Sign In

Liên Xô tan rã và luận điệu do Cách mạng Tháng Mười là “sai lầm của lịch sử” - Bài 1: Mặt trời chói lọi và quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của Đảng Cộng sản Liên Xô

22:04 12/11/2024
Trong những năm “cải tổ” ở Liên Xô (1985-1991) lan truyền luận điệu Cách mạng Tháng Mười là “sai lầm của lịch sử”, do đó cần xóa bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) để “sửa chữa sai lầm lịch sử” đó!?

Luận điệu này là một trong những biểu hiện tập trung của quá trình “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" dẫn tới tan rã Đảng Cộng sản Liên Xô và nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế lịch sử chứng minh Liên Xô tan rã không phải do Cách mạng Tháng Mười là “sai lầm của lịch sử”.

Nhân kỷ niệm 107 năm Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 / 7-11-2024), chúng ta cùng nhìn lại vai trò, ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng vĩ đại và nguyên nhân nội tại, có ý nghĩa quyết định dẫn tới sự tan rã Liên Xô, những bài học vẫn nguyên tính thời sự đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam hiện nay.

Hơn 30 năm kể từ khi Liên Xô - cường quốc XHCN đầu tiên trên thế giới sụp đổ, đã có hàng nghìn công trình nghiên cứu, chuyên khảo, hồi ký, chuyên luận và điều tra đi tìm lời giải về thảm họa địa-chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20 này. Tựu trung trong nhiều nghiên cứu chỉ ra, một trong những nguyên nhân có ý nghĩa quyết định dẫn tới thảm họa này là quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng Cộng sản Liên Xô.

Cuộc cách mạng mở đầu một thời đại mới

Nói về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

Không thể phủ nhận sự thật lịch sử là nhà nước Xô viết ra đời từ cuộc Cách mạng Tháng Mười đã đạt được những thành tựu kỳ vĩ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Đảng Cộng sản Liên Xô có lịch sử vô cùng oanh liệt và vẻ vang.

Được V.I.Lênin sáng lập và rèn luyện, Đảng đã từng là một trong những đảng mác-xít, lê-nin-nít hùng mạnh nhất và kiên cường nhất. Đảng đã từng lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, đánh thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai, xây dựng những cơ sở vật chất - kỹ thuật quan trọng của CNXH, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử nhân loại. Đó thật sự là những công việc kinh thiên động địa, những sự tích thần kỳ, được cả loài người tiến bộ cảm phục và kính trọng”. 

 Các thành viên Đảng Cộng sản Nga tại lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng 10 Nga ở thủ đô Moskva. Ảnh: TTXVN 

Cách mạng Tháng Mười như một cơn địa chấn của thế kỷ 20, không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới đối với nước Nga mà còn cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của giai cấp công nhân các nước, chỉ ra cho họ con đường đi tới thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ cũ, xây dựng chế độ mới tốt đẹp hơn. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và tiếp đó là thắng lợi của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai, CNXH từ một nước đã phát triển thành một hệ thống XHCN thế giới đầy sức sống và hùng mạnh, có vai trò to lớn và từng có tính chất quyết định đến vận mệnh, sự phát triển của thế giới.

Hệ thống XHCN, đứng đầu là Liên Xô đã có những giai đoạn phát triển rực rỡ, đã đoàn kết các dân tộc, mọi tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp, bình đẳng, công bằng, mang lại hạnh phúc cho đông đảo nhân dân lao động. Nhờ ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười và sự giúp đỡ, tác động của hệ thống XHCN thế giới, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến những năm 70 của thế kỷ 20, hàng loạt dân tộc thuộc địa và lệ thuộc đã đứng lên giải phóng khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân.

Cho nên có thể nói, Cách mạng Tháng Mười Nga mang tầm ảnh hưởng quốc tế to lớn, tính thời đại sâu sắc, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. 

"Cải tổ 1.0, 2.0" và hành trình dẫn đến tan rã Liên Xô

Liên Xô sụp đổ là thảm họa địa-chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20. Nhiều kẻ cơ hội, phản động được thể xuyên tạc những giá trị lịch sử của nhà nước xã hội đầu tiên trên thế giới được mở đầu bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Từ việc coi Cách mạng Tháng Mười là “sai lầm của lịch sử”, họ phủ nhận những giá trị nhân văn, tốt đẹp của CNXH, đánh đồng sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu với sự thất bại của Chủ nghĩa Mác-Lênin và rêu rao cuộc cách mạng đó là “đẻ non”, “đã chết” và CNXH đã đến “hồi kết thúc”... Tuy nhiên, từ thực tiễn, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để bác bỏ những luận điệu trên. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu là sụp đổ của mô hình cụ thể chứ không phải sụp đổ hay cáo chung của Chủ nghĩa Mác-Lênin, của CNXH như các thế lực thù địch, phản động thường rêu rao, xuyên tạc. Ở khía cạnh cụ thể trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin luận giải một số nguyên nhân nội tại của quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có ý nghĩa quyết định đẩy Đảng Cộng sản Liên Xô tới chỗ tan rã và cường quốc XHCN sụp đổ.

Sai lầm về đường lối chính trị

Ngay sau Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin từng cảnh báo: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền khó hơn”. Vì thế, V.I.Lênin luôn yêu cầu phải kiên quyết và kịp thời đấu tranh ngăn chặn mọi biểu hiện suy thoái về chính trị trong Đảng. Trong những năm dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin và J.Stalin, Đảng Cộng sản Liên Xô đã tiến hành hiệu quả cuộc đấu tranh này. Tuy nhiên, sau khi J.Stalin qua đời (1953), quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đường lối chính trị trong Đảng Cộng sản Liên Xô bắt đầu bộc lộ biểu hiện rất nguy hiểm. 

Trong bản báo cáo mật bên lề Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô khóa XX (1956) đã có chủ trương “xét lại” Chủ nghĩa Mác-Lênin, phủ nhận những thành tựu vĩ đại của Liên Xô trong những năm sau Cách mạng Tháng Mười và trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945). Nếu không được các đảng viên trung kiên trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngăn chặn, chủ trương này có thể đưa Liên Xô tới chỗ tan rã. Chính vì thế, giới nghiên cứu lịch sử ở Nga cho rằng chủ trương “xét lại” Chủ nghĩa Mác-Lênin là “cải tổ 1.0”, tuy chưa dẫn tới tan rã Đảng Cộng sản Liên Xô nhưng đã để lại “di chứng” nặng nề và đã phát tác trong giai đoạn “cải tổ 2.0” thập niên 1980 được khởi xướng bởi M.Gorbachyov trên cương vị Tổng Bí thư và A.Yakovlev trên cương vị Trưởng ban Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Liên Xô. Về sau, chính M.Gorbachyov và A.Yakovlev công khai thừa nhận mục tiêu hướng tới của “cải tổ” là xóa bỏ Đảng Cộng sản và chế độ XHCN ở Liên Xô.

Sai lầm trong công tác cán bộ của Đảng

Đường lối cán bộ của Đảng Cộng sản Liên Xô do V.I.Lênin đề xướng dựa trên các nguyên tắc kết hợp việc tuyển chọn cán bộ có đức, có tài với công tác kiểm tra quá trình thực hiện công tác của cán bộ. V.I.Lênin chủ trương “tin tưởng là tốt, nhưng kiểm tra vẫn tốt hơn”. Kiểm tra nhằm kịp thời cảnh báo và ngăn chặn quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. 

Các thế hệ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô sau này đã không tuân theo di huấn của Lênin, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc trong công tác cán bộ của Đảng. Một là, nặng về hình thức trong đào tạo cán bộ theo kiểu “thầy đọc, trò chép và học thuộc lòng”. Vì thế, kiến thức lý luận về Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ nằm trên sách vở mà không được vận dụng vào thực tiễn. Nhiều cán bộ tuy được cấp bằng hoặc chứng chỉ nhưng năng lực lãnh đạo kém, không có khả năng dự phòng và bảo vệ, thậm chí vô cảm trước quá trình diệt vong của Đảng. Hai là, khi tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ thường xuất phát từ tình cảm cá nhân, yêu-ghét chủ quan, cố ý nâng đỡ những kẻ thân tín, bè phái. Ba là, công tác đánh giá cán bộ trở thành công cụ để thực hiện ý đồ của cá nhân người lãnh đạo chứ không nhằm mục đích chọn cán bộ tốt.

Vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng

V.I.Lênin là người đề ra nguyên tắc tập trung dân chủ để xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp vô sản. Theo nguyên tắc này, thiểu số phục tùng đa số, bộ phận phục tùng tập thể và các cơ quan lãnh đạo cấp dưới phục tùng cơ quan lãnh đạo cấp trên. V.I.Lênin cho rằng, nếu không có tập trung, Đảng sẽ trở thành một “câu lạc bộ” lộn xộn, còn nếu xa rời dân chủ, Đảng sẽ trở thành một tổ chức quan liêu, độc đoán, chuyên quyền. V.I.Lênin đã nhiều lần cảnh báo sự vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ là hiểm họa đe dọa sự sống còn của Đảng và chế độ XHCN.

Các thế hệ lãnh đạo sau này, nhất là M.Gorbachyov đã xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ, lạm dụng quyền lực để loại bỏ những cán bộ trung thành và kiên định với lý tưởng XHCN, bổ nhiệm những kẻ ủng hộ chủ trương “cải tổ” sai lầm của ông. Về sau, chính A.Yakovlev thừa nhận, M.Gorbachyov sử dụng “cơ chế toàn trị” để phá hoại Đảng Cộng sản Liên Xô.

Sự thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống

Sự thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống trong Đảng Cộng sản Liên Xô trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong thời kỳ L.Brezhnev và M.Gorbachyov cầm quyền với những biểu hiện rất đa dạng như tham quyền cố vị; bệnh thành tích, thích được khen thưởng và hưởng lạc; giả dối; tham ô... Biểu hiện điển hình nhất về bệnh thành tích là L.Brezhnev. Tính tổng cộng, L.Brezhnev đã nhận 114 huân chương, trong đó có 8 Huân chương Lênin; 2 Huân chương Sao Đỏ, Huân chương Chiến thắng; 2 Huân chương Cách mạng Tháng Mười... Do không đáp ứng các tiêu chuẩn được nhận, những huân chương dành cho L.Brezhnev đã gây phản ứng rất tiêu cực trong xã hội, làm mất uy tín không chỉ trong mà cả ngoài Đảng.  

Trong Đảng hình thành tầng lớp đặc quyền, đặc lợi. Ở Liên Xô thời đó tồn tại hệ thống cửa hàng đặc biệt dành cho cá nhân và gia đình các thành viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng-nơi họ có thể mua bất cứ thứ hàng hóa xa xỉ nào được nhập khẩu từ phương Tây. Vì thế, nhân dân coi lãnh đạo cấp cao trong Đảng như là một “giai cấp mới” trong xã hội Xô viết, tạo hố ngăn cách ngày càng lớn giữa Đảng và nhân dân. Sự tha hóa, biến chất trong Đảng lên tới đỉnh điểm trong giai đoạn “cải tổ”, trong đó lợi dụng những khe hở của pháp luật trong quá trình tư nhân hóa, các tầng lớp đặc quyền, đặc lợi trong bộ máy lãnh đạo Đảng và quản lý nhà nước mặc sức tham nhũng, vơ vét của công, dẫn tới bước ngoặt căn bản là thúc đẩy quá trình tan rã Đảng Cộng sản Liên Xô và nhà nước Xô viết.

(còn nữa)

                   Theo Đại tá Lê Thế Mẫu nguyên Trưởng phòng Thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng

Tag:

File đính kèm