Sign In

55 năm - Vĩnh Phúc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

09:26 15/10/2024
55 năm trôi qua nhưng bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta vẫn mãi là văn kiện lịch sử vô giá kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Cùng với thành tựu chung của đất nước, sau 55 năm thực hiện Di chúc của Người, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các mặt trong từng giai đoạn lịch sử.

Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập ngày 12/2/1950 trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Đến ngày 26/01/1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Trong 29 năm hợp nhất, Nhân dân hai tỉnh đã kề vai sát cánh, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương, đất nước, tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, làm nên một Vĩnh Phú anh hùng.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho kháng chiến. Phát huy truyền thống “Tay cày tay súng, tay búa tay súng”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, đêm ngày 17/10/1972, dân quân du kích xã Tiền Châu (Mê Linh) đã bắn rơi 1 máy bay Mỹ F111, là chiếc máy bay thứ 4.000 bị bắn rơi trên miền Bắc; cùng với việc bắn rơi 2 “Pháo đài bay B52” cuối tháng 2/1972 đã góp phần làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” vĩ đại chưa từng có trong lịch sử, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô nhất, tàn bạo nhất của đế quốc Mỹ.

Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và “Vì miền Nam ruột thịt”, Nhân dân Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chi viện to lớn sức người, sức của cho tiền tuyến.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Phúc đã lần lượt tiễn đưa hơn 116.500 thanh niên nam, nữ lên đường tham gia quân đội; huy động trên 3.850 thanh niên vào lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Trong số những người ra đi chiến đấu trên khắp các chiến trường Nam - Bắc và nước bạn, có hàng nghìn chiến sỹ là những người con của Vĩnh Phúc đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, làm rạng rỡ truyền thống của quê hương; nhiều người để lại một phần xương máu nơi chiến trường, mang trên mình thương tật suốt đời.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Vĩnh Phúc cùng nhân dân cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trong những năm 1976 - 1996, mặc dù đất nước phải trải qua muôn vàn khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết một lòng vượt qua thử thách, giành được những thành tựu rất quan trọng. Ghi nhận những kết quả đạt được, năm 1985 nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám, Hội đồng Nhà nước tặng Nhân dân các dân tộc, cán bộ chiến sỹ tỉnh Vĩnh Phú (trong đó có Vĩnh Phúc) Huân chương Sao vàng.

Ngày 01/01/1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và chính thức đi vào hoạt động. Khi mới tái lập, Vĩnh Phúc là một tỉnh nghèo, đời sống của Nhân dân gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 100 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người bằng 48% mức bình quân chung cả nước. Trải qua 27 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tự hào.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, bình quân giai đoạn 1997-2021 tăng 13,42%/năm, có năm tăng trên 20%; năm 2022 tăng 9,54% và 17/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra; năm 2023 có 13/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu; 9 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng đạt 7,95% so cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 130,5 triệu đồng/người.

Thu ngân sách nhà nước đạt cao, luôn vượt mục tiêu đề ra, với nhiều dấu mốc quan trọng và nằm trong TOP các tỉnh có số thu ngân sách cao nhất cả nước. Năm 1997 mới chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng, đến năm 2002 vượt mốc 1.000 tỷ đồng, từ năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và có đóng góp vào ngân sách Trung ương; năm 2009 vượt mốc 10.000 tỷ đồng, năm 2014 vượt mốc 20.000 tỷ đồng và đến năm 2016 vượt mốc 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2019 đạt trên 35.000 tỷ đồng, là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước; năm 2020 và năm 2021 mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt trên 32.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, gấp 282 lần so với số thu ngân sách của năm 1997; năm 2022 thu ngân sách đạt trên 35.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng khá cao, giữ vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

Thu hút đầu tư Vĩnh Phúc đã trở thành “điểm sáng” của cả nước. Ngay từ khi tái lập, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển. Từ đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư. Thời điểm tái lập năm 1997, tỉnh có 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước thì đến tháng 9 năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã có 473 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và 841 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 142,5 nghìn tỷ đồng. Từ chỗ không có khu công nghiệp, đến nay tỉnh đã có 19 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó 14 khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã có 08 khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Diện mạo nông thôn Vĩnh Phúc đổi thay toàn diện, chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 04/09 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 100% số xã đạt chuẩn NTM; 34 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 02 xã được công nhận NTM kiểu mẫu, 190 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, 13 thôn đạt chuẩn NTM thông minh.

Quy hoạch và phát triển đô thị được quan tâm đầu tư và đạt kết quả quan trọng, nhất là hệ thống hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều dự án lớn, trọng điểm tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng, một số dự án đã đưa vào sử dụng đáp ứng yêu cầu phát triển và hưởng thụ của Nhân dân như: Văn Miếu tỉnh, Khu Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên, Nhà hát tỉnh, Công viên Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà điều trị nội trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, Cầu Vĩnh Thịnh, Cầu Phú Hậu, Cầu Vĩnh Phú, Cầu Đầm Vạc, Cầu vượt đường sắt, đường song song đường sắt, các khu công viên cây xanh, giải trí và các khu du lịch.

Trong phát triển kinh tế, phát huy tinh thần đổi mới, năng động và sáng tạo, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách đột phá để phát triển, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trong nông nghiệp phải kể đến Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 27/12/2006 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020. Đây được coi là Nghị quyết của “ý Đảng – lòng Dân”, là một trong những cơ sở thực tiễn quan trọng để năm 2008 Trung ương ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là tiền đề để cả nước và tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao.

Phát triển văn hóa, con người đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di tích, di sản được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đạt được nhiều kết quả rõ nét. Thể thao quần chúng phát triển mạnh, thể thao thành tích cao có những bước tiến mới. Giáo dục - đào tạo đạt nhiều kết quả nổi bật, được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được đặc biệt quan tâm. Công tác bảo đảm chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, nhất là giải quyết việc làm, giảm nghèo được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác xây dựng chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên được đổi mới và đi vào thực chất. Công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao được tăng cường. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Trong chặng đường phía trước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định những mục tiêu và định hướng quan trọng của tỉnh cho từng giai đoạn và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã đề ra mục tiêu: Xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của Thành phố trực thuộc Trung ương; kinh tế phát triển toàn diện, bền vững.

Để đạt được những mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVII đề ra, phát huy những thành tựu đạt được trong 55 năm thực Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tin tưởng chắc chắn rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm tỉnh năm 1963, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Nguyễn Đình Bảng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh

Tag:

File đính kèm