Xác định việc MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218 của Bộ Chính trị là một nhiệm vụ quan trọng, thể hiện vị trí, vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 54, ngày 3/2/2016 về việc “Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp thu góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” và Quyết định số 55, ngày 3/2/2016 về “Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”.
Hằng năm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đều thực hiện tốt việc đối thoại với các tầng lớp nhân dân để lắng nghe các ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền của người dân; Thường trực Tỉnh ủy đều định hướng chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh triển khai, thực hiện nội dung, chương trình giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đảm bảo cụ thể, rõ trách nhiệm mỗi cơ quan, đơn vị và tránh chồng chéo.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Quyết định số 218 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành 19 nghị quyết, chỉ thị có liên quan trực tiếp đến nhân dân, đều được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức triển khai, quán triệt, học tập đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, đồng thời, ban hành gần 900 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 218 trong hệ thống tổ chức của mình.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ủy ban MTTQ các cấp, Hội đồng tư vấn, ban tư vấn, nhân sĩ, trí thức, chức sắc, chức việc, tôn giáo, người có uy tín và các tầng lớp nhân dân góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động phối hợp với Thường trực HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý vào các dự án luật có liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
MTTQ tỉnh đã phối hợp tham mưu tổ chức được 4 cuộc đối thoại trực tiếp giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và đại diện nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Đoàn đã phối hợp tham mưu tổ chức được 3 cuộc đối thoại với đoàn viên thanh niên và 2 chương trình tọa đàm. LĐLĐ tỉnh đã phối hợp tham mưu tổ chức được 2 cuộc đối thoại với đại diện công nhân lao động. Lãnh đạo tỉnh đối thoại 2 cuộc với đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 1 cuộc với cán bộ, hội viên phụ nữ; 1 cuộc với cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế; 1 cuộc với cán bộ quản lý ngành Giáo dục về giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2020-2025...
Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã xây dựng, ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các chi, Đảng bộ trực thuộc, MTTQ và các đoàn thể để triển khai thực hiện trên địa bàn. Căn cứ văn bản của cấp trên, các huyện, thành ủy, Đảng ủy các xã, phường, thị trấn đã xây dựng kế hoạch, ban hành hướng dẫn, chương trình thực hiện Quyết định, tổ chức các cuộc đối thoại với nhân dân theo phân cấp quản lý để lắng nghe các ý kiến của người dân trong góp ý xây dựng Đảng, chính quyền hằng năm...
Cấp ủy các cấp đã ban hành Quyết định phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo, cán bộ các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện định kỳ dự sinh hoạt chi bộ tại cơ sở. Chủ động nắm bắt kịp thời những diễn biến ở cơ sở, những vướng mắc, bức xúc trong nhân dân; tạo được niềm tin, đồng thuận cao giữa cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên với nhân dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng.
Hằng năm, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định số 218; đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định 218 vào chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy ngay từ đầu năm, gắn với việc kiểm tra, giám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Việc kiểm tra, giám sát trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, có chất lượng, theo quy định, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Quyết định số 218 còn có những khó khăn như: Công tác tổ chức triển khai thực hiện quy định ở một số nơi còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Việc góp ý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và góp ý với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu còn hạn chế. Ý thức thượng tôn pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế...
Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quyết định số 218, một số kinh nghiệm đã đạt được, như: Cấp ủy, chính quyền phải kịp thời cụ thể hóa văn bản chỉ đạo sát hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, đồng thời, quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chất lượng, hiệu quả các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện nhân dân tập trung vào các vấn đề khó khăn, vướng mắc của từng địa phương, ở các lĩnh vực và những vấn đề nhân dân, cử tri quan tâm đã được chỉ đạo tháo gỡ.
Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình nhân dân, dân tộc, tôn giáo trên địa bàn, để từ đó lựa chọn nội dung tham gia góp ý, phản biện xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn, chú trọng các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, kịp thời đề xuất, báo cáo cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, quan tâm giải quyết dứt điểm.
Cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân chính là gốc rễ để Đảng không ngừng vững mạnh, phát huy được sức mạnh to lớn trong nhân dân để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao.
Để thực hiện tốt hơn nữa Quyết định số 218 của Bộ Chính trị, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, nhân dân cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Quyết định số 218 và các quy định của Đảng, Nhà nước về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền hằng năm.
Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhằm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; coi việc thực hiện Quyết định số 218 là một nhiệm vụ quan trọng trong đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Quan tâm chỉ đạo, định hướng hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong chương trình công tác hằng năm và những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm.
Ba là, cấp ủy, chính quyền cần quan tâm, tạo mọi điều kiện để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân phát huy vai trò góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền bằng những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể. Tăng cường đối thoại, cầu thị tiếp thu, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện trách nhiệm giải quyết kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội theo thẩm quyền, đồng thời, thông báo lại kết quả giải quyết.
Bốn là, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội gắn với việc phát huy quyền làm chủ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội. Việc lựa chọn các nội dung giám sát và phản biện xã hội phải đảm bảo phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của Ủy ban MTTQ, các tổ chức thành viên và điều kiện thực tế ở mỗi cấp, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà đông đảo người dân quan tâm, trong đó, cần có sự phân công, phối hợp giữa MTTQ với HĐND và các đoàn thể cùng cấp để tránh chồng chéo. Định kỳ sơ kết, tổng kết nhằm nhân rộng các cách làm tốt, rút kinh nghiệm cách làm chưa hiệu quả, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả, thiết thực.
Năm là, tăng cường công tác phối hợp, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng và dư luận xã hội, tập trung kiến nghị cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những tồn tại, nhu cầu, lợi ích chính đáng, bức xúc của nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền. Thường xuyên chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác Mặt trận và đoàn thể từ huyện đến cơ sở, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, kịp thời có hình thức biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân và đại diện nhân dân có thành tích tiêu biểu trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Nguyễn Văn Vân
(Ủy viên UBKT Tỉnh ủy)