Hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của HĐND các cấp
Hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Hội đồng nhân dân (HĐND), đại biểu HĐND các cấp nói chung; đồng thời đó cũng là cầu nối giúp đại biểu dân cử lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, khiếu nại, tố cáo là một kênh thông tin phản ánh việc thực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, giữ vai trò quan trọng trong việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội và mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước nói chung và với các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử nói riêng.
Xác định công tác giải quyết đơn thư của công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của HĐND, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Quy chế tiếp công dân và tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của HĐND, đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh là cơ quan được Đảng đoàn, Thường trực HĐND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu xử lý đơn thư của công dân gửi đến HĐND tỉnh.
Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, HĐND tỉnh đã tiếp nhận tổng số 43 đơn của công dân gửi đến HĐND, Chủ tịch HĐND, Thường trực HĐND tỉnh qua đường bưu điện.Trong đó có 15 đơn khiếu nại; 03 đơn tố cáo; 24 đơn kiến nghị phản ánh; 01 đơn khác.Nội dung đơn tập trung về các lĩnh vực: Đất đai, môi trường, giáo dục và đào tạo, thực hiện chế độ chính sách người có công; hoạt động xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng.
Sau khi xem xét có 34 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước; 02 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị khác (cơ quan Đảng, cơ quan quân sự); 07 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tố tụng.Ban Pháp chế đã tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh xem xét xử lý đạt 100%/ tổng số đơn tiếp nhận.
Trong đó,đã xử lý chuyểnđơn đếncơ quan có thẩm quyền giải quyết 08đơn;lưu 35 đơn theo dõi theoquy định, lý do lưu đơn: Đơn nặc danh; không ghi ngày, tháng, năm; đơn được gửi cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong đó có cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết; đơn đã được các cấp tòa án xét xử; đơn đã hết thời hiệu khiếu nại; đơn đang được cơ quan có thẩm quyền giải quyết; công dân tự rút đơn...
Trong việc xử lý đơn thư gửi đến HĐND, yêu cầu đầu tiên là cơ quan, người được giao xử lý phải bám sát, nắm vững các quy định của pháp luật về xử lý đơn thư (Luật Tiếp công dân năm 2014; Nghị quyết số 759/2014/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND các cấp; Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh). Cần nắm rõ nguyên tắc về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử được pháp luật quy định tại Nghị quyết số 759/2014/NQ-UBTVQH13 đó là: HĐND, đại biểu HĐND có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết; theo dõi đôn đốc, giám sát việc giải quyết theo quy định của pháp luật.
Khi tiếp nhận đơn thư do Thường trực HĐND giao nghiên cứu tham mưu xử lý, cần tổ chức thực hiện đúng quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, gồm: Giao chuyên viên giúp việc Ban cập nhật đơn thư vào sổ thụ lý;Tiến hành phân loại đơn: Đơn khiếu nại; Đơn tố cáo; Đơn kiến nghị, phản ánh; Đơn có nhiều nội dung khác nhau. Sau đó là phân loại theo đơn đủ điều kiện xử lý và đơn không đủ điều kiện xử lý; đơn có họ tên, chữ ký của nhiều người hoặc một người; đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước; cơ quan dân cử; cơ quan tố tụng, thi hành án; cơ quan, đơn vị khác (nội dung này Thông tư số 05/2021/TT-TTCP quy định rất rõ).
Tổ chức nghiên cứu thật kỹ đơn thư công dân gửi đến để hiểu rõ nội dung của đơn, điều mà công dân muốn đề nghị trong đơn; xác định đúng cơ quan, cá nhân có trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết để gửi đúng địa chỉ.
Khi tham mưu văn bản chuyển đơn của Thường trực HĐND đến cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết cần đồng thời gửi cho người đã gửi đơn đến HĐND biết và yêu cầu cơ quan, tổ chức khi giải quyết xong gửi kết quả giải quyết, trả lời cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết. Sau khi chuyển đơn cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời đúng thời hạn do Thường trực HĐND đề ra. Trên cơ sở quy định của pháp luật về thời hạn trả lời đơn thư, và thời hạn do Thường trực HĐND yêu cầu trong văn bản gửi cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết, cơ quan, cá nhân được Thường trực HĐND giao xử lý đơn thư có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan, người có trách nhiệm giải quyết thông qua hình thức trao đổi trực tiếp hoặc tiếp tục gửi công văn để nhắc nhở về thời hạn giải quyết. Trong trường hợp đơn thư được giải quyết nhưng xét thấy việc giải quyết không thỏa đáng thì yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức xem xét lại; khi cần thiết, Thường trực HĐND yêu cầu cấp trên của cơ quan, đơn vị đó giải quyết. Việc đôn đốc giải quyết cần mềm dẻo và kiên quyết, vừa chỉ ra cái sai, vừa phải biết thuyết phục để cơ quan, cá nhân làm sai thấy cái sai mà khắc phục và Thường trực HĐND phải theo đến cùng để giải quyết dứt điểm nội dung đơn thư đã chuyển.
Khi nhận được báo cáo kết quả giải quyết của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì cơ quan, người được giao nhiệm vụ xử lý đơn thư tiếp tục nghiên cứuxem xét, đánh giá việc giải quyết. Nội dung xem xét, đánh giá bao gồm: Việc thực hiện quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết; trình tự, thủ tục giải quyết; việc áp dụng pháp luật về nội dung để giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo; nếu thấy có những vấn đề chưa rõ ràng thì tiếp tục yêu cầu báo cáo, giải trình, tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ để có cơ sở kết luận việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là đúng hay sai.
Qua xem xét, nếu thấy việc giải quyết có vi phạm pháp luật thì kiên quyết kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại vụ việc theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Trường hợp xét thấy cần thiết, nhất là đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, khiếu nại, tố cáo dai dẳng, kéo dài; vụ việc cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết không đảm bảo quy định của pháp luật thì đề nghị Thường trực HĐND thành lập đoàn giám sát hoặc giao cho Ban của HĐND tiến hành giám sát theo trình tự, thủ tục luật định. Khi kết thúc giám sát vụ việc, cơ quan được Thường trực HĐND giao giám sát phải làm báo cáo kết quả giám sát, trong đó cần thể hiện rõ quan điểm về việc chấp hành pháp luật trong giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Đối với giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo được Thường trực HĐND giao, trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban của HĐND cần chú ý quan tâm giám sát về một số nội dung gồm:Giám sát thời hạn giải quyết khiếu nại,thời hạn giải quyết tố cáo. Giám sát về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo. Giám sát nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Giám sát quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là công việc khó, bởi vì để kết luận việc giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo là đúng hay sai phải nghiên cứu, đối chiếu với rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau và qua các giai đoạn khác nhau. Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, Thường trực HĐND cần đặc biệt quan tâm đến việc bố trí những cán bộ, công chức có năng lực, tâm huyết làm công tác này.
CTV: Vân Anh