Sign In

Cần phải quyết tâm cao hơn nữa trong công tác cải cách hành chính

13:52 19/04/2023
Sáng nay 19-4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức phiên họp thứ tư. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự phiên họp tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh; lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ, các sở, ban, ngành tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.

Cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng ta đã xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính (CCHC) là một trong ba đột phá chiến lược, bởi đây là lĩnh vực còn nhiều băn khoăn, trăn trở, tâm tư. Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các đột phá chiến lược theo chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, CCHC.

Ban Chỉ đạo các cấp xác định trách nhiệm của mình, tránh tình trạng đùn đẩy né tránh, sợ trách nhiệm, đẩy mạnh hơn nữa CCHC nói chung, đặc biệt là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số một cách thiết thực hiệu quả trên tinh thần "Đoàn kết kỷ cương - Bản lĩnh linh hoạt - Đổi mới sáng tạo - Kịp thời hiệu quả".

Báo cáo chuyên đề “Cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp” tại phiên họp cho thấy, với nguyên tắc “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”, công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật 17.830 quy định hiện hành, 149 quy định dự kiến ban hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Về chuyển đổi số trong thực hiện TTHC đến nay đã có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả theo đúng quy định, tăng 4 lần so với tháng 9/2022.

Đối với việc phân cấp trong giải quyết TTHC, đơn giản hóa TTHC nội bộ, đến nay đã thực thi phương án phân cấp 81 TTHC tại 15 văn bản QPPL. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã tập trung rà soát, đơn giản hóa đối với 59 nhóm TTHC trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực. Việc đơn giản hóa TTHC nội bộ gắn liền với ứng dụng CNTT, tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, giúp phân định rõ trách nhiệm, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, khơi thông nguồn lực xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Tuyên Quang tăng 20 bậc trong bảng xếp hạng  Chỉ số SIPAS

Phiên họp đã công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS) và Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 (PAR Index).

Kết quả Chỉ số SIPAS 2022, tỉnh Quảng Ninh đứng đầu với điểm chỉ số 87,59%; tỉnh Bình Thuận xếp ở vị trí cuối bảng với điểm chỉ số 72,54%, điểm chỉ số trung bình là 80.08%. Tuyên Quang đạt 81.72 điểm, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố, tăng 20 bậc, giảm 4,55 điểm so với năm 2021.

Về Chỉ số PAR Index 2022, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng với điểm chỉ số 90.10%; Phú Yên là địa phương đứng vị trí cuối bảng với điểm chỉ số 75,99%. Tuyên Quang ở vị trí 32 trên bản xếp hạng với điểm chỉ số 85,34%, tăng 2 bậc, giảm 1,23% điểm so với năm 2021. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu bản xếp hạng Chỉ số PAR Index 2022 đối với các bộ, cơ quan ngang bộ với điểm chỉ số 91,77%.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tham luận, đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong triển khai các nội dung, nhiệm vụ trong kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo và chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới.

Chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ban Chỉ đạo trong công tác CCHC. Qua đó góp phần tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp, nền kinh tế, từ đó đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người dân, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xây dựng môi trường hành chính trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong CCHC, như: TTHC trên nhiều lĩnh vực còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu…; việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC còn chậm; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; thể chế liên quan đến số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu còn thiếu; các hệ thống CNTT chưa đồng bộ, hiệu quả và mức độ sẵn sàng về ứng dụng CNTT giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều...

Về bài học kinh nghiệm, đồng chí nhấn mạnh đến vai trò của người lãnh đạo trong chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong CCHC là hết sức quan trọng, ở đâu người đứng đầu quyết liệt thì ở đó có hiệu quả cao hơn.
Đồng chí nhấn mạnh, các cấp, các ngành, các địa phương cần chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm không dám tham mưu, không dám đề xuất; đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, ban ngành, giữa cơ quan trung ương với địa phương đùn đẩy nhiệm từ địa phương lên các cơ quan trung ương; cần phải khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì dân, vì nước.

Với nhiệm vụ CCHC trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát, ban hành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục không cần thiết tạo đột phá trong công tác cải cách TTHC, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ theo bộ chỉ số CCHC để xác định rõ những điểm mạnh, điểm yếu để xây dụng mục tiêu kế hoạch có giải pháp tháo gỡ vướng mắc để đẩy mạnh CCHC trong thời gian tới. Trong đó cần phải giải pháp đột phá gắn CCHC với chuyển đổi số; kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn trong cải cải cách TTHC; rà soát TTHC chưa phù hợp, chưa sát thực tế với đời sống kinh tế - xã hội để đơn giản, rút ngắn thời gian; tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các dịch vụ hành chính công trực tuyến. Các cấp, các ngành, địa phương cânn phải quyết tâm cao hơn nữa trong công tác CCHC, giải quyết tốt công tác CCHC cũng là góp phần huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển.

Theo Thanh Phúc/baotuyenquang.com.vn

Tag:

File đính kèm