Đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở huyện Tam Đảo thường xuyên tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Năm 2023, thôn Đồng Cà, xã Bồ Lý được lựa chọn làm điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM). Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, thôn đã đạt 8/14 tiêu chí LVHKM. Diện mạo của thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Có được kết quả đó là nhờ cấp ủy, chính quyền cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền miệng.
Trưởng thôn Đồng Cà Nguyễn Ngọc Thêm cho biết: Toàn thôn có 161 hộ, 744 nhân khẩu, trong đó có đến 99% là người dân tộc Sán Dìu. Khi bắt tay vào xây dựng LVHKM, thôn gặp nhiều khó khăn bởi nhận thức của người dân, thậm chí có cả cán bộ, đảng viên về LVHKM còn mơ hồ.
Hơn nữa, việc xây dựng LVHKM có 14 tiêu chí, 58 nội dung thành phần nhưng lại chưa có một mô hình nào để thôn đi học tập. Để nâng cao nhận thức cho người dân, lãnh đạo xã đã trực tiếp xuống thôn nắm bắt tình hình, thông tin đến chi bộ, Ban Công tác mặt trận và nhân dân về chủ trương xây dựng thí điểm LVHKM. Đồng thời tổ chức nhiều hội nghị để quán triệt về việc triển khai đề án này.
Trên cơ sở đó, thôn đã tổ chức họp dân để tuyên truyền, thống nhất các giải pháp thực hiện, từ đó, người dân tích cực hưởng ứng, tham gia xây dựng mô hình. Đến nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Đồng Cà đã ủng hộ tiền, hiện vật với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng, đóng góp hơn 600 ngày công lao động để mở rộng, chỉnh trang đường làng, ngõ, xóm, vẽ tranh tường, trồng cây xanh ở khu thiết chế văn hóa - thể thao, gắn biển số nhà, biển tên đường…
Huyện Tam Đảo có hơn 44% dân số là người dân tộc thiểu số. Để "nói cho dân hiểu", BTV Huyện ủy Tam Đảo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng.
Trọng tâm là xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên (BCV), tuyên truyền viên (TTV) cơ sở. Đến nay, huyện có 20 BCV, 174 TTV cơ sở tại các chi, Đảng bộ trực thuộc.
Các BCV, TTV đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; nhiệt tình, tâm huyết với công việc; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương phát ngôn.
Hằng năm, huyện đều phối hợp mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ BCV, TTV; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật giúp BCV, TTV thực hiện tốt công tác tuyên truyền.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn huyện được triển khai đa dạng, có chiều sâu, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ngoài phương pháp thuyết trình truyền thống, nhiều BCV, TTV đã sử dụng các phương tiện hỗ trợ như máy chiếu, máy tính xách tay để trình chiếu hình ảnh, video nhằm tạo sự hấp dẫn, nâng cao tính thuyết phục, hiệu quả trong công tác tuyên truyền miệng.
Từ năm 2020 đến nay, huyện đã tổ chức được hàng chục hội nghị BCV cấp huyện. Đội ngũ BCV, TTV cơ sở đã tổ chức tuyên truyền miệng được hơn 400 buổi, với hàng nghìn lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia.
Thông qua tuyên truyền miệng, cán bộ, đảng viên và nhân dân dễ dàng tiếp thu các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cơ chế, chính sách của tỉnh. Qua đó, tạo nên sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, trong đó, có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài, ảnh: Thanh Huyền