Đèo Lũng Lô hiện nay
Tên đèo Lũng Lô đã đi vào sử sách trong cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc như một huyền thoại. Nơi nhà thơ Tố Hữu ghi lại những câu ca vang dội và hào hùng của quân và dân cả nước, dốc sức tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ qua đèo Lũng Lô, khiến thực dân Pháp phải bất ngờ, khiếp sợ:
"Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh"
Nằm trên Quốc lộ 37, tại ranh giới hai huyện Văn Chấn (Yên Bái) và Phù Yên (Sơn La), nằm về phía Đông Bắc và cách thị trấn Phù Yên 33km. Đèo dài 15km, từ Km 349 đến Km 364, độ dốc 10%. Trong kháng chiến chống Pháp, Trung ương Đảng quyết định mở con đường 13A bắt đầu từ Bến Hiên, thuộc tỉnh Tuyên Quang, vượt qua Bến Âu Lâu, đi qua đèo Lũng Lô tới ngã ba Cò Nòi, nối với đường 41 phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuyến đường được công binh và dân công phải mở dài hơn 120 km, địa hình chủ yếu là núi cao, vực sâu, phải đi qua ba sông lớn là sông Chảy, sông Hồng và sông Đà.
Xác định rõ nhiệm vụ chính trị là bảo đảm thông suốt mạch máu giao thông ra chiến trường, từ tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, tỉnh Yên Bái đã quyết định thành lập Cung đường 13. Yên Bái huy động 124.458 lượt dân công tham gia mở đường với 173.197 công đào, đắp và san lấp hố bom chống lún sạt. Nhân dân địa phương đã tự nguyện quyên góp hàng nghìn cây gỗ, hàng chục nghìn cây tre, bương, vầu, cột nhà lót đường, bắc cầu thông xe, vận tải quân lương vào chiến dịch. Sau hơn 200 ngày đêm, quân và dân ta vừa mở đường vừa bảo vệ và vận chuyển được hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khí đạn dược đến nơi an toàn. Tuyến đường qua đèo Lũng Lô được thông suốt nối với chiến khu Việt Bắc và các tỉnh Tây Bắc, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, nhờ đó mà hàng chục nghìn ô-tô, xe thồ chở hàng vũ khí tiếp ứng đầy đủ kịp thời cho chiến trường.
Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)
Tháng 2/1954, thực dân Pháp tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường lên Tây Bắc, hòng ngăn cản sự tiếp viện của hậu phương ra chiến trường. Cùng với Âu Lâu, Hưng Khánh, Vực Tuần, Cò Nòi, địa điểm đèo Lũng Lô là nơi địch đã ném xuống gần 12.000 tấn bom, có những ngày địch ném xuống 200 quả bom. Trong suốt chiến dịch, mỗi ngày có từ 16 đến 18 chiếc máy bay địch oanh tạc từ 5 đến 6 lần. Vượt qua nguy hiểm, bất chấp bom rơi đạn nổ, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến đã có hàng chục nghìn lượt người, dân công ngày đêm bám đường. Địch phá, ta lại sửa ta đi, địch phá đoạn này, ta mở đoạn khác, địch phá ban ngày, ta mở đường ban đêm. Hàng chục nghìn tấn quân lương, quân trang, vũ khí đạn dược, hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm tập kết ở khu vực Thượng Bằng La đã vượt đèo vào chiến trường và được bảo vệ an toàn.
Với nhiệm vụ nặng nề và thời gian cấp bách, con đường tiếp tế cho Điện Biên Phủ qua đèo Lũng Lô đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày và trở thành một kỳ tích lịch sử, khiến thực dân Pháp bất ngờ, khiếp sợ tinh thần quả cảm của quân và dân ta. Từ sự đoàn kết, thống nhất trong lao động, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, đường 13A trở thành con đường lịch sử, văn hóa đã được hình thành, đóng góp tích cực cho chiến thắng Điện Biên Phủ và quá trình phát triển kinh tế-xã hội 2 tỉnh Yên Bái, Sơn La.
Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bộ Tham mưu và các cơ quan trọng yếu của Bộ Tư lệnh cũng đã từng đi lên chiến trường Điện Biên Phủ bằng con đường này. Những địa danh lịch sử như đèo Khế, bến Hiên, Âu Lâu, Vực Tuần, Lũng Lô, Cò Nòi đã trở thành những mốc son trên con đường lịch sử 13A ấy.
Tiền thân của đường 13A được mở từ thời phong kiến, là đường cái quan nhưng chỉ là đường đất, hẹp vừa đủ đi ngựa, dọc đường có trạm giao liên và đội ngũ trang, sách, châu, huyện, lộ trông coi, tu bổ. Đến thời Pháp thuộc (khoảng từ những năm 1912-1944), thực dân Pháp đã cho xây dựng, sửa chữa nhiều tuyến đường trên khắp Đông Dương, trong đó có con đường 13A (thuộc đường liên tỉnh) với quy mô rộng hơn, có đoạn rải cấp phối, cầu bê-tông và cầu kim khí, xây dựng bến phà Hiên, Âu Lâu… Những năm 1952-1954 ta chính thức mở đường 13A Tuyên Quang-Yên Bái-Lũng Lô-đèo Chẹn, nối với đường 41 ở Tạ Khoa (Sơn La) phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đường 13A được coi là tuyến đường độc đạo duy nhất từ thủ đô kháng chiến Tuyên Quang, nơi tập trung hàng viện trợ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, nối liền với đường 41 vận chuyển lên Tuần Giáo và Điện Biên Phủ.
Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: TTXVN)
Cái khó của đường 13A là phải mở mới hơn 120km đường, trong đó 2 đèo hóc búa nhất là đèo Lũng Lô và đèo Chẹn cheo leo, hiểm trở với trùng trùng dãy núi đá vôi và tai mèo, phải hoàn thành trong một thời gian ngắn. Đó là chưa kể con đường phải đi qua ba con sông là sông Chảy, sông Hồng và sông Đà cùng vô vàn suối, khe.
Ban chỉ huy công trường 13 được thành lập có nhiệm vụ thi công phân đoạn cuối của tuyến đường này từ bến phà Hiên đi qua thị xã Yên Bái, vượt bến phà Âu Lâu vào tới Vực Tuần, vượt đèo Lũng Lô sang địa phận huyện Phù Yên tỉnh Sơn La để kết thúc tại ngã ba Cò Nòi. Cung đường 13 dài 193km, chặng Hiên-Vực Tuần-đèo Lũng Lô dài 106km; chặng Lũng Lô-Cò Nòi dài 87km. Lực lượng công binh có tới hàng nghìn chiến sĩ thuộc Trung đoàn công binh 151, dân công (tính riêng địa phận Yên Bái có hơn 6.000 người, gồm nhiều dân tộc khác nhau). Phương tiện kỹ thuật thô sơ, địa hình hiểm trở, bị máy bay địch liên tục bắn phá…
Khó khăn nhất là ở trọng điểm Lũng Lô, là một dải núi đá nguyên thủy, đoạn này dài 12km với nhiều địa điểm quan trọng như T100 (trọng điểm 7b), che giấu hàng mấy chục chiếc ô-tô, hàng trăm chiếc xe đạp thồ chờ tối đến là vượt đèo ra trận, có xưởng sửa chữa ô-tô và trạm thương binh (trọng điểm 7c); trụ sở của công trường 13A, nơi làm việc của cán bộ Trung ương (trọng điểm 7d). Lũng Lô còn có “Hang vũ khí” nơi tập trung vũ khí chuyển lên Điện Biên, “Hang Đại tướng” vì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dừng chân nghỉ tại đây trên chặng đường ra trận.
Bởi vậy, đây là nơi mà giặc Pháp cho ném bom vô cùng ác liệt. Nhưng với sự quyết tâm, lòng quả cảm của quân và dân ta, tuyến đường vẫn được thông trong hoàn cảnh vừa làm, vừa sửa, vừa thông xe. Hàng chục nghìn dân công đã dũng cảm vượt qua bom đạn, suối sâu, đèo cao vận chuyển được 22. 370 tấn vũ khí, khí tài và lương thực ra mặt trận. Riêng tỉnh Yên Bái đã đóng góp 1.680.740 ngày công người, 2.700 công thuyền, 2.616 công xe đạp thồ, huy động 1.300 tấn gạo, 1.213 con trâu, 489 con lợn và hàng chục tấn rau xanh.
Hiện nay, Đèo Lũng Lô còn nguyên dấu tích lịch sử mệnh lệnh của Đại tướng được tạc vào vách đá trước cửa hang vũ khí, khi Người dừng chân trên đường chỉ huy chiến dịch Điên Biên Phủ: "Nếu để một viên đạn ẩm mốc là có tội với đồng bào". Chân đèo là nơi họa sĩ Tô Ngọc Vân đã hy sinh (ông ngã xuống ở chân đèo Lũng Lô vì bom của Pháp sau khi hoàn thành bức ký họa cuối cùng có tên đèo Lũng Lô, mô tả cảnh chiến sĩ và dân công hỏa tuyến mừng vui phấn khởi trở về sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ vào buổi sáng 17/6/1954, thời điểm sau khi toàn thắng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 40 ngày và chỉ cách ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ có 34 ngày). Đỉnh đèo là địa danh nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác hành khúc "Hành quân xa" với ca từ "đâu có giặc là ta cứ đi" trên đường hành quân ra mặt trận...
Cựu chiến binh xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái) kể chuyện với lớp trẻ bên bia di tích đèo Lũng Lô. (Ảnh: Báo Yên Bái)
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa 70 năm, di tích đèo Lũng Lô hôm nay còn đó như một minh chứng hào hùng của lịch sử chống giặc ngoại xâm của cha ông ta. Ngày 27/4/2011, Đèo Lũng Lô được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia tại quyết định số 1409/QĐ-BVHTTDL, là địa chỉ đỏ minh chứng cho khát vọng giải phóng đất nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Di tích Đèo Lũng Lô là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những sự hy sinh xương máu góp phần làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc.
Theo Báo Nhân dân