Sign In

Đi lên chủ nghĩa xã hội không phải là con đường bất định

22:15 13/06/2023
Từ khi mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Đông Âu, Liên Xô sụp đổ, chủ nghĩa tư bản (CNTB) và thế lực thù địch tăng cường xuyên tạc, cố tình gieo rắc vào nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân lao động rằng: Con đường đi lên CNXH là bất định, không có thật.

Tuy nhiên, từ lý luận cho đến thực tiễn, thành tựu của đất nước ta trong suốt những năm qua cho thấy, việc đi lên CNXH là tất yếu của loài người và là con đường hoàn toàn đúng đắn của đất nước ta, dân tộc ta, là tương lai rộng mở.

Vì sao chủ nghĩa tư bản cố sức phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội?

Sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Đông Âu và Liên Xô khiến cách mạng thế giới lâm vào thoái trào, các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thừa cơ xuyên tạc, chống phá, phủ nhận CNXH. Ngay trong chính những người cộng sản cũng có không ít người hoài nghi, bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn khoa học và khả năng hiện thực của CNXH. Thậm chí nhiều người còn phụ họa theo các luận điệu thù địch, ra sức công kích, bài bác CNXH, ca ngợi CNTB, cổ xúy cho CNTB, lấy ví dụ từ các nước TBCN giàu có để quy kết cho những giá trị cuối cùng mà nhân loại phải hướng tới.

Một trong những luận điệu hết sức thâm độc, nguy hiểm tác động mạnh mẽ vào nhận thức chính trị, tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân chính là luận điệu cho rằng: Con đường đi lên CNXH là bất định, không có thật. Nhiều người nhìn vào điều kiện vật chất, trình độ phát triển của nước tư bản phát triển để nhầm tưởng rằng: CNTB là chế độ xã hội ưu việt, là mục tiêu vươn tới của nhân loại. Đồng thời ra sức chê bai, phủ nhận CNXH, từ đó cho rằng con đường đi lên CNXH ở Việt Nam chỉ là bánh vẽ viển vông, thiếu thực tế.

Vì sao CNTB, các lực lượng thù địch lại quyết liệt chống phá CNXH, quả quyết khẳng định con đường đi lên CNXH là bất định? Đó là vì con đường đi lên CNXH và những mục tiêu cách mạng XHCN đang đe dọa sự tồn vong của CNTB. Là vì con đường đi lên CNXH ngày càng sáng rõ, ngày càng khẳng định giá trị hiện thực.

Tranh minh họa. Nguồn: internet

Tranh minh họa. Nguồn: internet

Thực tế, nhiều nước tư bản đã phát triển ở trình độ cao và đang tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, đó chỉ là cái nhìn phiến diện một chiều về kết quả của CNTB ở thời điểm hiện tại. Hãy quay lại lịch sử ra đời của CNTB, ngay trong bước đi đầu tiên ở giai đoạn tích lũy nguyên thủy tư bản, giai cấp tư sản đã in hằn vào lịch sử nhân loại những dòng đầy máu và nước mắt. Giai cấp tư sản ở các nước tư bản phương Tây đã ra sức tước đoạt của cải, bóc lột sức người, vơ vét tài nguyên của các nước thuộc địa và người lao động ở chính quốc để phục vụ mục đích làm giàu vô hạn độ. Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội tư bản ngày càng mở rộng, lớn lên và không bao giờ có thể khỏa lấp. V.I.Lênin khẳng định bản chất về chính trị của CNTB là thối nát và phản động; chủ nghĩa đế quốc là bạn đường của chiến tranh; còn chủ nghĩa đế quốc là còn nguy cơ chiến tranh. Rõ ràng đến nay, luận điểm đó không những còn nguyên giá trị mà còn khắc sâu hơn bản chất của CNTB đương đại.

Chính học giả người Anh là Terry Eagleton, trong tác phẩm “Tại sao Mác đúng” đã phải cay đắng thừa nhận: “Những nước tư bản hiện đại là kết quả của một lịch sử nô dịch, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách ghê tởm”.

Ngày nay, các nước tư bản vẫn tiếp tục gây chiến tranh, xung đột, áp đặt cường quyền, áp đặt giá trị dân chủ tư bản cho cả thế giới, để gieo rắc nỗi đau, sự bất bình đẳng, áp bức bóc lột với giai cấp vô sản, nhân dân lao động, với các quốc gia khác và coi đó là giá trị đương nhiên.

Thu hoạch cà phê ở Lâm Đồng. Ảnh minh họa: TTXVN

Thu hoạch cà phê ở Lâm Đồng. Ảnh minh họa: TTXVN

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có đích đến hiện thực

Hoàn toàn có cơ sở khoa học để khẳng định chắc chắn rằng: Con đường đi lên CNXH trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng không hề viển vông, bất định như CNTB và các thế lực thù địch xuyên tạc. Ngược lại, nó được minh chứng thuyết phục, sinh động cả về lý luận và thực tiễn.

Trước hết, CNXH là sự vận động tất yếu của lịch sử. Bằng hai phát kiến vĩ đại là học thuyết giá trị thặng dư và chủ nghĩa duy vật lịch sử, C.Mác đã luận giải thuyết phục sự vận động, phát triển của xã hội loài người. Dựa trên các quy luật vận động nội tại của xã hội, nhất là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất và quy luật mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, C.Mác đã đi đến khẳng định: “Sự phát triển của những hình thái kinh tế-xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên”.

Ở đây C.Mác và Ph.Ănghen đã phát triển CNXH từ không tưởng thành khoa học khi luận chứng nó từ quy luật vận động của lịch sử như sự vận động tất yếu của các quy luật kinh tế, quy luật xã hội đã hình thành ngay trong lòng CNTB. Như vậy, biện chứng khách quan của lịch sử chính là sự vận động phát triển không ngừng của các hình thái kinh tế-xã hội. Theo đó, hình thái kinh tế-xã hội XHCN tất yếu sẽ thay thế hình thái kinh tế-xã hội TBCN. Con đường đi lên của nhân loại không gì khác là chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn thấp là CNXH. Đó là tất yếu của lịch sử chứ không phải là ảo vọng hay sự tự biện của những người cộng sản.

Thứ hai, mục tiêu của CNXH là không xa vời mà rất cụ thể. Đó là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ sự phân chia giai cấp, xây dựng một xã hội bình đẳng, tự do, hạnh phúc. Ở CNXH có sự khác biệt rất căn bản so với tất cả phương thức sản xuất trước đó chính là nằm ở mục tiêu hay con đường đi tới. Trong xã hội trước đây chỉ là sự thay thế phương thức sản xuất này bằng phương thức sản xuất khác thông qua một cuộc cách mạng xã hội. Tuy nhiên, đó chỉ là thay thế giai cấp thống trị này bằng giai cấp thống trị khác, quần chúng cần lao vẫn là giai cấp bị trị, vẫn chịu sự bóc lột bằng cách này hoặc cách khác. CNXH là một xã hội được xây dựng nhằm hướng tới mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xóa bỏ triệt để chế độ người bóc lột người.

V.I.Lênin đã chỉ ra xu thế tất yếu của thời đại là quá độ đi lên CNXH trên toàn thế giới với mục tiêu rất cụ thể là xây dựng thành công CNXH. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, dân tộc khác nhau thì lựa chọn con đường, cách thức, biện pháp khác nhau. Mỗi quốc gia phải dựa vào đặc điểm tình hình cụ thể của mình để định hình con đường đi lên CNXH phù hợp. Tùy theo tư duy, nhận thức, cách thức tổ chức thực hiện ở từng Đảng Cộng sản, từng quốc gia khác nhau sẽ có độ dài-ngắn trên con đường đi đến đích.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “CNXH là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy”.

Thứ ba, CNXH là chế độ xã hội đã được hiện thực hóa trên thực tế, khác biệt về chất so với các chế độ xã hội trước đó.

Từ học thuyết của Chủ nghĩa Mác về CNXH khoa học, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã biến CNXH trở thành hiện thực với đầy đủ hình hài của một xã hội tương lai: Giải phóng giai cấp vô sản thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản; giải phóng giai cấp nông dân khỏi gông cùm của địa chủ phong kiến... Những thành tựu trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam, ở Trung Quốc cho thấy con đường đi lên CNXH hoàn toàn là hiện thực, hướng tới xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn xã hội cũ, chứ không phải là điều không tưởng.

Thứ tư, CNXH đang được xây dựng toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở Việt Nam. Đây là minh chứng sinh động, cụ thể về một mô hình CNXH được xác định qua 8 đặc trưng cơ bản về mục tiêu; về trình độ lực lượng sản xuất; quan hệ sản xuất; nền văn hóa; về con người, về nhà nước pháp quyền XHCN... 8 đặc trưng này là sự khái quát hóa mô hình của CNXH, nó không chỉ dừng lại trong chiến lược, trong nghị quyết mà được hiện thực hóa trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Biểu hiện rất cụ thể của dân chủ XHCN là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đó là minh chứng rõ ràng, thuyết phục về sự hiện thực hóa nội hàm của con đường đi lên CNXH. Bởi xét cho cùng, giá trị của cách mạng XHCN đều kết tinh ở chỗ người dân làm chủ cái gì, thụ hưởng được cái gì. Và cũng chính điều này khẳng định sự khác biệt về bản chất của chế độ XHCN so với chế độ TBCN.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Xã hội chúng ta đang xây dựng là một xã hội mà ở đó mọi sự phát triển thực sự là vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà chà đạp lên phẩm giá con người; đó cũng là một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới những giá trị tiến bộ, nhân văn chứ không vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và phe nhóm. Đảng và Nhà nước ta, toàn dân ta nỗ lực xây dựng một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.

Rõ ràng những giá trị tốt đẹp chúng ta đang xây dựng không hề xa vời, viển vông mà ngược lại đó là những giá trị đích thực của CNXH, chúng ta hoàn toàn có thể xác lập, xây dựng và hiện thực hóa. Điều đó cũng khẳng định rằng con đường đi lên CNXH không phải là bất định như nhiều kẻ xấu rêu rao mà là con đường hiện thực, có đích đến cụ thể mà chúng ta có quyền lựa chọn, có quyền nỗ lực, kiên định, kiên trì thực hiện và có quyền tin tưởng rằng CNXH sẽ được xây dựng thành công trên đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, CNXH không phải là cái gì đó sẵn có, nó phải được định hình về mục tiêu, cách thức xây dựng, nó phải do chính bàn tay, khối óc và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của những người cộng sản, những người lao động để đấu tranh, xác lập, sáng tạo nên.

Tạ Ngọc (Theo qdnd.vn)

Tag:

File đính kèm