Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến chính sách thu hút nhân tài và đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH-CN) kiều bào về làm việc tại Việt Nam. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” đã xác định: Hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước. Xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước, góp phần phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của nước nhà.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nêu rõ, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của đội ngũ trí thức Việt Nam; đồng thời tiếp tục khẳng định chính sách thu hút, tập hợp trí thức Việt Nam trong và ngoài nước tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới... Trọng dụng, tôn vinh những trí thức có đóng góp thiết thực, hiệu quả và sự nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Các văn bản kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng và nghị định của Chính phủ đã tiếp tục bổ sung và khẳng định những nội dung liên quan đến việc cần đặc biệt quan tâm, có chính sách thu hút các chuyên gia - nhà khoa học giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc trong nước; thu hút chuyên gia tham gia hoạt động KH-CN tại Việt Nam...
Căn cứ vào các nghị quyết, kết luận của Đảng và nghị định của Chính phủ, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là các thành phố lớn đã ban hành văn bản liên quan đến chủ trương, chính sách thu hút nhân tài chất lượng cao đóng góp cho sự phát triển tại địa phương. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa được như mong muốn và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của kiều bào; thực tiễn triển khai còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Đơn cử như tại Hà Nội, Luật Thủ đô và Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân Thành phố về “Chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô” mặc dù đã triển khai thực hiện được 10 năm nhưng hiệu quả của cơ chế chính sách chưa cao, chưa thu hút được nhiều trí thức, nhà khoa học kiều bào; vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế trong việc phát huy hiệu quả, trí tuệ của các chuyên gia - nhà khoa học...
Từ thực tiễn của Hà Nội, có thể nêu ra một số nguyên nhân của những hạn chế, bất cập liên quan đến chính sách trọng dụng nhân tài.
Thứ nhất, về nội dung các chính sách ưu đãi có thể nói là rất đúng, trúng, hợp lý, hấp dẫn như giảm thuế thu nhập, nhà ở, mức lương... Mục tiêu đề ra của chính sách cũng rất đúng và hay như: dựa vào tiềm năng thế mạnh của Hà Nội để xây dựng chương trình KH-CN trọng điểm làm ra những sản phẩm mũi nhọn có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc thế; các sản phẩm chứa đựng hàm lượng công nghệ và hiệu quả kinh tế cao..., nhưng thực tế, chưa chỉ ra được tên của đề án, sản phẩm, mô hình tổ chức quản lý, nhất là vị trí việc làm của chuyên gia - nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học từ nước ngoài trở về làm việc.
Bên cạnh đó, kết quả của chương trình là phục vụ cho các lĩnh vực nông nghiệp, công thương, giao thông, xây dựng, xử lý môi trường thì các sở, ngành chức năng lại chưa tích cực chủ động tham gia với vai trò là người đặt hàng và nhận kết quả.
Chính sách tuyển thẳng các thủ khoa về làm việc trong các cơ quan quản lý của thành phố Hà Nội thời gian qua cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, qua 18 năm triển khai, đến nay cả thành phố cũng mới thu hút được 186 thủ khoa, á khoa về “đầu quân” tại các cơ quan hành chính. Số người thực sự “làm tốt việc” rất ít và đa số làm trong một thời gian ngắn lại “nhảy việc”, bởi, dù học giỏi nhưng lại không có kinh nghiệm thực tiễn; giỏi chuyên ngành A nhưng lại được phân công làm việc ở chuyên ngành B, hệ quả là không phát huy được năng lực chuyên môn; một số nơi, lãnh đạo của đơn vị dù tuyển được thủ khoa nhưng lại chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho họ làm việc...
Từ thực tiễn nêu trên, có thể thấy chủ trương thu hút chuyên gia - nhà khoa học là rất đúng, rất cần thiết, nhưng muốn “đi vào cuộc sống” thì phải tiếp tục làm rõ hơn nữa để trả lời các câu hỏi: tuyển ai? chuyên ngành gì và sản phẩm mong muốn ra sao? mô hình tổ chức quản lý hoạt động nơi mời các chuyên gia - nhà khoa học về làm việc? ai là người quản lý sử dụng trực tiếp họ và năng lực của người ấy ra sao?...
Thứ hai, theo chúng tôi, mức độ ưu đãi thu hút chuyên gia - nhà khoa học Việt kiều về nước chưa phải là quan trọng nhất, mà quan trọng hơn là làm gì, quản lý sử dụng ra sao để họ có thể cống hiến trí tuệ, kinh nghiệm cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nhớ lại, việc thu hút nhân tài là kiều bào về nước làm việc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời thực hiện rất thành công. Nhiều trí thức KH-CN ở nước ngoài đã về nước, phát huy tài năng và tâm huyết phục vụ cho sự nghiệp cách mạng nước nhà. Kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, nhà khoa học Trần Đại Nghĩa sau khi về nước đã được giao nhiệm vụ luyện kim và chế tạo vũ khí với vị trí là người đứng đầu tuyển dụng, nghiên cứu và sản xuất. Kết quả là những trang thiết bị vũ khí đã kịp thời phục vụ kháng chiến trong điều kiện rất khó khăn cả về trang thiết bị và con người. Giáo sư Tạ Quang Bửu, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên được mời về làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Chính đã phát huy tài năng, đưa nền giáo dục, đặc biệt là trung học chuyên nghiệp và phổ thông tiến nhanh, có nhiều thành tựu nổi bật. Bài học ở đây là chọn đúng người, giao đúng việc, giao quyền đi liền với trách nhiệm thì công việc triển khai sẽ hiệu quả.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần có những chương trình, kế hoạch sát đúng thực tế, phù hợp điều kiện để thu hút chuyên gia - nhà khoa học chất lượng cao, không chỉ phục vụ cho lĩnh vực KH-CN, y tế, giáo dục mà còn nhiều lĩnh vực khác đang rất cần như: giao thông, thiết bị công nghệ giao thông, vận tải hành khách, hàng hóa; quy hoạch - xây dựng; quản lý và xử lý môi trường...
Thứ ba, trong hoạt động khoa học, sự khác biệt về tư duy và phong cách làm việc cũng là rào cản đáng kể đối với các chương trình hợp tác làm việc chung. Vai trò của trí thức Việt kiều ở các trường đại học, viện nghiên cứu chưa được đề cao; tình trạng thiếu thốn các điều kiện nghiên cứu như phòng thí nghiệm, mối liên hệ quốc tế, ê kíp làm việc mạnh... cũng là những khó khăn không nhỏ.
Thứ tư, hiện nay chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu mở có khả năng liên kết mạng lưới cộng đồng trí thức kiều bào trên thế giới, vừa cập nhật hồ sơ của các cá nhân và chia sẻ thông tin về nhu cầu thu hút ở trong nước, vừa trở thành một diễn đàn tăng cường kết nối tri thức Việt ở trong cũng như ngoài nước. Đây không chỉ là cơ sở dữ liệu mà còn là một mạng lưới có sự điều phối cũng như có các hoạt động để tăng cường hiệu quả liên kết của các thành viên. Điều này đặc biệt cần thiết vì hiện nay trong nước đang rất cần tri thức và kinh nghiệm của các chuyên gia kiều bào giỏi để hợp tác phát triển một số lĩnh vực công nghệ cao đang được Chính phủ ưu tiên.
Thứ năm, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và công tác thu hút nguồn lực trí thức kiều bào chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Phần lớn lãnh đạo các địa phương chưa xác định được nhu cầu sử dụng cũng như thiếu thông tin về chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào, vì vậy chưa chủ động liên lạc, thu hút nguồn lực kiều bào về địa phương hoặc lĩnh vực mình phụ trách.
Thứ sáu, trong tổ chức triển khai nhiều dự án KH-CN, chúng ta còn lúng túng, thiếu sự chuẩn bị chu đáo, chưa xác định rõ vai trò, nhiệm vụ và mức độ tham gia của trí thức kiều bào trong các dự án này. Nhiều nhiệm vụ KH-CN mang tính hình thức, ít thực tiễn, tính ứng dụng thấp, khó thu hút sự tham gia đóng góp của trí thức kiều bào.
“Rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật tạo hành lang pháp lý thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần vào thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các nước vào Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài...” (Chỉ thị số 45-NQ/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị)
|
KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
Để phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam ngày càng tương thích và hội nhập sâu rộng với quốc tế; để có những sản phẩm KH-CN “Made in Việt Nam” mang lại công ăn việc làm và tăng GDP cho quốc gia trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 thì vấn đề con người là quan trọng, nhất là đội ngũ nhân tài, trí thức KH-CN và nhân lực chất lượng cao.
Chính vì lẽ đó, thời gian tới, việc triển khai thu hút nhân tài ở cấp Trung ương phải bắt đầu từ Chính phủ và các bộ, ngành. Theo đó, trong những kế hoạch thu hút nhân tài, người đứng đầu Chính phủ và các bộ trưởng phải phải xây dựng được những đề án cụ thể, để từ đó có được những sản phẩm công nghệ cao có sức cạnh tranh trên thị trường và hội tụ của nhiều công nghệ chuyên ngành; xác định được những chuyên gia - nhà khoa học mời về làm việc; xây dựng được những tiêu chí cụ thể, phù hợp trong lựa chọn và cơ chế chính sách ưu đãi...
Nhà nước cần ban hành những chính sách bổ nhiệm chuyên gia, trí thức kiều bào có năng lực vào các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan cấp cục, vụ, viện hoặc trưởng phòng thí nghiệm, tổng công trình sư, giám đốc dự án... Đồng thời, không chỉ chú trọng vào những chuyên gia, trí thức đã thành danh ở nước ngoài mà cần mạnh dạn tin dùng và tạo cơ hội cho các tài năng trẻ, mạnh dạn giao nhiệm vụ; gắn trách nhiệm và quyền lợi của các dự án KH-CN, các nghiên cứu và cầu nối hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ cho các nhà khoa học - trí thức kiều bào.
Cần mở rộng phân cấp và tăng tính tự chủ cho các bộ, ngành, địa phương hay các đơn vị cơ sở của các cơ quan nghiên cứu khoa học, đào tạo có nhu cầu sử dụng chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc hoặc nghiên cứu khả năng trao quyền cho người đứng đầu bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm xem xét đặc cách lựa chọn, tuyển dụng những cá nhân thực sự có tài năng (có thể miễn, đơn giản hóa một số quy định mang tính hành chính, thủ tục). Bên cạnh đó, chú trọng thu hút những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ các nước trở về; có chính sách sử dụng những lao động có kỹ năng, tay nghề được tu nghiệp tại các nước phát triển.
Nhà nước tiếp tục xây dựng các chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật cao về nước tham gia các đề án, chương trình, dự án. Cần quan tâm hơn nữa đến chế độ trả lương, nhà công vụ, các khoản phụ cấp và đãi ngộ khác. Đối với khu vực tư nhân có sử dụng chuyên gia, trí thức kiều bào có trình độ cao, thuộc lĩnh vực ưu tiên, Nhà nước có thể hỗ trợ trực tiếp hoặc bằng những cơ chế ưu tiên, thuận lợi.
Tiềm năng khoa học - trí thức của kiều bào là rất lớn, được đánh giá là một thế mạnh của cộng đồng, nhưng hầu như chưa có những cơ chế tối ưu để khai thác hiệu quả. Vì vậy, để xây dựng và phát huy được tốt nhất vai trò của đội ngũ này, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng những cơ chế mang tính đột phá nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn lực cả về kinh tế và chất xám của chuyên gia - trí thức kiều bào. Cần tiếp tục xác định các tiêu chí lựa chọn và thu hút người tài, xây dựng các tiêu chuẩn, quy định sàng lọc để lựa chọn được những cá nhân xuất sắc nhất trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như chính sách khuyến khích, theo đúng tinh thần Chỉ thị số 45-NQ/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”./.
Theo TS. Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội/tuyengiao.vn