Vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX, với sự hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam cách mạng thanh niên trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam, đã làm thay đổi tính chất cuộc đấu tranh của Nhân dân ta chống thực dân, phong kiến. Chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 6/1929 đến tháng 01/1930), ở trong nước xuất hiện cùng một lúc 3 tổ chức cộng sản, nhưng lại tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng, công kích lẫn nhau, gây trở ngại lớn cho phong trào cách mạng. Trước tình hình đó, ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đại diện cho Quốc tế Cộng sản tiến hành triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập một Đảng thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ở tỉnh Vĩnh Yên, đến cuối năm 1929, cuộc vận động thành lập tổ chức cộng sản có nhiều chuyển biến tích cực, gắn liền với quá trình hoạt động của các chiến sỹ cách mạng, trong đó tiêu biểu nhất là đồng chí Vũ Duy Cương (người thị xã Vĩnh Yên) và đồng chí Phan Văn Cương, là những thanh niên yêu nước sống trong cảnh đất nước lầm than, đã tích cực tham gia các tổ chức yêu nước lúc bấy giờ và được kết nạp vào Đảng. Từ đây, cũng như các địa phương khác trong tỉnh, huyện Bình Xuyên đã gây dựng được các cơ sở cách mạng ở một số làng, ấp; phong trào đấu tranh cách của Nhân dân Bình Xuyên diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ. Đến cuối tháng 12/1932, sau cuộc vượt ngục Hỏa Lò (1), một số cán bộ Đảng đã trở về địa phương để tiếp tục hoạt động cách mạng, trong đó có tỉnh Vĩnh Yên và huyện Bình Xuyên.
Tháng 3/1933, sau khi chi bộ đồn điền Đa Phúc thành lập (Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Phúc Yên) do đồng chí Nguyễn Tạo làm Bí thư đã cử đồng chí Lê Đình Tuyển sang đồn điền Tam Lộng (xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên) để gây dựng cơ sở cách mạng, mở rộng địa bàn hoạt động. Vì ở đồn điền Tam Lộng có nhiều tá điền quan hệ gia đình thân thiết với tá điền đồn điền Đa Phúc, họ cũng bị áp bức bóc lột nặng nề, hơn nữa họ đều là dân nghèo Nam Định lên. Do đó, khi cán bộ Đảng đến tuyên truyền, giác ngộ các tá điền đã mau chóng ủng hộ, xây dựng cơ sở, tham gia các phong trào đấu tranh.
Từ một địa chỉ do cơ sở Đa Phúc giới thiệu, tháng 6/1933, đồng chí Lê Đình Tuyển đã đến Tam Lộng hoạt động. Cải trang làm thợ cắt tóc, rồi mở cửa hàng hàn thiếc... đồng chí Lê Đình Tuyển đã có điều kiện tiếp xúc với nhiều quần chúng, qua đó chọn lọc những người có tinh thần yêu nước để tuyên truyền, giác ngộ, bồi dưỡng và kết nạp hội viên vào các tổ chức như: Nông hội, Tự vệ, Thanh niên cộng sản đoàn trong đồn điền. Cơ sở lúc đầu là ấp Tam Lộng sau lan rộng ra các ấp khác: Ấp Đồn, ấp Hương Đà, Hương Vị, Gia Du, Lưu Quang, Hương Ngọc, chùa Tiếng, Châu Sơn... trong huyện Bình Xuyên. Đến đầu tháng 10/1933, số hội viên tăng lên hơn 100 người. Những hội viên xuất sắc được tuyên truyền, giác ngộ về Đảng và một số hội viên đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong huyện, để xây dựng hạt nhân lãnh đạo, những người cộng sản ở Bình Xuyên nhận thấy cần phải thành lập ngay tổ chức cộng sản mà trước mắt là thành lập chi bộ cộng sản để lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh. Do đó, dựa trên cơ sở số đảng viên phát triển được, giữa tháng 10/1933, đồng chí Lê Đình Tuyển đã triệu tập các đảng viên mới kết nạp đến họp tại một địa điểm ở ấp Hương Đà tuyên bố thành lập chi bộ gồm 6 đảng viên (01 cán bộ Đảng và 5 người tá điền trong đồn điền)(2). Đồng chí Trần Văn Nhiên (tức Trần Quang Sơn) được cử làm Bí thư chi bộ. Chi bộ đồn điền Tam Lộng ra đời.
Sau khi thành lập, chi bộ đồn điền Tam Lộng đã tổ chức nhiều hoạt động như: Bồi dưỡng hội viên Nông hội và các nông dân tá điền dưới hình thức mở lớp dạy chữ quốc ngữ, tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt, qua đó giúp họ hiểu rõ hơn về Đảng và cách mạng; lãnh đạo các cuộc đấu tranh đòi giảm tô, giảm mức đóng góp biếu xén Tết, bớt phu phen tạp dịch; tẩy chay tri huyện Bình Xuyên lợi dụng bắt rượu lậu đem lính về đồn điền vơ vét, bắt người... đều giành thắng lợi. Những thắng lợi đó đã làm cho nông dân khắp đồn điền phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của chi bộ và Nông hội. Số lượng hội viên Nông hội tăng lên.
Phong trào cách mạng của chi bộ đồn điền Tam Lộng đang trên đà tiến triển thì bị thực dân Pháp tổ chức khủng bố (tháng 4/1934). Do chủ quan, thiếu kinh nghiệm trong hoạt động bí mật, sơ hở, mất cảnh giác nên một số đảng viên và hội viên Nông hội bị bắt, một số hội viên khác bị chủ đuổi ra khỏi đồn điền; đồng chí Lê Đình Tuyển và Trần Quang Sơn phải lánh đi nơi khác hoạt động. Chi bộ đồn điền Tam Lộng và các tổ chức quần chúng trong đồn điền bị tan vỡ, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống.
Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng chi bộ đồn điền Tam Lộng đã gây dựng và phát triển các cơ sở chính trị, tổ chức quần chúng, tập dượt đấu tranh cách mạng, tạo sức ảnh hưởng sâu rộng đến các địa phương khác. Từ đó, trên mảnh đất Vĩnh Yên và Phúc Yên đã ra đời các chi bộ Đảng Cộng sản như chi bộ Vĩnh Tường (tháng 8/1938), chi bộ khu vực Dẫn Tự-Hòa Lạc (3) -Thượng Trưng (cuối năm 1939), chi bộ Lâm Hộ của thị xã Phúc Yên (tháng 02/1940). Đó là những nhân tố quan trọng để Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ban Cán sự liên tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên (lúc đó gọi là Ban Vận động liên tỉnh) - đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh sau này (4).
Sự ra đời của chi bộ đồn điền Tam Lộng - chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở huyện Bình Xuyên nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung đánh dấu bước phát triển mới và sự trưởng thành của phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Nó chứng tỏ sức sống mãnh liệt phong trào yêu nước của quần chúng, mặc cho kẻ thù có tàn bạo đến đâu cũng không thể làm nhụt ý chí cách mạng, tinh thần kiên trung của Nhân dân trong tỉnh, khi thời cơ đến tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân.
Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và Nhân dân xã Hương Sơn đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua các thời kỳ cách mạng. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân xã Hương Sơn luôn đoàn kết, ra sức thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Hương Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần vào sự phát triển chung của huyện Bình Xuyên và tỉnh Vĩnh Phúc.
Vũ Vân Nam - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy