Sign In

Lá phiếu tín nhiệm: Bước ngoặt luật hóa xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên

08:50 29/09/2023

Kỳ 3: Hiện thực hóa các mục tiêu quan trọng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước...”. Để hiện thực mục tiêu này, công tác lấy phiếu tín nhiệm đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ có căn cứ để đánh giá cán bộ, sử dụng đúng người, phân công đúng việc, mang lại hiệu quả cao trong công việc, phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh.


Sau khi tái lập năm 1997, Vĩnh Phúc có bước phát triển vượt bậc và đang hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2025.

Cơ hội nhìn lại giữa nhiệm kỳ

Trên cơ sở kế thừa Quy định 262 của Ban Chấp hành Trung ương, theo Quy định 96, việc lấy phiếu tín nhiệm tiếp tục được tiến hành định kỳ vào năm thứ ba (năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp). Không phải ngẫu nhiên lại có quy định như vậy. Điều này hoàn toàn xuất phát tự thực tiễn, từ sự đúc kết kinh nghiệm, đánh giá khách quan của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Nếu tiến hành vào đầu nhiệm kỳ, cán bộ sẽ chưa có thời gian để thể hiện năng lực lãnh đạo, điều hành của mình. Còn nếu để đến cuối nhiệm kỳ thì giá trị của lá phiếu tín nhiệm gần như không thể phát huy vì không còn thời gian, đồng nghĩa, không còn cơ hội để cán bộ khắc phục những mặt hạn chế hay phát huy những kết quả tích cực đã đạt được.

Chỉ khi được góp ý vào giữa nhiệm kỳ, cán bộ có thời gian để “tự soi”, “tự sửa”, tự chỉnh đốn và nỗ lực nhiều hơn ở chặng đường tiếp theo. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ có đánh giá chính xác về năng lực, trình độ của cán bộ và xây dựng kế hoạch điều động, luân chuyển, bổ nhiệm đúng người, đúng việc.

Cùng với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, Phúc Yên có tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH. Trong cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và công nghiệp phụ trợ chiếm tỷ trọng chủ yếu, thành phố có mức tăng trưởng cao, trở thành một trong những đơn vị cấp huyện có đóng góp lớn về thu ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, hiện nay, hạ tầng các khu đô thị, khu du lịch, thương mại trên địa bàn được các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện đưa vào khai thác, sử dụng với tổng nguồn vốn huy động hàng chục nghìn tỷ đồng, đem lại động lực phát triển ổn định cho địa phương và toàn tỉnh.

Với những kết quả đạt được, tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm tổ chức vào tháng 6/2023, đồng chí Bí thư và các Phó Bí thư Thành ủy đã chiếm trọn được niềm tin, sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên thông qua tỷ lệ lá phiếu tín nhiệm cao, đạt trên 97%.

Đây là động lực to lớn giúp bản thân các đồng chí lãnh đạo, quản lý tiếp tục cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc vẫn còn những lá phiếu chưa đạt như kỳ vọng sẽ chính là “lời góp ý” chân thành, thẳng thắn để mỗi cá nhân nhìn nhận lại mình, cần cố gắng hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo để khẳng định năng lực bản thân, tạo sự thuyết phục với cả cấp trên và cấp dưới.

Sau nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố Phúc Yên dự kiến có một số chỉ tiêu khó đạt trong tổng số 27 chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra, nhất là chỉ tiêu xây dựng xã Ngọc Thanh thành xã nông thôn mới nâng cao. Đây là nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách đối với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương. Đến thời điểm hiện tại, xã Ngọc Thanh vẫn còn 4/19 tiêu chí chưa đạt gồm các tiêu chí về: Quy hoạch, giao thông, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm.

Để không phụ sự tin tưởng, ủng hộ của các cán bộ, đảng viên, với vai trò là Trưởng ban Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy Phúc Yên Nguyễn Thanh Hải đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, ban hành quy chế hoạt động và chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền, gấp rút hoàn thiện tiêu chí từ nay đến năm 2025.

Bản thân đồng chí trực tiếp nắm tình hình tại cơ sở, điều hành tất cả các cuộc họp có nội dung liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tiến độ công việc được yêu cầu thực hiện báo cáo theo định kỳ hằng tuần, hằng tháng và đột xuất khi phát sinh để Bí thư Thành ủy kịp thời xử lý, quyết tâm hoàn thành mục tiêu trong thời gian sớm nhất và kết thúc nhiệm kỳ 2020-2025 với nhiều thành công, dấu ấn đậm nét.

Vững bước vươn lên

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, trên cơ sở đánh giá về năng lực, sở trường của từng cán bộ, Vĩnh Phúc đã điều động, luân chuyển 90 đồng chí; bổ nhiệm gần 60 đồng chí đảm nhận ở vị trí, công việc khác nhau.

Thực tế cho thấy, khi đảm nhận cương vị mới, ở những cơ quan, đơn vị mới, lãnh đạo, quản lý các cấp đã phát huy tốt năng lực, sở trường, đổi mới tư duy, hoạch định rõ đường lối, chính sách và chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ bài bản, khoa học, từ đó, tạo nên những bước chuyển mình rõ rệt, góp phần hiện thực mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước...

Không thể phủ nhận trong 5 năm gần đây, huyện Yên Lạc như khoác lên mình một chiếc áo mới. Địa phương đã có 6 đơn vị được công nhận là đô thị loại V gồm: Nguyệt Đức, Tam Hồng, Đồng Văn, Tề Lỗ, Trung Nguyên và thị trấn Yên Lạc.

Nhiều dự án phát triển đô thị đang dần hình thành, xóa đi khoảng cách đô thị và nông thôn như: Khu đô thị Yên Lạc - Dragon City có diện tích là 40,2 ha; khu nhà ở hỗn hợp tại thị trấn Yên Lạc và xã Tam Hồng có diện tích 11,33 ha; Khu nhà ở đất dịch vụ xã Đồng Văn, có diện tích 8,55 ha…

Trong năm 2022, Yên Lạc tạo nên điểm nhấn đô thị rõ nét bằng việc đầu tư xây dựng công trình “Hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh huyện Yên Lạc”. Dự án này thay mới các bóng đèn LED chiếu sáng tiết kiệm công suất 100W; điều khiển đóng cắt toàn bộ hệ thống điện trên tuyến bằng đồng hồ Rowle hẹn giờ tự động.

Nhờ đó, tỷ lệ chiều dài đường đô thị được chiếu sáng đến nay đạt 62,5/103,9km, đạt 60,65% tổng chiều dài đường đô thị; tỷ lệ chiều dài đường khu nhà ở, ngõ xóm được chiếu sáng là 410,4/449,6km, đạt 91,28%....

Có được kết quả đó là nhờ sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Lạc. Hơn hết, là tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm cao của các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy. Những năm qua đã chủ động, linh hoạt, kịp thời ban hành nhiều quyết sách quan trọng thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Trong tương lai gần, huyện Yên Lạc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng, hoàn thiện khung hạ tầng k thuật, thu hút nhà đầu tư vào các lĩnh vực đô thị, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, quyết tâm xây dựng Yên Lạc sớm trở thành đô thị văn minh, hiện đại trên nền tảng huyện NTM nâng cao.

Không chỉ Yên Lạc mà ở các địa phương khác trong toàn tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ 2020 đến nay, đều có sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này góp phần quan trọng đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh phát triển vượt bậc về mọi mặt.

Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020-2022 đạt 8,8%/năm, nằm trong nhóm 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,51% năm 2021 xuống còn 0,99% vào cuối năm 2022; ước năm 2023 giảm còn khoảng 0,7%, vượt trước 3 năm so với mục tiêu đại hội đề ra...

Lĩnh vực công nghiệp được xem là chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh duy trì sự phát triển mạnh qua các các năm. Giai đoạn 2020-2023, tỉnh thu hút mới 149 dự án trong lĩnh vực công nghiệp (trong đó, có 104 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD, 45 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 7.896 tỷ đồng). Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu giai đoạn 2021-2023 đều tăng từ 11% đến hơn 22%/năm. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới cũng đã chọn Vĩnh Phúc làm "bến đỗ" an toàn để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Không phải ngẫu nhiên Vĩnh Phúc đạt được những thành tựu, kết quả nổi bật như vậy. Tất cả đều phải bắt nguồn từ nền móng cơ bản được xây dựng trên tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, nhất là trong công tác đánh giá, sử dụng cán bộ, luôn đảm bảo khách quan, công tâm, dùng đúng người, phân đúng việc. Từ đó, xây dựng nên một hệ thống chính trị đoàn kết, vững mạnh, một đội ngũ cán bộ năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Bài, ảnh: Lê Minh

Tag:

File đính kèm