Sign In

Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ

00:00 21/05/2024

Sáng 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Dự thảo Luật Đường bộ được trình tại Kỳ họp thứ 7 lần này có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo mà Chính phủ trình trước đó. Dự thảo Luật đã được tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội. Nếu được thông qua, Luật Đường bộ sẽ có hiệu lực từ ngày 01-10-2024.

 
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng cần điều chỉnh
nội dung về quy hoạch mạng lưới đường bộ

Tham gia thảo luận tại hội trường về nội dung này, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ nhất trí với các nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ; đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo đã hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật này.

Đại biểu Tiến đặc biệt quan tâm đến nội dung về quy hoạch mạng lưới đường bộ và cho rằng, dự thảo Luật đang quy định quy hoạch mạng lưới đường bộ là quy hoạch ngành quốc gia, xác định phương hướng phát triển, tổ chức không gian hệ thống quốc lộ làm cơ sở để định hướng lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển mạng lưới đường bộ. Quy định như vậy là chưa chính xác, cần chỉnh sửa lại theo hướng quy hoạch hệ thống quốc lộ là quy hoạch ngành quốc gia, xác định phương hướng phát triển, tổ chức không gian hệ thống quốc lộ làm cơ sở để định hướng lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển mạng lưới đường bộ.

Đại biểu Tiến cũng cho biết, hiện dự thảo Luật đang quy định Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch “mạng lưới đường bộ” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, tại điểm a, khoản 2 Điều 30 về kết nối giao thông đường bộ quy định: Kết nối các hệ thống đường bộ, các tuyến đường bộ với nhau tạo thành mạng lưới đường bộ. Theo đại biểu, quy định như vậy thì mạng lưới đường bộ sẽ bao gồm tất cả các hệ thống đường bộ đều do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là không phù hợp.

Bên cạnh đó, đại biểu Tiến cho rằng, dự thảo Luật còn quy định thời kỳ quy hoạch mạng lưới đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm; thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm. Quy định như vậy chưa chính xác, vì thời điểm quy hoạch mạng lưới đường bộ và thời điểm quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ không trùng nhau thì sẽ lệch pha nhau và chỉ đúng khi thời điểm quy hoạch trùng nhau. Theo đại biểu, quy định này nên chỉnh sửa lại theo hướng thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ phù hợp với thời kỳ quy hoạch mạng lưới đường bộ.

Đại biểu Tiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa tên một số điều; làm rõ một số khái niệm; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai lĩnh vực đường bộ; quy định cụ thể chi phí quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ đối với các tuyến đường bộ được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho địa phương làm đại diện chủ đầu tư nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn.

 
Bích Phượng

Tag:

File đính kèm