Sign In

Những chuyển biến tích cực sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

14:18 27/09/2024
Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tuyên Quang đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị và đạt được những kết quả tích cực; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xác định việc đào tạo nhân lực có tay nghề cao là nhiệm vụ quan trọng trong đào tạo, phát triển nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị. Đồng thời, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động, tạo điều kiện cho lực lượng lao động của tỉnh tham gia học tập, đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc; quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác dạy nghề… Quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo bước đầu đã đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã chỉ đạo rà soát, sắp xếp, tinh giản đầu mối cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế. Đến nay, toàn tỉnh có 11 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; trong đó có 01 Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Công nghiệp là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao của tỉnh, 01 trường trung cấp, 01 phân hiệu trường trung cấp và 07 trung tâm khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Các cơ sở đào tạo nghề chú trọng thực hiện đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; quan tâm tuyển sinh và tổ chức đào tạo nghề trọng điểm tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Công nghệ, số học sinh, sinh viên tham gia học các nghề trọng điểm chiếm trên 50% so với số học sinh, sinh viên toàn trường. Học sinh, sinh viên được tổ chức cho đi thực tập trải nghiệm, sản xuất, thực tập tốt nghiệp để tiếp cận với thực tế sản xuất, rèn luyện tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Chương trình đào tạo các ngành nghề theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục được thực hiện nghiêm túc theo quy định; hiện nay có 07 ngành, nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng với quy mô tuyển sinh 255 sinh viên/năm, trung cấp có 13 ngành, nghề với quy mô tuyển sinh 915 học sinh/năm, sơ cấp có 63 ngành nghề với quy mô tuyển sinh 10.740 học sinh/năm. Tổng số học sinh, sinh viên đã được đào tạo nghề là 87.110 lượt người; trong đó đào tạo trình độ cao đẳng là 956 người, trung cấp là 6.367 người. Qua đó, đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của tỉnh từ 39,2% năm 2013 lên 67,5% năm 2023; tỷ lệ có bằng, chứng chỉ là 26%.

Công tác hợp tác, hội nhập quốc tế trong đào tạo nghề được đẩy mạnh. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã phối hợp tổ chức các hội nghị cập nhật, bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại; thực hiện 02 dự án, đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh liên quan đến công tác hợp tác quốc tế của tỉnh; Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Công nghệ Tuyên Quang đã thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế với Trường Kỹ thuật nghề tổng hợp của tỉnh Xiêng Khoảng (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào), Trung tâm bồi dưỡng công nghệ Hessen (Cộng hòa Liên bang Đức), Trường Cao đẳng Koguryeo (Hàn Quốc)...  Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đào tạo nghề được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Toàn tỉnh hiện có 358 cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (trong đó thạc sĩ có 55 người, tăng 55 người so với năm 2104; thu hút và hỗ trợ đào tạo cho 21 cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị theo dõi, thực hiện công tác về giáo dục nghề nghiệp).

Phát huy những kết quả đạt được trong công tác đào tào nhân lực có tay nghề cao, trong thời gian tới tỉnh xác định tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, quyết liệt, toàn diện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản của tỉnh về công tác giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo nghề. Quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và công tác đào nghề giai đoạn hiện nay. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Công nghệ Tuyên Quang thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao của tỉnh”; đồng thời đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực phục vụ công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, trao đổi đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với các địa phương trong nước và nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư, các đề án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phương Linh

Tag:

File đính kèm