Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Hưởng ứng lời dạy Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 28/6 năm 2000, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Chỉ thị coi việc xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc là một mục tiêu quan trọng. Ngày 04/5/2001, Thủ Tướng ký quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, lấy ngày 28/6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nhấn mạnh đến vai trò của gia đình cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội xây dựng gia đình văn minh, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gia đình vừa là tổ ấm thiêng liêng của mỗi người, vừa là tế bào của xã hội, là cái nôi giáo dục, lưu truyền các giá trị văn hóa của dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức và biến động khó lường, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vị trí, vai trò của gia đình. Văn kiện Đại hội VIII của Đảng đã chỉ rõ: Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác .... Đại hội XIII của Đảng chủ trương: Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam, …thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Đồng thời, nhấn mạnh nhiệm vụ: Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, đã đánh dấu một bước đột phá lớn, tạo tiền đề cho Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất về an sinh xã hội, từ đó có tác động tích cực tới chất lượng sống của các hộ gia đình. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm (từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015). Giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo, song tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1 - 1,5%/năm (từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,23% năm 2021); thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 2,3 lần so với năm 2015, bằng 3,5 lần so với năm 2010. Nhờ những kết quả khả quan trong thực hiện chính sách xã hội mà chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình ngày càng được cải thiện, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam được nâng lên đáng kể (từ vị trí 128/187 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2011 lên vị trí 117/187 năm 2020) [1].
Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 24-6-2021, của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định, gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Chỉ thị nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045. Ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2238/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, trong đó tiếp tục nhấn mạnh quan điểm gia đình là tế bào của xã hội; nơi duy trì nòi giống; là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Năm 2024, chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam là "Gia đình hạnh phúc, Quốc gia thịnh vượng", nhằm khẳng định ý nghĩa, vai trò của mái ấm gia đình đối với sự phát triển của đất nước, xã hội. Ngày hội Gia đình Việt Nam, 28/6/2024, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công tác gia đình. Tôn vinh giá trị truyền thống nhân văn sâu sắc của gia đình; khuyến khích, động viên các gia đình rèn luyện, học tập góp phần xây dựng gia đình văn hóa, xã hội văn minh. Xây dựng tổ ấm, nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục con trẻ, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó, có thể kể đến triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo, xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam. Triển lãm giới thiệu những câu trích dẫn, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi các gia đình tiêu biểu; nghị quyết và chỉ thị của Đảng về công tác gia đình [2].
Trên cơ sở thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác xây dựng gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác xây dựng gia đình ngày càng được nâng lên. Cùng với việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình ngày càng có nhiều đóng góp cho nền kinh tế. Nhiều hộ gia đình đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Những kết quả đáng ghi nhận của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
Tại tỉnh Tuyên Quang, sự coi trọng nền tảng gia đình của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể và toàn bộ xã hội đã góp phần mang lại kết quả to lớn trong việc xây dựng, phát triển gia đình theo hướng no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bảo đảm trọn vẹn các quyền con người của mỗi thành viên trong gia đình. Mức sống của các gia đình đã tăng lên, đồng thời phúc lợi gia đình được đảm bảo tốt hơn cho tất cả mọi người. Tỷ lệ phụ nữ có vai trò, vị thế độc lập trong gia đình, xã hội luôn đạt mức cao trên cả nước. Vai trò và vị thế của con cái trong gia đình cũng đã tăng lên. Trẻ em được chú trọng phát triển toàn diện hơn. Xã hội cung cấp nhiều điều kiện hơn để chăm sóc cho người cao tuổi. Gia đình đóng vai trò quan trọng, không thể thay thế trong việc đảm bảo phúc lợi cho từng cá nhân.
Mỗi gia đình và toàn xã hội cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc, chủ động phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Để gia đình thật sự là tế bào lành mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1. Ngọc Hải; Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh để thúc đẩy đất nước phát triển bền vững; Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, 14/6/2023.
2. Nguyễn Nhị Ninh; Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024: Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng; Báo điện tử Đảng Cộng sản, 25/6/2024.
Đỗ Hồng Thanh