Sign In

Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025

16:16 19/08/2024
Sáng 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành; lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, nhà khoa học.

Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có các đồng chí: Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An phát biểu chỉ đạo sau hội nghị. Ảnh: Trà Hương

Năm học 2023 - 2024, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GDĐT”, ngành Giáo dục đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ năm học. Mạng lưới, quy mô trường, lớp được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện. Toàn ngành đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm. Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định; kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế và các kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực đạt kết quả cao. Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đảm bảo nghiêm túc, khách quan, hiệu quả.

Thực hiện chuyển đổi số trong toàn hệ thống và ở tất cả các khâu trong tuyển sinh là điểm sáng đem lại lợi ích lớn cho người học, góp phần giảm chi phí cho toàn xã hội. Các cơ sở giáo dục đại học đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp quyết định bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên; đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT hiện nay…

Năm học 2024 - 2025, Bộ GD-ĐT xác định chủ đề là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng” nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ về GDĐT. Tập trung triển khai thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018 từ lớp 1 đến lớp 12; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.

Biểu dương, đánh giá cao những kết quả ngành Giáo dục cả nước đạt được trong năm học 2023 - 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là “Phát triển GD-ĐT cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho GDĐT là đầu tư cho phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT theo nhu cầu phát triển của xã hội”; đồng thời đồng chí cũng chỉ rõ những bất cập của ngành Giáo dục hiện nay.

Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm học 2024 - 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục đổi mới toàn diện để nâng cao chất lượng GDĐT nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Rà soát lại các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về GD-ĐT để có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt.

Bộ GD-ĐT cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các giải pháp trọng tâm trong năm học 2024 - 2025; trong đó, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới; đảm bảo an toàn, an ninh trường học; tổ chức tốt lễ khai giảng năm học 2024 - 2025; tập trung triển khai Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trình Chính phủ ban hành trong quý III/2024.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Trà Hương

Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách phát triển GD-ĐT; tập trung xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội. Tổng kết đánh giá toàn diện chương trình sách giáo khoa GDPT 2018; tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; rà soát, sửa đổi, bổ sung những chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo. Các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống quy mô trường lớp các cấp học, đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; thầy, cô giáo làm động lực; nhà trường làm bệ đỡ, gia đình là điểm tựa và xã hội là nền tảng”…

Phát biểu chỉ đạo sau hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh những thành tích cao mà ngành Giáo dục tỉnh đạt được thời gian qua, đồng thời yêu cầu tỉnh và ngành Giáo dục Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, tích cực đổi mới giáo dục, thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Sở GD-ĐT tiếp tục đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, có những giải pháp riêng, phù hợp, hiệu quả để phát triển giáo dục của tỉnh theo hướng đổi mới, tiên tiến, hiện đại. 

Minh Hường (Nguồn: baovinhphuc.com.vn)

Tag:

File đính kèm