Dưới sự dìu dắt của Đoàn, sự lãnh đạo của Đảng, thế hệ thanh niên Mù Cang Chải hôm nay đã nhận thức rõ hơn về lý tưởng, vai trò, trách nhiệm của bản thân, sẵn sàng cống hiến tri thức, nhiệt huyết, sức trẻ cho vùng cao đổi mới.
Khát vọng là đặc trưng của tuổi trẻ. Trong những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, khát vọng của lớp lớp thanh niên là lên đường tòng quân quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Hòa bình lập lại, khát vọng tuổi trẻ là tham gia tái thiết đất nước. Ngày nay, khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập và đổi mới, khát vọng của thế hệ trẻ là sống cống hiến, là trở thành công dân có ích, đóng góp sức lực, trí lực xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu mạnh hơn.
Thanh niên Mù Cang Chải cũng thế! Dù sinh sống ở địa phương là một huyện nghèo của cả nước với biết bao khó khăn bủa vây từ địa hình đồi núi cao, xa xôi cho đến 98% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân nghèo nàn, lạc hậu song thế hệ thanh niên nơi đây đã có những cách riêng để biến khát vọng cống hiến thành hành động cống hiến. Không cam chịu đói nghèo, nỗ lực học tập, khởi nghiệp là một trong số đó. Họ đã tin theo Đảng, theo tổ chức Đoàn Thanh niên, tiên phong thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào từ quá khứ đến hiện tại như: "Ba bỏ” (bỏ trồng, bỏ hút, bỏ mua bán cây thuốc phiện), "Ăn chung một tết”, "Thanh niên tình nguyện”, "Tuổi trẻ sáng tạo”, "Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, "Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”...
Một điều quan trọng là họ đã thay đổi tư duy, nhận thức để hiểu rằng cần phải đi học để có kiến thức, có trình độ. Vì vậy, ở Mù Cang Chải ngày càng có nhiều bạn trẻ sau khi học xong trung học phổ thông tại huyện đã vượt hàng trăm cây số để tiếp tục theo học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề.
Đồng chí Giàng A Vừ - Phó Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên huyện nhà.
Với hành trang kiến thức, họ bắt tay vào làm kinh tế với nhiều cách khác nhau, trên nhiều lĩnh vực, thậm chí hỗ trợ nhau, thể hiện sự sáng tạo, nhạy bén, biết khai thác và phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương để làm kinh tế, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ở bản Háng Giàng, xã Lao Chải có kỹ sư chuyên ngành chăn nuôi thú y Sùng A Nủ với khát vọng mang kiến thức đã học, đồng hành cùng thanh niên địa phương phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
Năm 2023, Nủ đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi tổng hợp Lao Chải, tuyên truyền, vận động gia đình và một số thanh niên trong bản đang chăn nuôi trâu, bò thả rông chuyển sang chăn nuôi tập trung. Nủ cùng các thành viên đầu tư vốn, xây dựng chuồng trại, cơ sở hạ tầng với hệ thống chuồng trại chăn nuôi tập trung: trâu, bò, lợn, gà, kết hợp trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi cùng hệ thống biogas. Nủ còn đang triển khai mô hình chăn nuôi, bảo tồn và phát triển giống cá trê đá Tây Bắc (cá suối); trồng cây hoa tớ dày dọc theo suối để tạo điểm câu rút trải nghiệm và thu hút khách du lịch, hứa hẹn sẽ đưa vào hoạt động đầu năm 2026.
Nủ bộc bạch: "Làm như thế này, ban đầu sẽ hơi khó khăn khi thay đổi hoàn toàn phương thức sản xuất của người dân nhưng về lâu dài sẽ tạo ra khối lượng hàng hoá lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, rủi ro thấp. Thời gian tới, HTX còn dự định nuôi giống gà đen bản địa; mở rộng thị trường phân phối con giống và thức ăn chăn nuôi; tích cực vận động, tuyên truyền nhân dân phòng bệnh ở gia súc, gia cầm và làm nông nghiệp sạch, tạo ra một chu trình sản xuất tuần hoàn, khép kín”.
Còn có
Giàng A Dê với khát vọng khởi nghiệp, đưa quê hương vươn ra thế giới bằng cách làm du lịch. Khát vọng của Dê đã được hiện thực hóa, trở thành động lực giúp bản thân Dê cùng nhiều bạn trẻ quyết tâm khởi nghiệp trên chính mảnh đất này. Bằng chứng là trong vòng chưa đầy 3 năm, Mù Cang Chải đã có trên 60 mô hình du lịch do thanh niên làm chủ, riêng xã La Pán Tẩn có 30 mô hình, trong khi năm 2017 chỉ mới có lác đác 1 vài mô hình. Lượt khách du lịch và doanh thu từ du lịch tăng dần sau mỗi năm, trong đó, năm 2023 là 365.000 lượt và 365 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng nghìn người dân trong vùng.
Khát vọng cống hiến của thanh niên Mù Cang Chải còn thể hiện rõ trong các buổi xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Hàng ngày, họ vẫn lên nương, lên rẫy nhưng hễ có phát động là lại hò nhau đến điểm tập kết. Khi thì góp công góp sức, chở xi măng, gùi từng bao cát, đá, sỏi để mở mới, bê tông đường giao thông nông thôn, dựng nhà cho hộ nghèo; khi thì trồng cây xanh, vệ sinh môi trường, khai hoang ruộng bậc thang, khắc phục hậu thiên tai, bão lũ; lúc thì tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng số…
Trong bất cứ hoạt động nào, thanh niên cũng luôn là lực lượng đông đảo nhất, có mặt sớm nhất, đóng góp nhiều ngày công nhất để hoàn thành các công trình. Trong nhiệm kỳ 2019-2024, thanh niên Mù Cang Chải đã thực hiện 392 công trình, phần việc thanh niên, thu hút trên 40.000 lượt thanh niên tham gia; trong đó, riêng năm 2023 là 60 công trình, phần việc.
Đặc biệt, trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tháng 8/2023, trên 1.800 lượt thanh niên đã nhanh chóng có mặt, tích cực thực hiện các phần việc: khơi thông trên 25 km đường đặc thù; di dời, sửa chữa trên 60 nhà ở cho người dân; vận động kết nối, hỗ trợ tiếp nhận và phân phát hàng hóa, nhu yếu phẩm từ các nhà hảo tâm, từ thiện đến với nhân dân trong vùng lũ.
Giàng A Dê (ngoài cùng bên trái) chia sẻ về hành trình khởi nghiệp làm homestay góp phần đưa du lịch huyện Mù Cang Chải với đoàn thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 26/3/2024.
Chưa kể, trong Chương trình "tiếp sức mùa thi”, thanh niên còn tham gia công tác vệ sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất, hỗ trợ các điểm thi, thành lập "Đội xe ôm miễn phí” sẵn sàng đưa đón các thí sinh ở xa đến dự thi đúng thời gian quy định...
Đồng chí Hà Thị Vân Kiều - Bí thư Huyện đoàn Mù Cang Chải chia sẻ: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên - lời dạy của Bác đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng, thực sự đi vào hành động, tư tưởng của thanh niên địa phương. Họ đã thực sự hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó, tin tưởng theo Đảng, quyết tâm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, để được Đảng giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện trở thành người giúp ích cho quê hương”.
Từ năm 2020 đến nay, Đảng bộ Mù Cang Chải đã kết nạp 619 đảng viên, trong đó thanh niên là 608 người, chiếm tới 98%. Bí thư Huyện đoàn Hà Thị Vân Kiều cho biết thêm, hàng năm, Huyện đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc tổ chức nhiều phong trào, hoạt động tạo môi trường để tuổi trẻ toàn huyện thể hiện kiến thức, năng lực, trưởng thành trong thực tiễn. Thông qua 3 phong trào cách mạng, 3 chương trình đồng hành của Đoàn đã phát hiện nhiều đoàn viên ưu tú, tạo nguồn phát triển Đảng.
Quá trình này phải được thực hiện trên cơ sở chắt lọc từ đoàn viên ưu tú; đánh giá đúng động cơ, kết quả phấn đấu, rèn luyện của đoàn viên, chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, hình thức. Đó phải là những cá nhân hoạt động tích cực, tiêu biểu, tiên phong trong các phong trào của Đoàn, địa phương phát động, thi đua sản xuất giỏi và các cuộc sinh hoạt của Đoàn; gương mẫu đi đầu và tích cực, nhiệt tình vận động, tuyên truyền bà con chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trải qua sự rèn luyện từ các phong trào trong thực tiễn, sự dìu dắt của Đoàn, sự lãnh đạo của Đảng đã tạo cho Mù Cang Chải một thế hệ trẻ ngày càng có trình độ, sáng tạo, nhiệt huyết, có bản lĩnh chính trị vững vàng và một tinh thần sẵn sàng cống hiến. Huyện Mù Cang Chải cũng coi trọng dụng người trẻ, trẻ hóa cán bộ là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta để thường xuyên, liên tục phát hiện, quy hoạch, tạo nguồn nhân tố trẻ triển vọng, tạo động lực, điều kiện thuận lợi để người trẻ phát huy năng lực, sở trường, động lực cống hiến…
Hoài Anh - Hồng Duyên
(Bài 2: Tạo cơ hội để người trẻ rèn luyện và trưởng thành)