Sign In

Thực hiện Quy chế dân chủ, gắn kết chính quyền với nhân dân

13:50 22/03/2023
Thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tác động tích cực đến xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Những năm qua, việc thực hiện QCDC ở cơ sở luôn được các xã, phường, thị trấn trong tỉnh triển khai nghiêm túc, phát huy quyền làm chủ, sức mạnh của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó, góp phần tạo sự đồng thuận, động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN ở địa phương.


Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vân Trục (Lập Thạch) Ngô Minh Hoàn (áo đen) cùng cán bộ thôn Vân Nam khảo sát việc xây dựng mô hình trồng cây dược liệu trong xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu".

Hằng năm, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC từ tỉnh đến cơ sở đều xây dựng chương trình hành động, triển khai QCDC tới từng loại hình cơ sở. Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn bám sát và thực hiện nghiêm các quy định về QCDC; thường xuyên coi trọng, gắn việc thực hiện QCDC với công tác xây dựng Đảng, chính quyền, nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động của các cấp, ngành phát động.

Các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND cấp xã có liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân; các phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm, các phương án đền bù, hỗ trợ GPMB… đều được cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn thực hiện công khai, minh bạch tại trụ sở UBND cấp xã và các điểm sinh hoạt cộng đồng ở từng khu dân cư.

Đồng thời, được chính quyền thông báo công khai tại các buổi họp dân, hệ thống truyền thanh, cán bộ thôn, tổ dân phố tuyên truyền trực tiếp để người dân nắm bắt, tìm hiểu. Từ đó, người dân tham gia thảo luận, bàn bạc, quyết định trực tiếp trong việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi; xây dựng hương ước, quy ước làng văn hóa, các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư, bình xét gia đình văn hóa…

Nhằm tạo sự gắn kết, đồng thuận của nhân dân, chính quyền cấp xã đều tổ chức các hội nghị để lấy ý kiến tham gia của người dân trước khi đưa ra quyết định thực hiện như việc xây dựng nghị quyết HĐND, kế hoạch phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu; xây dựng thí điểm mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”…

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vân Trục (Lập Thạch) Ngô Minh Hoàn cho biết: Tất cả các công việc liên quan đến quyền, nghĩa vụ của nhân dân đều được địa phương công khai, đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến của nhân dân.

Nhất là sau khi có quyết định về thực hiện thí điểm xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” ở thôn Vân Nam. Địa phương tổ chức họp mở rộng lấy ý kiến của nhân dân. Tại các hội nghị họp thôn, người dân trực tiếp được tham gia thảo luận, bàn bạc trên tinh thần công khai, minh bạch từ khâu triển khai, đến thực hiện các bước đều có sự tham gia, giám sát của nhân dân.

Công tác cải cách thủ tục hành chính được các xã, phường, thị trấn triển khai tích cực theo cơ chế “một cửa”, "một cửa liên thông". Tại UBND cấp xã đều thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại trụ sở.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm quản lý văn hóa và thư điện tử công vụ trong quản lý, điều hành và trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính. Năm 2022, tại UBND cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận trên 316 nghìn hồ sơ, trong đó, giải quyết trước và đúng hạn trên 310 nghìn hồ sơ, đạt tỷ lệ trên 98,6%.

Thực hiện đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn gắn với Quy định số 11 của Bộ Chính trị quy định về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã duy trì nền nếp việc tiếp dân ít nhất 2 ngày trong 1 tháng và sẵn sàng tiếp công dân đột xuất. Năm 2022, 9/9 huyện, thành phố và 100% các xã, phường, thị trấn tổ chức hội thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân.

Nhằm phát huy quyền làm chủ cũng như vai trò chủ động, tích cực của nhân dân trong tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, các xã, phường, thị trấn đã chỉ đạo, kiện toàn, phát huy vai trò của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng.

Từ năm 2022 đến nay, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng tổ chức hơn 500 cuộc giám sát thực hiện hương ước, quy ước và triển khai các nhiệm vụ ở địa phương. Thông qua hoạt động giám sát đã phát hiện, kiến nghị nhiều vụ việc chính đáng gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đề nghị nâng cấp nhiều công trình không đảm bảo chất lượng ngay trong quá trình thi công.

Từ đó, không chỉ góp phần ngăn chặn, hạn chế các vi phạm, hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của hệ thống chính quyền ngay từ cơ sở.

Việc thực hiện hiệu quả QCDC ở các xã, phường, thị trấn, tính công khai, dân chủ ngày càng được thể hiện rõ, tạo niềm tin, sự gắn kết giữa chính quyền với nhân dân, tạo động lực thúc đẩy KT - XH của tỉnh ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Thanh Tuyền


Tag:

File đính kèm