Sign In

Đánh giá cán bộ là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng

12:45 23/01/2024
Công tác cán bộ là vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu, nhiều việc, từ việc tuyển chọn cán bộ đến đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, điều động, đề bạt cán bộ... Các khâu và các việc liên kết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đặt ra. Trong các khâu đó, việc tìm hiểu, nhận xét, đánh giá cán bộ là khâu quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả và chất lượng của các khâu công việc tiếp theo.

Thực tế chứng minh, từng lúc, từng nơi, từng trường hợp đã có tình trạng nhận xét, đánh giá cán bộ chưa thật chính xác, dẫn đến việc sử dụng, bố trí, đề bạt, khen thưởng và kỷ luật cán bộ không đúng, gây ảnh hưởng không tốt tới việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Các ngành, các cấp đều xây dựng quy hoạch cán bộ khá công phu, nhưng đến khi có nhu cầu sử dụng, đề bạt hoặc luân chuyển cán bộ thì có những quy hoạch bị đổ vỡ, nhân sự phải thay đi đổi lại, cũng là do việc quy hoạch, đánh giá và lựa chọn cán bộ chưa đúng.

Trong điều kiện hiện nay, ai cũng lên án tư tưởng cơ hội và tình trạng thoái hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên nhưng ở đâu đó vẫn còn hiện tượng chỉ phê bình chung chung. Đương nhiên, nhận xét, đánh giá đúng cán bộ là nhiệm vụ không đơn giản.

Trong những mối quan hệ tác động qua lại giữa con người với môi trường chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường tổ chức mà con người hoạt động khó mà mọi lúc, mọi trường hợp nhận xét, đánh giá về cán bộ đều đầy đủ, chính xác.

Thực tế cho thấy, những yếu kém, khuyết điểm trong nhận xét, đánh giá cán bộ thường là do: Quan niệm về tiêu chuẩn đánh giá cán bộ chưa được rõ; phương pháp đánh giá cán bộ chưa được đúng; người đánh giá cán bộ chưa thật công tâm, khách quan; tổ chức quản lý cán bộ còn yếu kém...

Để việc nhận xét, đánh giá cán bộ được chính xác, hạn chế sai lệch, từ đó, phát hiện, sử dụng đúng người có đức, có tài, phát huy mọi tiềm năng của đội ngũ cán bộ, đồng thời ngăn ngừa sự nhầm lẫn trong sử dụng, đề bạt những cán bộ cơ hội... điều đầu tiên là cần nắm vững quan điểm của Đảng, các quy định về tiêu chuẩn cán bộ. Đó là căn cứ để đánh giá cán bộ tốt hay xấu, giỏi hay kém.

Người đánh giá cán bộ cần nắm vững đường lối, quan điểm, các quy định của Đảng gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng mới có thể nhận xét đúng về tư tưởng và hành động của cán bộ.

Hiện nay, Đảng ta ngày càng hoàn thiện và cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chủ trương trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và có những quy định cụ thể. Điều đó giúp cán bộ có phương hướng phấn đấu đúng đắn, đồng thời cũng làm sáng tỏ căn cứ để xem xét, đánh giá chính xác cán bộ.

Đánh giá cán bộ, điều quan trọng phải công tâm, vô tư, khách quan. Người lãnh đạo và người làm công tác cán bộ cần có tấm lòng trong sáng, vì lợi ích chung của Đảng, của nhân dân. Nếu khác đi thì họ không thể vận dụng đúng đắn tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá cán bộ. Chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng địa phương, cục bộ, bè phái là những căn bệnh rất nguy hiểm trong công tác cán bộ. Vì thế, phải tránh tư tưởng yêu nên tốt, ghét nên xấu, kẻ khéo nịnh bợ, luồn lọt, cùng phe cánh thì được ưu ái trọng dụng, còn cán bộ có đức, có tài, cương trực, thẳng thắn thì bị thành kiến, trù dập.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm...”.

Người nói tiếp: “Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa. Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ”. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị.

Đảng ta luôn khẳng định vấn đề quan trọng là cần dân chủ hóa công tác quản lý cán bộ, khắc phục bệnh quan liêu, chủ quan, cá nhân, gia trưởng. Chỉ dân chủ hóa công tác quản lý cán bộ mới có thể lắng nghe được ý kiến đầy đủ, phong phú, thu nhận được thông tin nhiều chiều, từ đó phân tích, nhận xét, đánh giá chính xác cán bộ.

Cũng chỉ có dân chủ hóa công tác quản lý cán bộ mới bảo đảm công tâm, khách quan, phòng và chống một cách chủ động và hiệu quả các tệ nạn tiêu cực như “mua quan bán tước”, chạy chức, chạy quyền, chạy tội...

Điều đó đòi hỏi người lãnh đạo cần có phong cách dân chủ, gần gũi, sâu sát với cán bộ dưới quyền, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, động viên họ tiến bộ và giúp đỡ, uốn nắn kịp thời nếu họ có khuyết điểm; hết lòng thương yêu cán bộ, sẵn sàng đối thoại và lắng nghe họ.

Hồ sơ lý lịch cán bộ thường xuyên được bổ sung, cập nhật, phản ánh kịp thời những diễn biến về tư tưởng trong công tác và sinh hoạt của cán bộ. Chế độ phê bình và tự phê bình, chế độ nhận xét cán bộ theo định kỳ cần được thực hiện có nền nếp và lưu trữ đầy đủ trong hồ sơ cán bộ...

Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, cần phát huy trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các đoàn thể nhân dân trong công tác quản lý cán bộ. Thực hiện tốt việc phân công, phân cấp quản lý cán bộ để công tác cán bộ gắn chặt với việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, để gắn chặt trách nhiệm nắm việc với trách nhiệm nắm người. Cần có cơ chế mở rộng dân chủ thu hút cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân tham gia.

Chúng ta đã có một số quy định theo hướng này, song cần tiếp tục mở rộng dân chủ và làm tốt hơn nữa. Cần khắc phục một quan niệm khá phổ biến lâu nay coi công tác cán bộ là “công tác bí mật”, chỉ dành cho một số người được bàn và quyết định. Cần mở rộng và nâng cao chất lượng việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, để mọi công nhân, viên chức trong cơ quan và nhân dân ở xã, phường được phê bình và kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên.

Việc nhận xét, lựa chọn, giới thiệu người để bầu vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn thể cần được tiến hành một cách dân chủ, lắng nghe ý kiến và tôn trọng sự lựa chọn của cử tri, các đại biểu trên cơ sở định hướng về tiêu chuẩn, cơ cấu nhưng không gò ép về nhân sự cụ thể.

Cần giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo trong việc bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, điều động cán bộ và những quyết định quan trọng khác trong công tác cán bộ nhằm đảm bảo cho những quyết định về công tác cán bộ được chính xác, ngăn chặn động cơ cá nhân, cục bộ, phe phái hoặc dân chủ hình thức, không tạo điều kiện cho các cấp ủy viên có được đầy đủ thông tin về cán bộ nên có những trường hợp biểu quyết theo cảm tính hoặc mượn danh tập thể để hợp thức hóa quyết định của cá nhân thủ trưởng.

Cấp ủy lãnh đạo khi ra quyết định cần tôn trọng, lắng nghe, ủng hộ những đề xuất đúng đắn, công tâm của người thủ trưởng và trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các cơ quan tham mưu và của cấp dưới mà phân tích, bổ sung khi cần thiết.

Một trong những chức trách của người lãnh đạo cùng với việc quản lý công việc chuyên môn còn phải quản lý cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị. Người cán bộ lãnh đạo có phẩm chất đạo đức và có năng lực ắt chọn được nhiều cán bộ tốt. Vì vậy, hơn ai hết, cán bộ lãnh đạo cần gương mẫu, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, có tấm lòng trong sáng, chí công vô tư, không cá nhân chủ nghĩa, cục bộ, bè phái.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở những người lãnh đạo: “Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”.

Đảng ta luôn xác định: Xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đó, công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định, vì “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Muốn xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh ngang tầm của nhiệm vụ cách mạng, nhất định cần bắt đầu làm thật tốt từ việc tìm hiểu, nhận xét, đánh giá cán bộ.

 

TS Trần Bích Nhuần

Tag:

File đính kèm