Ảnh minh họa: Tất Thắng
“Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là sự phát triển nhất quán dòng tư tưởng đạo đức học mácxít của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm đã tổng kết lý luận và thực tiễn về đạo đức cách mạng, trong đó sức sống của nó là sự gương mẫu thực hành đạo đức của cán bộ, đảng viên, tạo nên sự vĩ đại của một đảng cách mạng. Thắng lợi của cách mạng được tạo nên bởi sức mạnh của đội ngũ đảng viên, với những phẩm chất đạo đức cao quý, là bản chất và truyền thống của Đảng.
Tác phẩm cũng chỉ rõ thực trạng một số ít cán bộ, đảng viên đạo đức, phẩm chất còn thấp kém do mang nặng chủ nghĩa cá nhân, những người đó “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết…, không lo mình vì mọi người mà chỉ muốn mọi người vì mình”(1) “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”, ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, độc đoán chuyên quyền, xem khinh tập thể, xa rời quần chúng… Hậu quả của chủ nghĩa cá nhân cũng được chỉ ra: “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của Nhân dân.”(2), đó là những biểu hiện xa lạ đối với Người cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Cách thức để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, sửa chữa những hói hư, tật xấu là thông qua việc thực hành tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc; bồi dưỡng tinh thần tập thể, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tôn trọng và lắng nghe ý kiến quần chúng nhân dân…
Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng vẫn là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, trong đó xây dựng Đảng về đạo đức, để Đảng “là đạo đức, là văn minh” trở thành nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: một Đảng ngày hôm qua là vĩ đại thì ngày hôm nay không nhất thiết và mãi mãi như vậy nếu không tiếp tục rèn luyện, không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến sai lầm, thoái hóa, biến chất. Bác từng ví: leo dốc, leo núi thì khó nhưng tụt dốc thì dễ. Rèn luyện đạo đức cũng vậy, chỉ lơ là, buông thả thì tụt xuống vực thẳm là điều khó tránh.
Bài học về đạo đức với những giá trị sâu sắc ấy đến nay vẫn vẹn nguyên tính mới mẻ và thời sự. Tuy nhiên, giai đoạn mới nhiều thách thức mới, những thói xấu của chủ nghĩa cá nhân mà Bác đã cảnh báo hơn 55 năm trước vẫn hiện hữu, có phần tinh vi, phức tạp hơn. Cơ hội chính trị và suy thoái đạo đức vẫn là nguy cơ, có thể xảy đến bất cứ lúc nào, đặc biệt đối với những người không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lười học lý luận. Trước thực trạng đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Quy định là sự kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức trong giai đoạn hiện nay. Ngoài những giá trị đạo đức truyền thống của người cách mạng, Quy định bổ sung những chuẩn mực để phù hợp với điều kiện thực tế, như: kiên quyết, kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân; Chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng; năng lực công tác, làm việc trong môi trường quốc tế; Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực…Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín…
Thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị cũng là quét sạch chủ nghĩa cá nhân để không còn cơ sở sinh ra mọi thói hư tật xấu; đồng thời nâng cao đạo đức cách mạng, rèn luyện các giá trị, chuẩn mực đạo đức trong giai đoạn mới. Rèn luyện đạo đức cách mạng thể hiện từ suy nghĩ đến hành động, việc làm cụ thể, trong điều kiện thực tế, qua cách ứng xử, thái độ của người cách mạng trong cuộc sống, trong công việc và các mối quan hệ.
Cách mạng là sự nghiệp vẻ vang, nhưng đồng thời phải chấp nhận khó khăn, gian khổ. Trong hoàn cảnh nào cũng phải vượt qua những cám dỗ vật chất, chiến thắng chủ nghĩa cá nhân; vững vàng trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác. Để giữ bản lĩnh chính trị vững vàng, không sa ngã, người cách mạng phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, tỉnh táo, tăng “sức đề kháng” để không sa vào chủ nghĩa cá nhân, làm mất danh dự của người cán bộ, đảng viên, làm ảnh hưởng đến tập thể.
Chỉ có nâng cao đạo đức cách mạng mới giúp cán bộ, đảng viên chiến thắng chủ nghĩa cá nhân tiềm ẩn trong mỗi người, có sức mạnh tự vệ để vượt qua những thói hư, tật xấu./.
Nguyễn Nhung
(1)(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, 2021, tập 15, trang 547