Sign In

Công tác xây dựng đảng ở Vĩnh Phúc thời kỳ trước cách mạng tháng tám năm 1945

08:27 02/02/2024
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tỉnh Vĩnh Phúc gồm 2 tỉnh cũ là Vĩnh Yên và Phúc Yên, nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội, có diện tích rộng hơn 1.715 km2, hơn 47 vạn dân, là địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế và quân sự vùng đồng bằng Bắc bộ.

 

Ngay sau khi ra đời, Đảng ta đã rất chú ý đến phong trào cách mạng ở 2 tỉnh này. Và vào tháng 5/1930, Đảng đã cử một số đảng viên về Vĩnh- Phúc Yên hoạt động xây dựng phong trào, nhất là xây dựng cơ sở chính trị, chuẩn bị tiến tới phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở những nơi có điều kiện.

Cuối năm 1932, các tù chính trị đã trốn khỏi nhà tù Hỏa Lò, trong đó có các đồng chí Nguyễn Tạo và Lê Đình Tuyển đã về đồn điền Đa Phúc (thuộc tỉnh Phúc Yên) hoạt động. Tại đây, các đồng chí đã tuyên truyền, giác ngộ các tá điền, xây dựng cơ sở chính trị, sau đó tổ chức các tổ nông hội, tự vệ, dần dần tạo hạt nhân trung kiên rồi kết nạp những hội viên nông hội đủ tiêu chuẩn vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Giữa tháng 3/1933, đồng chí Nguyễn Tạo đã tổ chức cuộc họp có 6 người ở khu Lò Bát thuộc ấp Tân Yên của đồn điền Đa Phúc, tuyên bố thành lập chi bộ. 5 hội viên nông hội tích cực nhất, giác ngộ nhất được vào Đảng và họ là hạt nhân để lập ra Chi bộ Tân Yên giữa năm 1933 (sau này gọi là Chi bộ đồn điền Đa Phúc). 6 đảng viên đầu tiên gồm: Nguyễn Tạo, Nguyễn Văn Thư, Đặng Viết Thửa, Đặng Viết Ốc, Đặng Văn Đào, Đặng Văn Tèo và sau 1 tháng có thêm đảng viên mới Lê Đình Tuyển. Chi bộ đồn điền Đa Phúc do đồng chí Nguyễn Tạo làm Bí thư. Chi bộ phân công đảng viên làm công tác tuyên truyền ở 24 ấp của đồn điền Đa Phúc và mở rộng sang các địa phương khác của tỉnh Vĩnh Yên, trong đó có đồn điền Tam Lộng.

Chi bộ xuất bản tờ báo Tia Sáng ra số đầu vào tháng 5/1933, đăng tải nhiều bài viết để tuyên truyền cách mạng, vận động tá điền và Nhân dân tham gia các tổ chức chính trị. Do đảng viên Chi bộ đồn điền Đa Phúc hoạt động tích cực, có hiệu quả, nên phong trào đấu tranh cách mạng ở đồn điền Tam Lộng (huyện Bình Xuyên - Vĩnh Yên) đã nhanh chóng phát triển. Tổ chức nông hội được xây dựng, trong đó có hàng trăm hội viên tham gia. Đến tháng 10/1933, có một số hội viên tích cực, hạt nhân trung kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Giữa tháng 10/1933, các đảng viên ở đồn điền Tam Lộng dự họp ở ấp Hương Đà và đồng chí Lê Đình Tuyển tuyên bố thành lập Chi bộ đồn điền Tam Lộng. Chi bộ có 6 đảng viên gồm: Lê Đình Tuyển, Trần Văn Nhiên, Nguyễn Như Tính, Nguyễn Văn Dung, Đỗ Văn Cửa và đồng chí Tư. Đồng chí Trần Văn Nhiên (tức Trần Quang Sơn) làm Bí thư chi bộ.

Đó là hai chi bộ đầu tiên ra đời ở tỉnh Vĩnh- Phúc Yên thời bấy giờ. Tuy chỉ tồn tại đến tháng 4/1934, nhưng ý nghĩa của việc thành lập 2 chi bộ rất quan trọng, là mốc son đánh dấu sự khởi đầu của công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh nhà. Sau sự kiện này, địch tăng cường lùng sục, đánh phá cơ sở, bắt bớ cán bộ, làm cho phong trào cách mạng ở 2 tỉnh gặp nhiều khó khăn, tạm thời lắng xuống.

Đến thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936 - 1939), tranh thủ thời cơ hoạt động công khai, Đảng đã cử nhiều cán bộ về 2 tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên khôi phục phong trào, tiếp tục và tăng cường công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở các địa phương; coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, hết sức quan trọng.

Trong thời kỳ hoạt động công khai, phong trào cách mạng ở cả 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên phát triển khá mạnh, nhất là ở thị xã Vĩnh Yên, Phúc Yên, Vĩnh Tường. Hoạt động sôi động nhất là tổ chức Đoàn Thanh niên dân chủ. Trên cơ sở phong trào quần chúng cách mạng, nhất là thanh niên phát triển mạnh; để tạo hạt nhân lãnh đạo, Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo tập trung kết nạp những thanh niên ưu tú trong Đoàn Thanh niên dân chủ vào Đảng. Từ chủ trương như vậy, vùng Vĩnh Tường có phong trào mạnh nhất. Do đó, Xứ ủy Bắc Kỳ đã tổ chức kết nạp 3 thanh niên: Lê Xoay (làng Vũ Di), Nguyễn Tráng (làng Hòa Lạc) và Nguyễn Hành (làng Dẫn Tự) vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 29/8/1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ (Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ) về Vĩnh Tường tổ chức cuộc họp tại làng Vũ Di, tuyên bố thành lập chi bộ Đảng (thời kỳ đầu gọi là Chi bộ Vũ Di, sau đổi thành Chi bộ Vĩnh Tường).

Theo chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, Chi bộ Vĩnh Tường chịu trách nhiệm chỉ đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh Vĩnh Yên và công tác Đảng của tỉnh Phúc Yên. (Thực hiện sự chỉ đạo và phân công của Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Lê Xoay, Bí thư Chi bộ Vĩnh Tường đã trực tiếp làm công tác xây dựng Đảng ở Lập Thạch. Do đó, tháng 8/1939, đồng chí Lê Xoay đã kết nạp đồng chí Lê Doanh- một hạt nhân trung kiên ở Lập Thạch vào Đảng. Cuối năm 1939, đồng chí Lê Xoay về Phúc Yên hoạt động, tháng 9/1939 kết nạp đồng chí Hoàng Xuân Quán và tháng 2/1940, kết nạp đồng chí Vương Văn Huống vào Đảng. Cuối năm 1939, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường còn có Chi bộ ghép Dẫn Tự - Hòa Lạc - Thượng Trưng được thành lập; sau đó là Chi bộ Lâm Hộ, thị xã Phúc Yên ra đời đầu năm 1942 do đồng chí Lê Xoay làm Bí thư. Để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng ở các địa phương, đồng thời thống nhất chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, trên cơ sở mối quan hệ nhiều mặt giữa tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên, vào tháng 3/1940, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ban vận động liên tỉnh Vĩnh- Phúc Yên gồm 3 đồng chí: Lê Xoay, Nguyễn Tráng (tỉnh Vĩnh Yên) và Hoàng Xuân Quán (tỉnh Phúc Yên); đồng chí Lê Xoay làm Bí thư. Sự kiện này có thể coi là dấu mốc thành lập Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Đến tháng 8/1940, do điều kiện lịch sử cụ thể, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định giải tán Ban vận động liên tỉnh, thành lập Ban cán sự tỉnh Vĩnh Yên, chỉ định đồng chí Lê Xoay làm Bí thư. Tỉnh Phúc Yên do bị địch khủng bố nặng nề, nên đầu năm 1942, mới thành lập Ban cán sự tỉnh do đồng chí Lê Quang Đạo làm Bí thư.

 

Từ năm 1940, phong trào cách mạng ở 2 tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên phát triển hết sức sôi động và công tác xây dựng Đảng cũng đạt những kết quả rất quan trọng. Riêng tỉnh Vĩnh Yên, vào tháng 4/1941, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định để Ban cán sự tỉnh Vĩnh Yên thành lập Ban cán sự thị xã Vĩnh Yên và Phủ ủy Vĩnh Tường cùng 2 Tổng ủy Thượng Trưng, Đồng Phú.

Ban Phủ ủy Vĩnh Tường gồm 5 đồng chí do đồng chí Nguyễn Tráng, Ủy viên Ban cán sự tỉnh Vĩnh Yên làm Bí thư. Bí thư Tổng ủy Thượng Trưng là đồng chí Nguyễn Văn Khé, Bí thư Tổng ủy Đồng Phú là đồng chí Nguyễn Hành. Như vậy, đến thời điểm này, hệ thống tổ chức Đảng có từ cấp xã, huyện đến tỉnh- là một trong rất ít tỉnh ở Bắc Kỳ có được kết quả này.

Bước sang đầu năm 1942, tình hình 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên có nhiều thay đổi. Riêng tỉnh Phúc Yên, từ cuối năm 1941, Trung ương quyết định lấy một phần các tỉnh Phúc Yên, Bắc Ninh, Hà Đông để xây dựng an toàn khu (ATK) chính thức của Trung ương. Vì vậy, nhiệm vụ của tỉnh Phúc Yên là phục vụ các cơ quan Trung ương; do đó, công tác xây dựng Đảng có những quy định riêng. Tỉnh Vĩnh Yên từ năm 1942 đến 1944, địch tăng cường đánh phá cơ sở, bắt bớ, giam cầm, tù đày nhiều cán bộ, đảng viên. Vì vậy, Xứ ủy đã bổ sung, tăng cường nhiều cán bộ cho tỉnh Vĩnh Yên. Đặc biệt, năm 1944, Xứ ủy cử hai đội công tác về tỉnh Vĩnh Yên vừa giúp tỉnh Vĩnh Yên khôi phục phong trào, nhất là xây dựng cơ sở chính trị, bồi dưỡng hạt nhân để kết nạp Đảng; vừa làm nhiệm vụ do Xứ ủy giao. Nhờ đó, đến cuối năm 1944, phong trào cách mạng ở 2 tỉnh dần được phục hồi và có bước phát triển rất quan trọng. Trước tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, tình thế cách mạng chuyển biến mau lẹ, thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đang chín muồi, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định chuyển đội công tác của Xứ ủy gồm 3 người thành Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Vĩnh Yên (đồng chí Đinh Đức Thiện, Khuất Thị Vĩnh và Phạm Học) do đồng chí Đinh Đức Thiện làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời.

Tiến trình xây dựng Đảng ở Vĩnh Yên và Phúc Yên thời kỳ trước khởi nghĩa thật sự gian nan, chịu nhiều hy sinh, tổn thất, có những thăng trầm, nhưng từng bước đưa công tác xây dựng Đảng tiến bộ, trưởng thành; đến sát khởi nghĩa, cả 2 tỉnh có 11 chi bộ với gần 60 đảng viên, họ là hạt nhân trung kiên lãnh đạo Nhân dân vùng lên làm cuộc đổi đời lịch sử giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Viết về họ - lớp đảng viên vào Đảng những năm 30, 40 của thế kỷ XX, thật sự là những con người tận trung với nước, tận hiếu với dân, rất đáng kính trọng. Họ là những người cộng sản chân chính, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Dấn thân vô là phải chịu tù đày; là gươm kề tận cổ, súng kề tai; là thân sống chỉ coi còn một nửa”!

Đ.V.T

Tag:

File đính kèm