70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, những chứng tích một thời hào hùng của dân tộc luôn được các thế hệ người Việt Nam khắc sâu trong tâm khảm. (Trong ảnh: Du khách tham quan hầm Đờ Cát)
Ở chiều ngược lại, những người không yêu nước hoặc nguy hiểm hơn, những kẻ bán nước luôn có những tư duy, ý nghĩ, hành động phản lại lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Không phủ nhận, phàm là con người ắt có một bộ phận có những tính xấu, tật xấu khó bỏ, nhưng riêng nói về lòng yêu nước thì đó lại là thế mạnh, là đặc tính có thể nói làm nên thương hiệu truyền đời của dân tộc Việt.
Trong cuộc sống hằng ngày, có lúc người này, người khác có những hành vi tham, sân, si, đố kị… vì lợi ích cá nhân, nhưng mỗi khi Tổ quốc đứng trước những tình thế khó khăn, lòng yêu nước của người Việt Nam luôn trỗi dậy mạnh mẽ. Lúc đó, gần như tất thảy đều bỏ qua những hiềm khích nhỏ nhặt, đồng sức, đồng lòng đoàn kết làm nên một khối sức mạnh khổng lồ không gì lay chuyển nổi.
Nhờ vậy, nhìn từ lịch sử dân tộc ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chống lại mọi cuộc xâm lược, tấn công cả trực diện lẫn gián tiếp của các thế lực thù địch, giữ vững độc lập chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước ”.
Thực tế, ngay từ thời Tiền Lê đã có câu chuyện Thái hậu Dương Vân Nga (hoàng hậu, vợ vua Đinh Bộ Lĩnh, người mới bị ám sát chết) bỏ ngoài tai mọi lời dèm pha của dư luận để khoác long bào lên vai Thập đạo Tướng quân, Phó Vương Lê Hoàn (tức vua Lê Đại Hành). Nhờ sự quyết đoán này mà quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy tài tình của Lê Hoàn đã kịp thời phá tan giặc Tống, bình định quân Chiêm, đem lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước suốt nhiều năm sau đó.
Hay như dưới triều Trần, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Thượng tướng Thái sư, Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải đã cùng xóa bỏ mối thù không đội trời chung từ thời ông cha để ổn định cục diện đất nước, từ đó mở ra những chiến công oanh liệt trong mấy cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông làm rạng danh lịch sử.
Đặc biệt, thời đại Hồ Chí Minh được coi là đỉnh cao tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Nếu không có lòng yêu nước nồng nàn tạo nên sức mạnh không gì lay chuyển nổi của toàn thể nhân dân các dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu thì không thể có một dân tộc tưởng như đã chìm sâu sau hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, lập nên nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa độc lập.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, giang sơn thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà, Việt Nam bước vào quá trình xây dựng, kiến tạo lại đất nước và nhanh chóng gặt hái được những thành quả to lớn. Được toàn thể nhân dân trong nước tin tưởng, thế giới nể phục, tạo tiền đề quan trọng bước tới sánh vai các cường quốc năm châu. Thế nhưng, đây đó vẫn có một số thế lực thù địch thường rêu rao về lòng yêu nước và lý tưởng cộng sản ở phần lớn người Việt “đã phai nhạt lắm rồi”…
Như một câu trả lời đanh thép, gần đây nhất, trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vừa qua, lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam lại một lần nữa được thể hiện vô cùng sống động, rõ nét.
Để chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm, từ Bắc chí Nam, từ già tới trẻ, dù nữ hay nam, dù nông dân hay trí thức, đã là người Việt Nam đều một lòng hướng về Tổ quốc. Trước đây là “ai có súng dùng súng…” thì nay ai có của góp của, có công góp công, không thì đóng góp ý kiến, ủng hộ tài liệu, tư liệu, nhân chứng, vật chứng giúp Ban tổ chức làm nên một buổi lễ vô cùng trang trọng và ý nghĩa, làm sống dậy cả một thời hào hùng của dân tộc.
Thậm chí, nhiều người dân Điện Biên (nơi tổ chức buổi lễ) còn sẵn lòng giúp đỡ miễn phí nơi ăn, chốn ở cho du khách gần xa về dự lễ kỷ niệm như một sự tri ân sâu sắc.
Ngoài ra, đội ngũ tham gia trực tiếp vào buổi lễ còn không quản đường xa, điều kiện hạn chế về cơ sở vật chất, sẵn sàng vượt nắng, thắng mưa để nỗ lực luyện tập, diễn tập với quyết tâm mang đến thành công to lớn nhất cho buổi lễ, qua đó thực sự tạo nên dấu ấn đậm nét trong một sự kiện lịch sử tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Có thể nói, lòng yêu nước đôi khi không hẳn phải là những lời nói hay hành động cụ thể nào đó. Nó có thể chỉ là những tình cảm bình dị đời thường nhưng được toát lên từ tình cảm chân thành mà sâu lắng bên trong mỗi con người. Khi cần, tâm tư tình cảm ấy sẽ bùng lên thành biển lửa thiêu cháy mọi vật cản phi nghĩa. Còn bình thường, nó luôn là ngọn lửa ấm áp vun đắp tình yêu nước và truyền thống nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Bài, ảnh: Quang Nam