Hội thảo "Tuyên Quang - 60 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ (1961-2021) do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì tổ chức
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, sự biết ơn đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, là cội nguồn, là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, qua đó góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền và giáo dục lịch sử Đảng nói chung và lịch sử địa phương nói riêng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 300 ấn phẩm lịch sử, truyền thống đã được biên soạn và phát hành, nhiều cơ quan, đơn vị xây dựng bản thảo, thành lập ban chỉ đạo, ban biên soạn ấn phẩm lịch sử.
Công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử địa phương cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ được các cấp, các ngành, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội quan tâm tuyên truyền, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, tổ chức các cuộc về nguồn, nói chuyện truyền thống, các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm, các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, về quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến, nổi bật là: Lễ kỷ niệm 90 thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/02/1930 - 3/02/2020) và 90 năm thành lập chi bộ Mỏ Than - Chi bộ đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang (20/3/1940 - 20/3/2020); Lễ kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh (4/11/1831 - 4/11/2021) và 30 năm tái lập Tuyên Quang (1991-2021); kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (02/4/1947 - 02/4/2022)… Tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương tổ chức nhiều Hội thảo khoa học để làm rõ vị thế của tỉnh Tuyên Quang trong chiều dài lịch sử dân tộc, như: Hội thảo “Xác định thời điểm thành lập tỉnh Tuyên Quang”;“Khởi nghĩa Thành La trong tiến trình cách mạng Tháng Tám năm 1945”,“Tuyên Quang Thủ đô khu giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám và Cách mạng Tháng Tám với công cuộc đổi mới đất nước”, “Đại hội II của Đảng tại Tuyên Quang Thủ đô kháng chiến”,“Tuyên Quang trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “75 năm Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - Tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại”... Nhiều cuộc thi tìm hiểu về lịch sử phát triển của tỉnh, về Đảng và Bác Hồ đã được các cấp, các ngành triển khai, như: "Tìm hiểu tỉnh Tuyên Quang - 190 năm hình thành và phát triển (1831 - 2021), "Bác Hồ với Tuyên Quang, Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến","Tìm hiểu các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang"...
Ban tuyên giáo các cấp đã tích cực tham mưu cho cấp ủy xây dựng các chuyên mục tư liệu, sự kiện biên tập trong các tài liệu tuyên truyền dưới hình thức infographic đăng tải trên hệ thống trang thông tin điện tử, mạng intenet, mạng xã hội, sử dụng hệ thống truyền thanh không dây... phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Tính từ năm 2018 đến nay, Báo Tuyên Quang đã thực hiện trên 400 bài viết tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, trong đó có trên 100 chuyên đề tuyên truyền về những dấu ấn lịch sử gắn liền với các sự kiện trọng đại của đất nước trên mảnh đất Tuyên Quang, 120 phóng sự, ghi chép về những dấu ấn thay đổi của vùng quê cách mạng; Báo Tuyên Quang điện tử thực hiện trên 50 ký sự, video, phóng sự truyền hình giới thiệu các di tích lịch sử, địa danh lịch sử. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng về đề tài giáo dục truyền thống cách mạng trên sóng phát thanh, truyền hình và Trang Thông tin điện tử tổng hợp, lan truyền đến Nhân dân, đặc biệt Nhân dân trong tỉnh. Các chi bộ, đảng bộ cơ sở tích cực đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương vào các buổi sinh hoạt chi bộ dưới hình thức tổ chức tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt theo chuyên đề… Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tổ chức trên 1.500 Lễ báo công dâng Bác, gần 3.000 chương trình hành trình về nguồn, kết nạp Đảng - Đoàn - Hội - Đội tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình. Thường xuyên thực hiện tốt việc bảo vệ, chăm sóc cảnh quan môi trường và quan tâm bảo quản, sưu tầm, trưng bày bổ sung hiện vật các điểm di tích. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã xây dựng tủ sách pháp luật, phòng truyền thống phục vụ công tác tuyên truyền, giới thiệu về truyền thống của địa phương, cơ quan, đơn vị...
Tổ chức Đoàn, Hội, Đội tích cực thực hiện công tác tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử địa phương trong thanh thiếu nhi với nhiều phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp, như: Tổ chức hội thi sáng tác tạp chí ảnh “Theo dòng lịch sử”, liên hoan các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng theo chủ đề “Giai điệu tổ quốc”, hoạt động “Hành trình về nguồn”, tổ chức các buổi sinh hoạt Đoàn với chủ đề “Tự hào Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh”, tổ chức cuộc thi “Tự hào Tuyên Quang”... Thăm hỏi các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sỹ, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sỹ; tổ chức các cuộc thi trắc nghiệm, tự luận, tìm hiểu trên mạng thông tin điện tử, mạng xã hội... Thông qua các hoạt động tuyên truyền lịch sử giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc về truyền thống cách mạng của Đảng, quê hương, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tin của thế hệ trẻ vào sự lãnh đạo của Đảng.
Hoạt động về nguồn của đoàn viên, đội viên tại các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh
Tại Trường Chính trị tỉnh, Trường Đại học Tân Trào, Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ, trung tâm chính trị các huyện, thành phố đã sử dụng tài liệu “Giảng dạy lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn vào giảng dạy các chương trình lý luận chính trị cho học sinh, sinh viên, học viên. Công tác biên soạn đưa nội dung lịch sử Đảng, lịch sử địa phương tích hợp trong chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử, giáo dục công dân tại các trường phổ thông. Nhiều trường học đã đổi mới công tác giáo dục lịch sử cho học sinh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin qua đó phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, bồi dưỡng được phương pháp tự học, tự rèn luyện, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm hứng thú, say mê trong học tập lịch sử Đảng, lịch sử địa phương.
Những kết quả đạt được trong giáo dục lịch sử địa phương thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao bản lĩnh chính trị, phản bác các quan điểm sai trái và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, công tác giáo dục lịch sử địa phương vẫn còn có những tồn tại, cụ thể: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lịch sử địa phương còn hạn chế; nhiều địa danh lịch sử chưa được giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên ít hiểu biết về văn hóa, lịch sử và truyền thống cách mạng của địa phương; phương pháp giới thiệu về lịch sử, văn hóa địa phương cho các đối tượng tính hấp dẫn chưa cao trong khi môi trường giáo dục đang chịu sự tác động, chi phối của mặt trái cơ chế thị trường, của công nghệ thông tin, mạng xã hội và hội nhập quốc tế; việc huy động các nguồn lực để xây dựng, tôn tạo, bảo vệ, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn còn hạn chế, thiếu đồng bộ.
Cần phải khẳng định công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương hiện nay rất quan trọng, phải được quan tâm thực hiện hiệu quả để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Để làm được điều đó, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể: Cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án số 06-ĐA/TU ngày 31/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương cho thế hệ trẻ, xem đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cả trước mắt và lâu dài. Tích cực thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, nhằm nâng cao hiểu biết cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Tích cực tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống địa phương bằng những việc làm thiết thực, thường xuyên như mỗi lần họp chi bộ và sinh hoạt chuyên đề thì đưa nội dung như kể về tiểu sử nhân vật anh hùng, địa danh lịch sử, một giai đoạn lịch sử cách mạng … để giúp đảng viên hiểu biết sâu sắc thêm lịch sử cụ thể địa phương mình; nâng cao chất lượng công tác giảng dạy lịch sử vào các cấp học, bậc học bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Lồng ghép lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy các cấp học, bậc học bằng các hình thức phù hợp như: nói chuyện chuyên đề, tham quan di tích lịch sử, văn hóa.... để học sinh có hiểu biết về truyền thống lịch sử của quê hương mình, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ học sinh; phát huy có hiệu quả các ấn phẩm, tài liệu lịch sử, đã được xuất bản, các đề cương tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của Đảng, bằng nhiều hình thức truyền tải đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Quan tâm nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tái bản các cuốn sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống, sau xuất bản phát hành đến các cơ quan, đơn vị, thư viện, trường học để tuyên truyền; biên soạn tài liệu, đăng tải bài viết, bài nghiên cứu về lịch sử trên bản tin, cổng thông tin, triển khai qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tuyên truyền thông qua các phong trào thi đua, phát huy tinh thần tự học, tự đọc, tự nghiên cứu tìm hiểu truyền thống lịch sử; thường xuyên tổ chức các Cuộc thi tìm hiểu lịch sử truyền thống, khuyến khích động viên cán bộ, đảng viên, Nhân dân, học sinh tích cực hưởng ứng tham gia.
Trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi cần được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai đồng bộ. Bởi lẽ, truyền thống lịch sử dẫu lâu đời đến mấy, dẫu anh hùng vĩ đại và có sức hấp dẫn lớn đến mấy vẫn có thể bị mai một nếu như không được kế thừa, giữ gìn, phát huy. Bác Hồ dạy rằng: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Muốn làm được điều đó thì công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ là rất cần thiết. Đây là hoạt động góp phần giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, từ đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng giàu mạnh.
Nguyễn Văn Đức