lõi của ASEAN, “hoạt động của AIPO ngày càng đi vào thực chất hơn, các nghị quyết của AIPO phải thực sự đi vào đời sống chính trị của mỗi quốc gia”, “Vì một AIPA hướng tới cộng đồng của nhân dân, vì nhân dân, đùm bọc và chia sẻ”, “Ngoại giao Việt Nam vì cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, “Việt Nam sẽ góp phần tích cực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển”, “Liên hợp quốc cho tương lai phải thực sự là một tổ chức gắn kết, bình đẳng, vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng”, “Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan Nghị viện các nước G20 nhằm bảo đảm an ninh lương thực”; đồng thời tận dụng tốt những cơ hội từ khi gia nhập WTO và phát huy những lợi thế, ưu việt của phong trào hợp tác xã quốc tế trong phát triển kinh tế - xã hội...
II. Đối ngoại là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị.
Trong các bài viết, bài phát biểu, Tổng Bí thư đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, coi đây là hai mặt có mối quan hệ biện chứng với nhau, bổ sung cho nhau, nhằm phát triển nền kinh tế nước ta ngày càng vững mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Tổng Bí thư, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ không có nghĩa là coi nhẹ vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế. Trái lại, hội nhập kinh tế quốc tế là một nội dung trong đường lối kinh tế, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, kết hợp nội lực với ngoại lực để tạo ra sức mạnh tổng hợp của sự nghiệp phát triển đất nước. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng chính là nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đáp ứng yêu cầu và lợi ích của quốc gia; đồng thời, thông qua hội nhập kinh tế quốc tế để phát huy vai trò và tiềm năng của nước ta trong quá trình hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: “thành tựu của cách mạng Việt Nam là thực tiễn sinh động bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga”, “nhiều hoạt động của người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần thiết thực cho sự phát triển kinh tế đất nước”, “chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội - nhìn từ thực tiễn Việt Nam”…
Trong phần này, Tổng Bí thư cũng gửi gắm sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như người dân nước sở tại. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định: “Bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc”; Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài “là “chất xúc tác” quan trọng đối với những thành công của hoạt động ngoại giao nhân dân nước ta trong công cuộc đổi mới. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, tôn giáo, bà con kiều bào ta đã và đang góp phần giữ gìn bản sắc và quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy, lan tỏa và giành được sự yêu mến của bạn bè các nước, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Đối với nhân dân các nước sở tại: Lào, Cu-Ba, Trung Quốc, Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hung-ga-ri..., Tổng Bí thư nhấn mạnh việc chia sẻ những giá trị tương đồng và tiềm năng để đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, nỗ lực hình thành các thỏa thuận và cơ chế hữu hiệu để duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh chung, ngăn ngừa xung đột và chiến tranh, đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đồng thời tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình hữu nghị và kiến tạo nền tảng xã hội cho quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Gồm 52 ý kiến của các chuyên gia, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế về vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc hình thành và phát triển trường phái ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”. Đó là những kỷ niệm, tình cảm, câu chuyện của các đại sứ, các cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoại giao, các nhà báo, người Việt Nam ở nước ngoài được tháp tùng, được gặp Tổng Bí thư trong các chuyến thăm và làm việc ở trong và ngoài nước. Phần này gồm 02 nội dung lớn:
I. Ghi nhận, đánh giá của bạn bè quốc tế, gồm những bài viết của trưởng ban đối ngoại, giám đốc học viện chính trị quốc gia, chủ tịch Hội nhà văn, lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại, bộ ngoại giao, ban nghiên cứu Lịch sư Đảng… các nước, bày tỏ ấn tượng, tình cảm, thiện cảm về tư duy đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, những thành tựu đối ngoại của Việt Nam và dấu ấn phong cách ngoại giao mang đậm cốt cách văn hóa dân tộc Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; khẳng định: Việt Nam đã tạo ra trường phái đối ngoại rất riêng, đạm đà bản sắc “Cây tre Việt Nam”, “đường lối của Đảng Cộng sản là nền tảng thành công của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, “Ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - kiên cường và ngày càng phát triển”…
II. Sự ủng hộ và đồng thuận của nhân dân Việt Nam, qua những bài viết của các Ủy viên Trung ương Đảng, những người công tác trong Ban Đối ngoại Trung ương, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ Việt Nam, Học viện Ngoại giao, Kiều bào ở nước ngoài, các nhà nghiên cứu… thể hiện ấn tượng, sự kính trọng, kỷ niệm, cảm nhận sâu sắc về phong cách ngoại giao giản dị, gần gũi, chân tình, nhân văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Những ý kiến thể hiện sự kính trọng, tình cảm trân quý đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng cho thấy niềm tin tưởng, tự hào về những thành tựu to lớn của đất nước, trong đó có đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.
Giá trị của “Cuốn sách”
Nội dung của Cuốn sách là sự chắt lọc, đúc kết từ công tác nghiên cứu cẩn thận, giúp chúng ta hiểu rõ lý luận và thực tiễn hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua đó hiểu rõ và đồng thuận với chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư - một trường phái ngoại giao đặc sắc của thời đại Hồ Chí Minh, thấm đượm tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Quyển sách là tài liệu nghiên cứu, tổng hợp quý giá về đường lối đối ngoại, ngoại giao, về thành tựu của ngoại giao, hội nhập quốc của Việt Nam và chỉ ra những nhiệm vụ chủ yếu của công tác đối ngoại Việt Nam trong thời gian tới; khẳng định sự hoàn thiện và phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về đối ngoại và hội nhập quốc tế trong gần 40 năm đổi mới.
Tác phẩm góp phần hiệu quả vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, thông tin sai sự thật của các thế lực thù địch, cơ hội nhằm chống phá mối quan hệ đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Báo Trà Vinh Online