Sign In

Lấy phiếu tín nhiệm: Bước luật hoá các chủ trương của Đảng

16:09 28/09/2023

Kỳ 1: Xây dựng cán bộ có tâm, có tầm

Ngày 2/2/2023, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 96 về lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và nhận được sự quan tâm rộng rãi của cán bộ, đảng viên, dư luận xã hội. Với những điểm đổi mới mang tính chất căn bản trong sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm, quy định được kỳ vọng sẽ là bước luật hóa các chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong công tác đánh giá, đòi hỏi cán bộ phải có tâm, có tầm vốn đã cần được điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hơn.


Các nội dung liên quan đến công tác cán bộ luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp bàn, cho ý kiến với phương châm "sử dụng đúng người, phân công đúng việc", đem lại hiệu quả cao.

“Nút thắt” cần tháo gỡ

Trước khi Quy định 96 được ban hành, nhiệm kỳ 2015-2020, công tác lấy phiếu tín nhiệm được triển khai theo Quy định 262 của Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 8/10/2014. Theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, Quy định 262 cũng có những hạn chế, bất cập nhất định. Công tác lấy phiếu tín nhiệm ở một số nơi diễn ra mang tính hình thức, người ghi phiếu tín nhiệm còn nể nang, có tâm lý “dĩ hoà vi quý”. Điều này dẫn đến thực trạng bỏ sót, bỏ lọt “quan tham” giữ “ghế”.

Chỉ trong 5 năm gần đây, cả nước đã phát hiện hàng loạt cán bộ vi phạm. Trong đó, có cả những lãnh đạo cấp cao từng được xã hội tôn vinh, bản thân nhận nhiều danh hiệu cao quý nhưng cũng bị vòng xoáy quyền lực, tiền tài, danh vọng làm cho tha hóa, biến chất, bị xử lý trách nhiệm hình sự, lĩnh án hàng chục năm tù để trả giá cho những sai lầm gây ra.

Một cán bộ nhà nước chia sẻ: Sở dĩ việc lấy phiếu tín nhiệm chưa phát huy hết giá trị vốn có của nó, vẫn mang tính nể nang, bởi vì chưa có quy định cụ thể nào thể hiện lá phiếu tín nhiệm đóng vai trò quyết định đến sự nghiệp chính trị của người được lấy phiếu.

Từ trước tới nay, việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra theo định kỳ, song cũng chỉ dừng lại là một kênh tham khảo, nắm tình hình. Trên thực tế, chưa có trường hợp nào vì lá phiếu tín nhiệm thấp mà bị miễn nhiệm, thay thế, trừ khi vi phạm kỷ luật. Nếu ai đó bị luân chuyển, điều động thì cũng chuyển sang cơ quan, đơn vị khác nhưng vẫn giữ cương vị, chức vụ tương đương.

Chính vì vậy, vô hình chung, tư tưởng “đã vào, khó ra”, “đã lên, khó xuống” trong công tác cán bộ ăn sâu vào nếp nghĩ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, dẫn đến, người ghi phiếu tín nhiệm làm một cách chiếu lệ, nể nang, né tránh, sợ mất lòng. Lá phiếu tín nhiệm đã không thể phát huy được giá trị và tầm quan trọng vốn có.

Quyết tâm lớn để cán đích mục tiêu

Ở bất cứ giai đoạn phát triển nào, công tác cán bộ luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, chú trọng. Trong thời kỳ đổi mới, công tác này lại càng được quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn bao giờ hết.

Tại nhiều cuộc họp cấp cao ở Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải kiên quyết không để lọt những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm… vào trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Để thực hiện mục tiêu này, việc tháo gỡ “nút thắt” trong tâm lý, tư duy của cán bộ về việc lấy phiếu tín nhiệm là điều cực kỳ quan trọng. Bởi khi đó, lá phiếu tín nhiệm sẽ trở thành “tấm gương” phản chiếu rõ nét, chân thực về đức, về tài của người được lấy phiếu, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp có cơ sở chính xác để đánh giá và sử dụng cán bộ một cách hiệu quả.

Cùng với hàng loạt văn bản liên quan đến công tác cán bộ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành từ trước tới nay, Quy định 96 sau khi có hiệu lực nhận được sự kỳ vọng lớn của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Bởi, theo quy định này, việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm một “bước tiến” mới.

Nếu như trước đây, lá phiếu tín nhiệm chỉ là một kênh tham khảo, mang tính chất nắm tình hình, thì nay là cơ sở quan trọng trong đánh giá, sử dụng cán bộ. Nói cách khác, lá phiếu có thể quyết định tới "sinh mệnh chính trị" của đội ngũ lãnh đạo, quản lý.

Trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức, hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Với quan điểm “tiên tề gia, hậu trị quốc”, Quy định 96 cũng nêu rõ, không chỉ bản thân cán bộ phải nêu gương, phải trách nhiệm, phải đủ tư cách, đạo đức mà ngay cả vợ, chồng, con cũng cần gương mẫu trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cán bộ khi đương chức, đương quyền, khi có vợ/chồng, con cái vi phạm pháp luật, lợi dụng vị trí công tác của người thân tạo dựng sân sau, trục lợi cá nhân thì bản thân cán bộ đó cũng không thể vô can, phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của thành viên trong gia đình.

Đây đều là những điểm mấu chốt của Quy định 96, giúp cán bộ lãnh đạo, quản lý phải luôn nhận thức đúng về vị trí, vai trò, trách nhiệm của bản thân trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Quá trình công tác phải nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, khẳng định năng lực, uy tín của bản thân, tạo sự thuyết phục với cả cấp trên và cấp dưới…

Nếu ai đó không hoàn thành nhiệm vụ, có tư tưởng đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi của nhân dân, lợi dụng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, dẫn đến uy tín thấp thì ngay trong nhiệm kỳ đó, có thể bị thay thế, đưa ra khỏi quy hoạch chức danh cao hơn và còn có thể bị đưa xuống giữ các chức danh thấp hơn chức danh hiện tại.

Ngay sau khi Quy định 96 được Trung ương ban hành, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ, nhất trí cao. Đa phần các ý kiến cho rằng, với những quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết như vậy, lá phiếu tín nhiệm sẽ phát huy được “sức mạnh” vốn có.

Không chỉ có tính chất quyết định đến "sinh mệnh chính trị" của đội ngũ lãnh đạo, quản lý mà còn có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh đối với những người có chức, có quyền. Trong quá trình công tác, họ cần có bản lĩnh vững vàng, lập trường, quan điểm đúng đắn để không bị vòng xoáy quyền lực cuốn vào tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Ngay sau khi Quy định 96 được ban hành, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh một cách chi tiết và triển khai theo đúng tiến độ đề ra.

Đến nay, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp đã thực hiện xong. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tạo nên những đột phá mới trong công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Bài, ảnh: Lê Minh

Tag:

File đính kèm