Không ai sinh ra là để làm nghề Tuyên giáo. Không có trường lớp nào dạy tất cả kiến thức để có thể khi ra trường làm được tất cả các công việc của ngành tuyên giáo. Muốn làm công tác tuyên giáo một cách thuyết phục và hiệu quả trước hết cần phải học và tự học.
Học ở mọi nơi, học ở mọi người
Học là tiếp nhận kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý kinh tế, quản lý nhà nước để nâng cao sự hiểu biết cuộc sống, xã hội. Học và tự học là để tiếp nhận, thu nạp kiến thức giúp chúng ta tự hoàn thiện để có điều kiện làm tốt công tác của mình. Làm công tác tuyên giáo, yêu cầu phải học và tự học thường xuyên, học và tự học suốt đời. Phải học ở mọi nơi, học ở mọi người, học ở mọi lúc. Đọc một trang sách, xem một tờ báo, xem kênh truyền hình, vào mạng đọc một tin trên trang báo điện tử với người làm công tác tuyên giáo, đó là học. Điều quan trọng nhất của đọc là: “Đọc sách phải thông tường nghĩa sách”. Đọc phải hiểu phải tiếp nhận ở mỗi trang đọc có thể giúp chúng ta nhận biết thêm những điều gì mới mẻ, những thông tin cần thiết hữu ích phục vụ cho hoạt động công tác của mình.
Dự hội nghị là học. Trao đổi thảo luận là học, đi tham quan thực tế là học, trong lúc trò chuyện, giao lưu với mọi người cũng là học. Người xưa có câu: “Tam nhân đồng hành, tất ngã sư yên” có nghĩa là có ba người cùng đi trên đường, tất có người là thầy của ta.
Nói là làm
Nghề Tuyên giáo là một nghề lao động trí óc tổng hợp, nghề lao động sử dụng ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết. Nói và viết, chữ hán đều gọi là viết. Viết cũng có nghĩa là nói. Nói của người làm công tác tuyên giáo là để chuyển tải chủ nghĩa Mác-Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân. Nói là để chuyển tải những tư tưởng tình cảm nguyện vọng của nhân dân với Đảng và Nhà nước để từ đó Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối chính sách phù hợp với quy luật, với thực tiễn, với ước vọng lớn lao của nhân dân. Nói là để tạo sự đồng thuận, tạo khối đoàn kết nhất trí, tạo niềm phấn khởi, tạo hành động tích cực đối với người đọc, người nghe góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Khi nói yêu cầu phải xác định đối tượng: nói cho ai nghe, phạm vi kiến thức sử dụng: nói những gì, phương tiện kỹ thuật nghệ thuật nói và điều quan trọng nhất là xác định múc đích nói, nói để làm gì. Nói để có lợi cho Đảng, cho dân thì cần phải nói. Nói những điều có hại cho Đảng, cho dân thì tuyệt đối không nói.
Khi nói cần lưu ý: bài nói phải có bố cục chặt chẽ, lời nói phải được diễn đạt một cách tự nhiên, khúc triết, rõ ràng, âm thanh phải tròn vành rõ tiếng, dễ nghe dễ hiểu, bài nói yêu cầu ngắn gọn súc tích, có trọng tâm, trọng điểm, có tính giáo dục, có sức hấp dẫn, có tính thuyết phục. Tránh tình trạng nói không ai nghe, không biết đang nói gì, không biết nói để làm gì, dài dòng văn tự, quanh quanh quẩn quẩn, vòng vo tam quốc, không vào trọng tâm, lạc đề, rời rạc, làm người nghe ngao ngán, dẫn đến tình trạng vô bổ mất thời gian.
Để bài nói có sức thuyết phục, có hiệu quả cần chú ý:
Tính nhận thức của bài nói. Bài nói nhằm giúp người nghe hiểu biết, hiểu rõ thêm vấn đề gì? những điều nói ra phải có nội dung thông tin mới. Nếu người nghe, người đọc chưa được nghe, được đọc bài nói của chúng ta, họ sẽ hiểu vấn đề chưa thấu đáo, chưa đầy đủ, chưa hệ thống có khi không hiểu hoặc hiểu chưa đúng.
Bài nói phải có tính giáo dục. Bài nói phải giúp người đọc, người nghe, người xem tỏ rõ nồng độ tình cảm, từ đó, biết yêu thương, biết cảm nhận, trân trọng những điều tốt đẹp, biết lên án, chê trách, đấu tranh với những gì sai trái mà bài nói đã chỉ ra.
Bài nói phải giúp người đọc, người xem, người nghe tâm phục, khẩu phục, có sức lối cuốn người nghe. Nhìn người nghe chăm chú, đồng tình, biểu lộ tình cảm, chúng ta thấy rõ điều đó.
Nói có sức mạnh truyền cảm mạnh mẽ giúp người đọc, người nghe cảm nhận và hành động đúng. Người làm công tác Tuyên giáo nói chính là làm.
Sống gương mẫu, trách nhiệm
Người làm công tác Tuyên giáo, mọi lời nói của chúng ta sẽ có ý nghĩa nếu chúng ta sống đúng mực gương mẫu và trách nhiệm với mọi người. Sống đúng mực gương mẫu không phải chỉ với mỗi người trong gia đình mà cần phải đúng mực gương mẫu trách nhiệm với mỗi người trong làng xóm, tổ dân phố, nơi dân cư mà chúng ta chung sống, gương mẫu trách nhiệm với cán bộ công chức trong cơ quan, đúng mực gương mẫu trách nhiệm với bạn bè, với cộng đồng xã hội, đặc biệt là với người nghe, người đọc, người xem bài nói của chúng ta. Nếu người nói sống không đúng mực, thiếu gương mẫu, có nhiều khuyết tật thì người xưa đã nói “Há miệng mắc quai”, nói không dám nói rõ, nói không dám nói hết, nói không dám nói chính xác. Nếu nói, sẽ chạm vào mình. Nếu người nói, tư cách trái ngược với lời nói thì đúng là nói một đằng, làm một nẻo, nói không đi đôi với làm, không những bài nói không có tác dụng mà trở nên phản tác dụng.
Niềm vui của người làm công tác Tuyên giáo
Với người làm công tác Tuyên giáo, niềm vui lớn nhất là bài nói, bài viết của mình được người đọc, người nghe đón nhận, hoan nghênh, cảm phục. Niềm vui gắn liền với nhiệm vụ được phân công khi nhiệm vụ thực hiện được hoàn thành xuất sắc. Điều quan trọng nhất của người làm công tác Tuyên giáo là giúp được người đọc, người nghe ghi nhớ và cùng làm theo những điều tốt đẹp mà chúng ta đã nêu ra, tránh những điều không nên làm. Làm được như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc vì chúng ta đã góp được phần nhỏ bé của mình để tạo sự đồng thuận, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.
Nguyễn Đức Tẩm
(Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)