Sign In

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Định hướng chiến lược cho cách mạng Việt Nam

15:34 22/03/2024
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình lý luận to lớn, định hướng chiến lược cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gần năm mươi lăm năm trôi qua, nhưng Di chúc vẫn mang giá trị thời sự sâu sắc, là ánh đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu/hochiminh.vn

Những lời căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc vô cùng giản dị mà thiêng liêng, có ý nghĩa lịch sử và thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả. Trong Di chúc, Người đưa ra một nhận định mang tính tổng kết về quy luật phát triển của Đảng. Đó là toàn bộ sức mạnh, uy tín, thành công của Đảng là do truyền thống đoàn kết chặt chẽ trong Đảng và sự trung thành, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”; “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”(1).

Với tầm nhìn xa, trông rộng của một lãnh tụ cách mạng, Người thấy rõ sự nghiệp cách mạng của chúng ta còn phải lâu dài, tiếp nối qua nhiều thế hệ. Vì vậy, người nêu vấn đề: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(2). Lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng là những đoàn viên, thanh niên. Đảng phải chăm lo giáo dục, đào tạo họ trở thành những chủ nhân của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”, nghĩa là phải làm tốt việc bồi dưỡng cho đoàn viên thanh niên lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường, có tri thức, năng lực làm chủ, sẵn sàng kế tục sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới.

Di chúc cũng chính là một chương trình hành động cho toàn Đảng, toàn dân về công cuộc xây dựng xã hội mới. Trong đó, Người hoạch định đường lối phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng chính sách xã hội thời hậu chiến và chỉ dẫn các biện pháp quản lý xã hội, sắp xếp từng công việc với thứ tự ưu tiên:

Đầu tiên là công việc đối với con người. Người đã có các phương án, hay những dự thảo về chính sách xã hội để chăm lo cho tất cả các tầng lớp Nhân dân, các thành phần xã hội, trong đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới những người đã đóng góp, hy sinh một phần xương máu trong kháng chiến, các gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh. Người căn dặn Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo, giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sỹ. Riêng đối với liệt sỹ, Người yêu cầu: “mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, đề đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta”(3). Người đề xuất việc đào tạo, huấn luyện những người ưu tú trong cán bộ, binh sỹ, dân quân du kích, thanh niên xung phong, các chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang thành đội quân chủ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người lưu ý Đảng cần có kế hoạch cất nhắc, giúp đỡ để phụ nữ có thể tham gia nhiều việc, kể cả việc lãnh đạo, có quyền bình đẳng thực sự. Với những nạn nhân của chế độ cũ, Người cũng yêu cầu phải có chính sách giáo dục, cải tạo để họ trở thành người tốt.

Đối với bà con nông dân, những người đã đóng góp nhiều cho công cuộc cách mạng, Người yêu cầu thực hiện chính sách “khoan thư sức dân” để bà con phấn khởi, có thêm động lực hăng hái sản xuất. Người đã phác thảo nông thôn mới ở Việt Nam với yêu cầu xây dựng lại làng mạc sạch sẽ, đàng hoàng, thực hiện vệ sinh, y tế… Người luôn trăn trở: nước nhà độc lập, thống nhất thì dân phải đủ ăn đủ mặc, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân”(4).

Làm theo Di chúc của Người, chúng ta đã tái thiết đất nước thành công, đang trên đường đổi mới và phát triển, khẳng định vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế. Đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhìn lại gần 55 năm thực hiện Di chúc của Người, mỗi người dân Việt Nam đều thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong xây dựng đất nước “sánh vai với cường quốc năm châu’ như Người hằng mong muốn./.

Nguyễn Nhung

  1. (3)(4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, 2021, tập 15, tr 622
  2. Sđd, trang 616

Tag:

File đính kèm