CCB Hà Thiên Văn (thứ 2 từ trái sang) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm những năm tháng bi hùng tại nhà lao Phú Quốc.
Năm 1966, ông Hà Thiên Văn, ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) xung phong nhập ngũ và nhận nhiệm vụ tại đơn vị đặc công. Trong trận chiến ác liệt tại chiến trường Quảng Trị, ông bị thương nặng, ngất đi và không may rơi vào tay kẻ địch, chúng bắt giam ông tại Biên Hòa một thời gian rồi chuyển tới nhà tù Phú Quốc.
Kể về thời gian bị giam cầm tại nơi được coi là “địa ngục trần gian” này, ông Hà Thiên Văn không giấu được phẫn uất: "Tôi và hàng nghìn đồng đội đã bị địch giam cầm, tra tấn bằng hàng trăm hình thức dã man, tàn độc, vô nhân tính của đế quốc Mỹ và Ngụy quân Sài Gòn.
Rất nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Bản thân tôi liên tục bị địch nhốt trong “chuồng cọp” phơi nắng, dầm mưa, bị gông cùm nát xương thịt, bị bỏ đói và tra tấn dã man bằng búa, gậy sắt, đinh, nước sôi, vôi bột... Tôi bị gãy toàn bộ xương quai xanh, gãy 3 xương sườn và 3 cái răng, cánh tay, bàn tay, chân nay đều tàn tật...”.
Thế nhưng, với khí tiết kiên trung của người cộng sản, ông Văn không khai nửa lời mà vẫn quyết tâm “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”, tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ văn hóa, chính trị cho các chiến sĩ; bảo toàn được tổ chức Đảng bí mật trong nhà lao và xây dựng phong trào, củng cố, giữ vững đội ngũ đấu tranh cho đến ngày toàn thắng.
Cũng từng bị địch giam cầm và tra tấn dã man tại nhà lao Phú Quốc, hàng nghìn chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nhất quyết không khuất phục đã được tổ chức Đảng trong nhà lao tin tưởng giao nhiệm vụ lãnh đạo các cuộc đấu tranh, bí mật đào hầm vượt ngục.
Với sự mưu trí, dũng cảm, các chiến sĩ cách mạng ấy đã làm nên nhiều kỳ tích. Ngày 31/12/1969, Thượng úy, Chính trị viên đại đội Nguyễn Hải Trung (quê ở Minh Quang, huyện Tam Đảo), lãnh đạo cuộc vuợt ngục giữa ban ngày tại phân khu A3; cuộc vượt ngục bằng đường hầm 120m tại phân khu A4 ngày 24/12/1971 do Trung úy, Đại đội trưởng Nguyễn Ngọc Lan (quê ở xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên) tổ chức làm chấn động sào huyệt kẻ thù…
Năm 1973, với sự đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân ta, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ - Ngụy buộc phải trả tự do cho những người tù cộng sản, CCB Hà Thiên Văn và những đồng đội may mắn còn sống sót trong nhà tù Phú Quốc được trở về địa phương trong vòng tay gia đình, quê hương.
Dù mang trong mình tỷ lệ thương tật 71%, nhưng với tinh thần lạc quan, ý chí không khuất phục trước khó khăn, CCB Hà Thiên Văn cùng gia đình là những người tiên phong thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa do huyện Vĩnh Tường phát động. Đây là việc làm mang tính mạnh dạn, táo bạo và đầy quyết tâm thời điểm đó.
Năm 2004, ông vay vốn làm trang trại tổng hợp rộng 4,3 mẫu. Ngoài diện tích trồng lúa cung cấp lương thực, ông nuôi cá trên diện tích 2 mẫu ao, trồng các loại cây ăn quả, nuôi hơn 1.000 vịt đẻ, hàng nghìn con gà, 2 con bò và hàng chục con lợn, thu nhập mỗi năm đạt từ 120 - 150 triệu đồng. Kinh tế gia đình phát triển vững chắc, ông có điều kiện nuôi 5 người con học hành thành đạt (4 người con trình độ đại học, 1 người trình độ thạc sĩ).
Không chỉ xây dựng kinh tế gia đình no ấm, hạnh phúc, với tấm lòng nhân ái, ông Văn thường xuyên hỗ trợ, tặng quà học sinh mầm non, hỗ trợ hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn và đóng góp cho các phong trào tại địa phương, được các cấp biểu dương, ghi nhận.
Cũng với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế” và nghị lực phi thường được tôi luyện trong chiến trường, nhiều chiến sĩ cách mạnh bị địch bắt tù đày khi trở về địa phương cũng tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chủ động học hỏi, ứng dụng tiến bộ KHKT, phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả làm giàu cho gia đình và đóng góp cho quê hương như CCB Nguyễn Ngọc Lan (xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên) giúp đỡ hội viên giảm nghèo, phát triển kinh tế; CCB Phùng Văn Địch (xã Duy Phiên, huyện Tam Dương) hiến 72m2 đất xây dựng nông thôn mới; CCB Trần Văn Thường (xã An Hòa, huyện Tam Dương) ủng hộ hàng chục triệu đồng xây nhà văn hóa, tu bổ di tích lịch sử và hiến đất làm đường giao thông; CCB Nguyễn Văn Nghĩa (xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường) ủng hộ tiền phòng, chống dịch Covid-19…
CCB Trần Văn Thường, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh cho biết: Hiện nay, hội chỉ còn lại hơn 280 hội viên, trong đó, hơn 80% hội viên là thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc hóa học màu da cam, 22% hội viên là đảng viên, 100% hội viên được Thủ tướng Chính phủ tặng Kỷ niệm chương.
Trong thời chiến, chúng tôi không tiếc xương máu, đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Trong thời bình, chúng tôi nguyện tiếp tục phát huy phẩm chất người chiến sĩ cách mạng kiên trung, sắt son với Đảng.
Điều đó đã thể hiện rất rõ trong thời gian qua, các hội viên luôn tâm huyết và trách nhiệm trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; nêu gương sáng, đi đầu và vận động người thân, nhân dân thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không ngừng nỗ lực góp sức để xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
Bài, ảnh: Phương Loan