Sign In

Trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động cơ quan dân cử

18:37 17/03/2023
Chiều 17/3, tại Hà Nội, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội và Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động cơ quan dân cử.

Dự hội nghị về phía tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Nguyên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Mạnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố; Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố; Phạm Qúy Tiên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội nghị.

Cùng dự hội nghị còn có lãnh đạo các Ban, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc; đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc có mối quan hệ gắn bó mật thiết. Đây là dịp, là cơ hội quý báu để thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc cùng nhau học tập, trao đổi, chia sẻ về những kết quả đạt được, đặc biệt là những mô hình, cách làm mới hiệu quả; những kinh nghiệm trong hoạt động HĐND các cấp nói chung và công tác xây dựng và ban hành một số Nghị quyết có chính sách đặc thù nói riêng.

Tại hội nghị, HĐND TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc đã trao đổi về việc ban hành chính sách đặc thù cho ngành y tế, chính sách cho nhân viên y tế tổ dân phố, chính sách hỗ trợ tham gia BHYT- BHXH, các chính sách phát triển y tế ngoài công lập.

Bên cạnh đó, trao đổi về ban hành các chính sách đặc thù cho ngành giáo dục (chính sách cho giáo viên, học sinh và các hoạt động giáo dục) trong hệ thống giáo dục công lập; các chính sách để phát triển giáo dục ngoài công lập; chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể- hợp tác xã; chính sách hỗ trợ các dự án đầu tư nước sạch tập trung, hỗ trợ giá nước sinh hoạt; chính sách hỗ trợ cụm công nghiệp; phương pháp, cách thức xây dựng giá dịch vụ thủy lợi; chính sách và giải pháp thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; chính sách về việc xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Đặc biệt, các ban HĐND thành phố Hà Nội cũng trao đổi với HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành các chính sách theo điều, khoản, điểm được giao kết hợp với chính sách đặc thù trong cùng 1 nghị quyết như thế nào? Các giải pháp và chính sách mà Hà Nội đã triển khai hiệu quả...

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Thông tin về công tác tổ chức, hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đầu nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND thành phố có 95 đại biểu, đến nay số đại biểu HĐND thành phố là 94 đại biểu. HĐND thành phố có 4 ban, mỗi ban gồm 15 thành viên, trong đó có 4 đại biểu chuyên trách.

Đặc biệt, trong năm 2022, Đảng đoàn HĐND thành phố Hà Nội đã trình Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội ban hành Đề án số 15 ngày 12-5-2022 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội” với 5 quan điểm chỉ đạo, 2 mục tiêu, 7 nhóm chỉ tiêu và 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Đây là nội dung rất quan trọng, là cơ sở chính trị, động lực để HĐND các cấp của thành phố Hà Nội hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ hơn. Đến nay, qua theo dõi, cơ bản các cấp ủy Đảng, Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã đều đã ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện. Hoạt động của HĐND các cấp đã có chuyển biến rõ nét. Một số nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án đã bước đầu đạt được kết quả tích cực, khẳng định vai trò quan trọng của cấp uỷ trong hoạt động của HĐND các cấp.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cũng khẳng định, thời gian trước, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cũng tham khảo một số kinh nghiệm hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội, trong đó có hoạt động giám sát trực tiếp bằng hình ảnh chiếu tại phiên chất vấn. Sau khi học tập, HĐND tỉnh cũng áp dụng, ban đầu cũng nhận sự phản ứng gay gắt của các cơ quan chịu sự giám sát, song HĐND tỉnh vẫn quyết liệt thực hiện.

Cũng theo đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, trước đây, tỉnh Vĩnh Phúc có nguồn thu nội địa sau TP Hà Nội, nhưng gần đây đã đứng sau một số tỉnh, thành phố, vì thế tỉnh Vĩnh Phúc cũng nhận thấy cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để góp phần tăng trưởng chung của cả nước. Vì thế, HĐND tỉnh cũng cần ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh. Tại hội này, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn HĐND thành phố Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới, hiệu quả trong hoạt động để vận dụng vào hoạt động của địa phương.

Nguồn: baovinhphuc.com.vn

Tag:

File đính kèm