Sign In

Hướng tới một Đồng bằng sông Cửu Long bền vững hơn

10:08 19/07/2024
(Vinhlong.gov.vn) - Ngày 17/7/2024, tại Phân hiệu Vĩnh Long, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) cùng các trường đại học uy tín đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Italy, Australia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản… đồng tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề For a More Sustainable Mekong Delta - Hướng tới một Đồng bằng sông Cửu Long bền vững hơn. Đến dự Hội thảo có ông Lữ Quang Ngời – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo, quản lý, các học giả và chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực quản lý, công nghệ, thiết kế, đổi mới sáng tạo nhằm cùng nhau tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Sự kiện này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững, mà còn truyền cảm hứng và khuyến khích các bên liên quan hành động vì một tương lai tươi sáng hơn cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo nhấn mạnh vai trò của công nghệ tiên tiến, phương pháp thiết kế đổi mới và phân tích dữ liệu toàn diện trong việc tạo ra các giải pháp phù hợp với các nguyên tắc về trách nhiệm môi trường, xã hội, và kinh tế hướng tới hành động bền vững và chất lượng cuộc sống tốt hơn cho con người.

Phiên hội thảo đặc biệt tại Phân hiệu Vĩnh Long vào ngày 17/7/2024 sẽ tập trung vào chủ đề "For a More Sustainable Mekong Delta". Đây là một chủ đề có ý nghĩa sâu sắc, nhấn mạnh vào việc tìm kiếm các giải pháp và quan hệ đối tác toàn cầu để thúc đẩy mục tiêu "Vì một Đồng bằng sông Cửu Long bền vững hơn" trong bối cảnh thách thức từ bão lũ, triều cường, hạn hán, xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông...

Phần tham luận của các Sở, Ngành địa phương chia sẻ về: Chuyển đổi số để phát triển bền vững; Vai trò của Công nghệ AI trong giáo dục bền vững; Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Phần tham luận của các chuyên gia, học giả nước ngoài tại Hội thảo tập trung vào các chủ đề: Chuyển đổi sinh thái-xã hội cho Đồng bằng sông Cửu Long; Các giải pháp dựa vào thiên nhiên cho thành phố ven biển bền vững; Gieo hạt giống cho hệ thống thực phẩm bền vững; Nghiên cứu mạng lập trình trong nông nghiệp và Năng lượng bền vững.

Hội thảo còn bao gồm các phiên thảo luận đặc biệt với các chủ đề: Sustainable Energy (Năng Lượng Bền Vững), Innovation Ecosystem in Mekong Delta (Hệ Sinh Thái Đổi Mới ở Đồng Bằng Sông Cửu Long).

Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo

Bên cạnh những phiên tham luận và phiên thảo luận đặc biệt, Hội thảo còn tổ chức các phiên thảo luận song song, nơi các nhà nghiên cứu và chuyên gia từ trong và ngoài nước trình bày những nghiên cứu mới nhất trong các lĩnh vực công nghệ và thiết kế. Những phiên thảo luận song song này không chỉ giúp người tham dự mở rộng kiến thức chuyên môn mà còn có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm thực tế, gặp gỡ, hợp tác và xây dựng mối quan hệ với những chuyên gia có cùng đam mê và quan tâm, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực của mình.

Ngoài các phiên thảo luận chính còn có chương trình tham quan thực địa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình này được thiết kế nhằm mang đến cho các chuyên gia, diễn giả, giảng viên, sinh viên và người tham dự cơ hội để trực tiếp quan sát và trải nghiệm thực tiễn tại một trong những khu vực trọng điểm của Việt Nam. Chuyến tham quan này không chỉ giúp hiểu rõ hơn về những thách thức và cơ hội trong phát triển bền vững mà còn tạo điều kiện cho các hoạt động giao lưu và kết nối với cộng đồng địa phương.

Ảnh: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời phát biểu tại Hội thảo khoa học

Phát biểu tại Hội thảo khoa học, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời cho biết Đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm 12% diện tích, 19% dân số của cả nước, có mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch dày đặc; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông MeKong. Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; đóng góp 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Những năm qua, nhất là sau 02 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng có nhiều kết quả khả quan. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Vùng là 6,37%, cao thứ 2/6 vùng của cả nước; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần so với năm 2020, đạt 72,3 triệu đồng/người/năm.

Một số công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cầu Mỹ Thuận 2, … Nhiều công trình, dự án quan trọng về lĩnh vực giao thông, thủy lợi, năng lượng, du lịch, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, … đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư; công tác an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được nâng cao.

Tuy vậy, ĐBSCL cũng phải đối mặt với không ít những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, như: Kinh tế của Vùng tuy tăng trưởng khá nhưng còn thực sự chưa bền vững, khả năng cạnh tranh và tiêu thụ nhiều loại nông sản chưa cao; hoạt động liên kết vùng chưa hiệu quả; tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị để tìm kiếm cơ hội việc làm đã làm giảm lực lượng lao động tại chỗ, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng nông thôn. Bên cạnh đó, ĐBSCL hiện đang đối diện với nhiều thách thức lớn, trong đó có sự xuất hiện các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong cùng việc biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ tác động rất nhiều đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Ngày 31/12/2023, tỉnh Vĩnh Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quan điểm, mục tiêu của quy hoạch là khai thác hiệu quả lợi thế địa kinh tế, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ và đô thị gắn với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cũng đưa ra nhiều giải pháp cho hướng phát triển của tỉnh

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long trân trọng những đóng góp, nỗ lực của Đại học Kinh tế TP.HCM, nhất là trong gần 5 năm thành lập Phân hiệu Đại học Kinh tế TP.HCM trong tổ chức các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, kết nối cộng đồng, lan tỏa tri thức, đóng góp cho sự phát triển bền vững của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Ảnh: Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời hy vọng rằng, những chia sẻ của quý diễn giả đến từ các nước, sự trao đổi của các nhà khoa học tại Hội thảo khoa học sẽ mang lại các giải pháp có tính ứng dụng cao, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp cho khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng sớm đạt được những mục tiêu đề ra cho sự phát triển bền vững của tỉnh, của vùng.

Ngọc Hân

Tag:

File đính kèm