Sign In

Nhân nói về cuộc chiến chống "giặc nội xâm", nghĩ về công tác rèn luyện đội ngũ cán bộ

22:04 13/04/2023
Trong lịch sử, chống “giặc nội xâm” bao giờ cũng là cuộc chiến nhiều khó khăn và thử thách. Thắng được “giặc nội xâm” là thắng “giặc ở trong lòng”, là giữ được danh dự và lòng tự trọng của mỗi người.

Ảnh minh hoạ: Tất Thắng

Nhân nói về cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, nghĩ về công tác rèn luyện đội ngũ cán bộ, lực lượng quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đảng viên.

Hơn 70 năm trước, vụ án Trần Dụ Châu, nguyên đại tá quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu bị xử tử hình là vụ án tham nhũng đầu tiên được đưa ra xét xử. Mặc dù vụ án đã kết thúc, nhưng tính thời sự và nghiêm minh của pháp luật trong phòng, chống tham nhũng vẫn còn nguyên giá trị.

Trước đây, trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm để giành độc lập dân tộc, chúng ta đã phải đồng thời chống “giặc nội xâm”. Ngày nay, trong điều kiện đất nước hòa bình, cuộc chiến chống “giặc nội xâm” diễn ra quyết liệt hơn, đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn dân.

Ngày 15/11/1950, trong phiên họp của Chính phủ, nhân nói đến Vụ án Trần Dụ Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Về vụ án Trần Dụ Châu, chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm, chúng ta không có chính sách cán bộ đúng. Chúng ta sinh trưởng trong một xã hội lạc hậu, nhiễm thực dân phong kiến, xã hội cũ hám danh hám lợi, danh lợi dễ làm hư người… Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách cải tạo cán bộ, đó là khuyết điểm… Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra việc đáng tiếc…chúng ta hay nể nả. Mình chỉ biết mình thanh liêm là đủ. Quan niệm “thanh cao tự thủ” là không đủ… Phải mở cửa khuyến khích lãnh đạo tự phê bình và phê bình”(1)

Những lời dạy của Bác đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Dùng cán bộ phải tìm người có đủ đức, tài, trong đó chú trọng người có đạo đức, đồng thời phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, xứng đáng là cán bộ cách mạng.

Từ vụ án Trần Dụ Châu, chúng ta rút ra nhiều bài học: Người cán bộ cách mạng phải gương mẫu rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, không tơ hào của công, không tham lam, tránh những thói hư tật xấu do ảnh hưởng từ xã hội cũ, đặc biệt là chủ nghĩa cá nhân “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Trong công tác cán bộ việc tự phê bình và phê bình phải diễn ra hàng ngày, thực hiện thường xuyên, như rửa mặt mỗi ngày, để mỗi người tự thấy được thói hư tật xấu của chính mình và của đồng chí mình để cùng tiến bộ. Hơn nữa, mỗi người không chỉ tự mình “thanh liêm” mà còn giúp người khác “thanh liêm” để không tham lam, hám danh lợi như Bác từng chỉ dẫn.

Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đội ngũ đảng viên đã nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, lãnh đạo Nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, giành độc lập tự do cho dân tộc, mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Đặc biệt, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Có được kết quả đó trước hết là do sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, trong đó có vai trò to lớn của đội ngũ đảng viên. Tuy nhiên, trong bức tranh tươi sáng đó, có những gam màu tối với hơn 86 nghìn đảng viên bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng ở các mức độ khác nhau, trong đó có cả những đồng chí giữ cương vị cao đã và đang được ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Nhiệm kỳ Đại hội XIII mới được hơn 2 năm đã có tới 7 ủy viên Trung ương đương nhiệm bị xem xét thi hành kỷ luật, có đồng chí còn bị truy tố. Nhiều đồng chí từng giữ vị trí quan trọng trong Đảng, có nhiều cống hiến cho đất nước. Nhắc lại câu chuyện ấy để thấy rằng cán bộ, đảng viên dù cống hiến nhiều bao nhiêu đi nữa, giữ chức vụ cao thế nào đi nữa nhưng không giữ được mình trước cám dỗ thì sớm muộn cũng thoái hóa, biến chất, không những bản thân suy thoái, làm ảnh hưởng gia đình, dòng họ mà còn ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Hiện nay, chúng ta đang triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mỗi người cần nắm chắc tinh thần của Tổng Bí thư và hiểu rõ: Tham nhũng, tiêu cực là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”. Tham nhũng là một trong những nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, uy hiếp sự tồn vong của chế độ, làm mất niềm tin của Nhân dân với Đảng. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, không vùng cấm, không ngoại lệ, là “một việc làm tất yếu, xu thế không thể đảo ngược” đồng thời là một việc hết sức khó khăn, phức tạp, cần thực hiện đồng bộ, kết hợp tích cực phòng ngừa và chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh. Nội dung tác phẩm cũng đã chỉ ra các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, trong đó đề ra yêu cầu quan trọng là: cần xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, liêm khiết, cán bộ đảng viên cần rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa. Thông điệp rút ra là: “vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực”(2).

Nguyễn Nhung

  1. Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử, NXBCTQG Sự thật, Hà Nội, 2016, tập 4, tr 392
  2. Hướng dẫn số 97-HD/BTGTW ngày 08/3/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương

Tag:

File đính kèm