Ông Sầm Văn Lợi (đứng), người có uy tín trong đồng bào dân tộc Cao Lan ở thôn Xóm Mới, xã Quang Yên (Sông Lô) tích cực truyền dạy chữ viết Cao Lan cho thế hệ trẻ. Ảnh: Dương Hà
Hiện nay, toàn tỉnh có 69 người có uy tín trong đồng bào DTTS và miền núi thuộc 14 xã của các huyện: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên. Người có uy tín trên địa bàn tỉnh đại diện cho 3 DTTS có thành phần đông nhất trong các DTTS của tỉnh, trong đó, dân tộc Dao có 1 người, dân tộc Cao Lan có 3 người và dân tộc Sán Dìu có 65 người. Đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh gồm nhiều thành phần khác nhau như cán bộ nghỉ hưu, thầy cúng, già làng, trưởng thôn, người có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh…
Những năm qua, bằng uy tín, kinh nghiệm của mình, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò của mình trong xây dựng Đảng, chính quyền và có nhiều đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Các chính sách đối với người có uy tín được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, từ đó, động viên tinh thần người có uy tín trong tuyên truyền, vận động nhân dân, giữ ổn định an ninh trật tự ở khu dân cư.
Thực hiện Quyết định số 12 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, hằng năm, người có uy tín trên địa bàn tỉnh được cung cấp thông tin thường xuyên qua nhiều hình thức.
Trong đó, nổi bật là tổ chức hội nghị gặp mặt; cấp phát Báo Vĩnh Phúc, Báo Dân tộc và phát triển; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, từ đó, giúp trang bị, cập nhật những thông tin, kiến thức, nội dung mới, phù hợp để người có uy tín làm tốt công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân tại cơ sở.
Năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 2 đoàn đại biểu người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế tại các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh. Qua đó, giúp người có uy tín được học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác và đời sống, nhất là những cách làm hay, mô hình điểm về phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống… để họ vận dụng linh hoạt tại địa phương.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín bị ốm đau, gia đình người có uy tín có việc hiếu, hỷ. Đồng thời, quan tâm thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các DTTS.
Nhờ sự quan tâm, động viên của các cấp, các ngành, địa phương, đội ngũ người có uy tín đã phát huy tốt vai trò là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các DTTS trên địa bàn.
Đồng thời, họ còn đóng góp vai trò quan trọng trong hoạt động giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của dân tộc mình; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục truyền thống.
Từ đó, nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo của vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 chỉ còn hơn 1,3%; thu nhập bình quân đầu người của vùng DTTS và miền núi đạt trên 51 triệu đồng/người/năm.
Thực hiện Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc đã hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức rà soát, bình chọn, đề nghị xét công nhận người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Qua rà soát sơ bộ, năm 2024, toàn tỉnh có 130 thôn được lựa chọn, bầu và công nhận người có uy tín, tăng 60 thôn so với giai đoạn trước. Bên cạnh đó, nhiều định mức hỗ trợ cho người có uy tín đã được tăng lên, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Qua đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người có uy tín, kịp thời động viên, khuyến khích về tinh thần, giúp họ có thêm động lực tiếp tục phát huy vai trò, vị trí, nhiệm vụ của mình trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mọi lĩnh vực.
Bình Duyên